Đức Minh – Anh Thư

Kích cầu du lịch nội địa nhằm bù đắp doanh thu từ du lịch quốc tế là con đường phải đi nhưng trên con đường ấy còn nhiều lắm những thứ cần phải làm.

Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát tốt dịch Covid 19. Báo chí quốc tế đã có nhiều trang bài khai thác về đề tài này cũng như bày tỏ sự thán phục về khả năng chống dịch của Việt Nam. Cùng lúc, các chuyên gia du lịch quốc tế đều nhận định Việt Nam có điều kiện để khôi phục hoạt động nhanh hơn các quốc gia khác nhờ có “cộng đồng sạch Covid-19”.

Đến nay, Việt Nam mới ghi nhận hơn 300 ca nhiễm Covid-19, không có ca tử vong do loại virus này và gần 2 tháng chưa có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tờ Politico (Mỹ) nhận định đất nước hình chữ S đứng đầu trong 30 quốc gia và vùng lãnh thổ về năng lực phòng chống đại dịch, còn tạp chí Travel + Leisure (Mỹ) xếp Việt Nam vào 1 trong 17 điểm đến không thể bỏ lỡ khi Covid-19 kết thúc.

Trong khi du lịch quốc tế đang loay hoay tìm lối ra vì các quốc gia đều còn phải cẩn trọng với “làn sóng thứ 2” thì tại Việt Nam, du lịch nội địa đang là “phao cứu sinh” cho toàn ngành công nghiệp không khói này. Tổng cục Du lịch cho biết từ tháng 2 đến tháng 4/2020, ngành du lịch Việt Nam tổn thất 7,7 tỷ USD và hàng chục ngàn lao động mất việc.
 

Hiện các công ty du lịch, hàng không, đường sắt… đang kích cầu “hết công suất” vào nhóm khách nội địa để bù đắp thiệt hại từ nguồn du lịch quốc tế từng đạt tới hơn 10 triệu khách trong năm 2019. Các tour trong nước đang được chào bán với giá siêu rẻ, thậm chí giảm hơn 50% so với trước đây. Tuy nhiên, để thu hút nhóm khách thường bị xếp sau “khách Tây” này, chỉ các gói tour rẻ dường như là chưa đủ.

Điều kiện tiên quyết

Sẽ không có gì phải nghi ngờ về việc du lịch nội địa sẽ hoàn toàn vỡ trận nếu xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ 2. Chính vì vậy, “Cộng đồng sạch Covid” đang là điều kiện tiên quyết để phục hồi du lịch nội địa và điều đó đang được được ưu tiên bảo vệ. Thực tế, nhiều gói tour rẻ đến siêu rẻ đã được chào bán từ tháng 4 nhưng hầu như không có người mua. Theo số liệu của Vietnam Airlines, số khách bay nội địa đã phục hồi tới hơn 90% lưu lượng trước dịch, cho thấy người dân đã bớt “sợ bay”! Tuy vậy, nguy cơ lây nhiễm từ khách quốc tế và những người đi qua đường mòn, lối mở đường bộ vẫn hiện hữu nên việc tiếp tục cách ly, quản lý chặt tại cửa khẩu vẫn là ưu tiên quan trọng của các địa phương.

Họ không thể đơn độc

“See you in Danang” và “Danang thank you 2020” đang được nhiều doanh nghiệp du lịch xem như mẫu hình tốt cho cái bắt tay giữa chính quyền và doanh nghiệp. Tại Đà Thành, hơn 150 doanh nghiệp cùng đồng hành với “Danang thank you 2020” qua các tour giá thấp, dịch vụ tốt còn chính quyền địa phương trân trọng cảm ơn du khách đến với thành phố biển. Đà Nẵng còn liên kết với Huế và Quảng Nam để tạo thêm sức hấp dẫn với khách tham quan.

Đà Nẵng là tấm gương bởi họ thuộc về số ít. Ở nhiều nơi, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành vẫn đang khá đơn độc trong việc quảng bá, thu hút khách còn vai trò của địa phương lại khá mờ nhạt, dù nguồn thu từ du lịch đóng góp lớn cho nhiều tỉnh và xu hướng du lịch nội địa trong năm nay đang lên cao.

Báo cáo Dự định du lịch hậu Covid-19 của Outbox Consulting có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh – một đơn vị tư vấn chuyên nghiên cứu về du lịch – cho thấy, khách du lịch Việt Nam chuyển sang lựa chọn các điểm đến trong nước (57%) thay vì các điểm đến quốc tế (12%) cho các chuyến du lịch trong 6 tháng cuối năm 2020; đồng thời, tháng 7 và tháng 8 vẫn là thời gian du khách dự định đi du lịch nhiều nhất.

Không chỉ đơn độc, tự gánh chi phí trong quảng bá, có những việc doanh nghiệp du lịch không thể làm gì. Từ nhiều năm nay, không mùa du lịch nào không có các vụ “chém đẹp” với những “gửi xe vài chục nghìn”, “bát bún trăm nghìn” hay “bữa ăn nhiều triệu”. Kiểu buôn bán này thường xảy ra ở các hàng quán nhỏ của địa phương. Những vụ “chém đẹp” luôn làm du khách bức xúc, nó khiến gói du lịch giá rẻ do các công ty lớn “thắt lưng buộc bụng” bán ra trở thành vô nghĩa vì tổng chi phí của cả chuyến du lịch cuối cùng lại cao vời vợi, đi cùng với những ấn tượng không mấy tốt đẹp!

Chính phủ gần đây đã có nhiều biện pháp tiếp sức cho doanh nghiệp du lịch thông qua giảm thuế, phí; có phương án về thời gian các kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè của học sinh… để tạo điều kiện kích cầu du lịch; tăng cường liên kết giữa cơ quan quản lý và địa phương không để cho doanh nghiệp phải “tự làm riêng lẻ”.

Đèn xanh đã bật. Vấn đề có lẽ chỉ là hành động kịp thời của mỗi địa phương, trước khi đỉnh mùa du lịch qua đi.

Cửa đừng mở hé

Trung Quốc đang rất thành công với kinh tế đêm do người dân ngày càng ngủ muộn hơn; các đơn hàng thực phẩm và lưu lượng thương mại ở các giờ muộn đang tăng lên nhanh chóng sau mùa dịch.

Thực tế, du khách luôn chỉ có một khoảng thời gian eo hẹp ở các điểm đến du lịch và họ luôn có xu hướng chơi muộn hơn, trải nghiệm nhiều hơn trong quỹ thời gian ở đó. Đáng tiếc là dù đã có những nỗ lực thử nghiệm, ở các tỉnh và thành phố, hàng quán vẫn chỉ được mở tới 23 giờ và tiếng loa gọi khách rời khu phố cổ Hội An vẫn vang lên vào lúc 9 giờ tối mỗi ngày!