Bài: Khương Nha
Ảnh: Jet Huynh, Amachau
Không phải ngẫu nhiên Cần Thơ được mệnh danh là “Tây Đô” của vùng sông nước Cửu Long. Xứ gạo trắng nước trong hội tụ đầy đủ lợi thế của một đô thị phồn hoa đô hội để rồi “ai đi đến đó lòng không muốn về”.
Tôi không nhớ chính xác mình đã về Cần Thơ bao nhiêu lần. Nhưng lịch trình của tôi ở đây luôn bắt đầu từ sáng sớm trên phiên chợ nổi Cái Răng. Ở đây bạn có thể hoà mình vào nhịp sống tấp nập của những thương hồ từng vang bóng một thời khắp Nam kỳ lục tỉnh, lênh đênh trên những chiếc ghe nhỏ, tấp vào một “quán ăn di động” trên sông, gọi một tô hủ tiếu thơm lừng và thưởng thức giữa khung cảnh dập dìu sông nước.
Từ trung tâm thành phố, tôi đi ra thẳng bến thuyền, thuê một chiếc ghe nhỏ giá 300.000VNĐ để bắt đầu cuộc dạo chơi. Nếu muốn tiết kiệm, bạn có thể ghép đoàn với giá khoảng 40.000VNĐ/một người, tuy nhiên sẽ không được chủ động về lịch trình. Chợ thường bắt đầu từ tờ mờ sáng và sôi động nhất vào khoảng 7-8 giờ sau đó vãn khách.
Trải qua hàng trăm năm với bao thăng trầm nhưng người dân nơi đây vẫn giữ lại những nét sinh hoạt đặc trưng của vùng sông nước. Khác những phiên chợ trên đất liền, chợ nổi không có tiếng mời gọi, rao bán. Tất cả hàng hóa được sắp đầy trên ghe, thuyền. Trên đó chủ ghe dựng lên một cây bẹo. Theo “Từ điển phương ngữ Nam bộ”, bẹo là một động từ có nghĩa “chưng ra, đưa ra để khêu gợi”. Nhìn vào món đồ được treo trên cây bẹo, khách hàng có thể biết chủ ghe bán gì mà tìm đến. Tuy nguyên tắc chung trên chợ nổi là “treo gì bán nấy”, nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ thú vị như “treo mà không bán”, đó là quần áo. Thương hồ miền tây quanh năm lênh đênh sông nước. Chiếc thuyền như một ngôi nhà di động. Trên đó có đầy đủ TV, phòng ngủ, nơi giặt giũ, vệ sinh. Nhưng vì không gian chật hẹp nên quần áo nào sau khi giặt xong thường được treo luôn lên cây bẹo cho nhanh khô. Trên chợ nổi cũng lại có những thứ “không treo mà bán”, đó là đồ ăn, thức uống giải khát. Cái hay của việc ngồi ăn trên ghe không chỉ ở việc thưởng thức hương vị mà còn cảm giác chơi vơi, lênh đênh. Giữa mênh mông sông nước, trong không khí hơi se lạnh của sáng sớm, được thưởng thức một tô hủ tiếu nghi ngút khói với bốn bề là ghe xuồng tấp nập là trải nghiệm khó có thể tìm thấy ở đâu khác. Một chủ ghe nói với tôi ở đây còn có kiểu “treo cái này bán cái khác” đó là bán ghe. Nếu trên cây bẹo treo một tấm lá lợp hoặc tàu lá dừa thì có nghĩa người ta muốn bán chiếc ghe đó đi.
Trên khu chợ nổi sầm uất bậc nhất miền Tây, bạn sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị về văn hoá, lịch sử cũng như nhịp sống thường nhật. Người dân ở đây rất cởi mở và chân tình, họ dễ dàng làm quen và kể cho bạn nghe nhiều chuyện thú vị từ thời khẩn hoang đến những truyền thuyết kỳ bí về rừng U Minh hay miệt thứ sông nước.
Nhưng Cần Thơ không chỉ có chợ nổi Cái Răng. Đô thị sôi động bậc nhất miền Tây Nam bộ còn nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh, khu vui chơi giải trí khác. Một trong những điểm nổi tiếng tôi được người dân gợi ý là nhà cổ trăm năm tuổi trên đường Bùi Hữu Nghĩa. Đã xế chiều nhưng nhà cổ Bình Thuỷ vẫn tấp nập khách ra vào. Đây được ví như một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất miền Tây. Từ cổng đến hàng rào và các hoa văn đắp nổi trên bờ nóc đầu hồi đều mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu. Nhìn bên ngoài công trình không khác gì một biệt thự xa hoa của Pháp những năm cuối thế kỷ 19. Nhưng bước qua bậc thang hình cánh cung để vào gian chính, du khách sẽ bất ngờ bởi toàn bộ nội thất bên trong được chọn lựa và bài trí theo cách truyền thống của người Việt xưa. Điều đặc biệt trong ngôi nhà là dưới lớp gạch men được chuyển hoàn toàn từ Pháp về là chủ nhà còn rải thêm một lớp muối dày khoảng 10cm dưới nền. Việc này không chỉ giúp ngôi nhà mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông mà còn giúp gia chủ tránh được những tai ương theo quan niệm dân gian. Ngoài kiến trúc đặc trưng được bảo tồn nguyên vẹn, nhà cổ Bình Thuỷ còn có vườn lan và bộ sưu tập đồ cổ với nhiều hiện vật giá trị.
Buổi tối tôi dành thời gian dạo chơi bên bến Ninh Kiều để có thể cảm nhận hết nhịp sống hiện đại của thành phố. Cần Thơ về đêm là một trải nghiệm hoàn toàn khác lạ. Điều khiến tôi bất ngờ nhất ở đây là cây “cầu tình yêu” vắt ngang sông Hậu, nối bến Ninh Kiều với cồn Cái Khê. Đêm xuống, cả thành phố như khoác lên mình chiếc áo màu sắc với nhịp sống sôi động không thua kém bất kỳ nơi phồn hoa đô hội nào.
Ngoài chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thuỷ, bến Ninh Kiều, du khách đến Cần Thơ có thể ghé thăm thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, vườn trái cây, vườn cò. Thưởng thức những đặc sản nổi tiếng miền sông nước như cá linh, bông điên điển vào mùa nước nổi hoặc bánh tét lá cẩm, nem nướng Cái Răng, ba khía rang me hoặc lẩu bần phù sa.