Bài: Trương Quý
Ảnh: Vũ Minh Quân

Hà Nội được gắn với mùa thu không chỉ vì thời tiết đặc trưng, mà còn vì cảnh sắc báo hiệu sự chuyển mùa của cây lá ở nơi đây. Trong cơn gió heo may, màu sắc của những con đường cây đổi lá và mùi hương của những loài hoa mùa thu đã làm nên phần hồn của đường phố. Bất cứ ai cũng có thể nhắc đến tên các loại cây hội tụ cả màu sắc và mùi hương đặc trưng Hà Nội: hoa sữa, hoàng lan, hoa ngâu, hoa cúc… hay còn là mùi trái chín như bưởi, hồng, mùi thức quà như cốm ủ lá sen. Chúng đã trở thành biểu tượng của một không gian.

Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu

Khi gió heo may thổi về trên phố phường, nhiệt độ mát dần sau những ngày nóng bức oi ả, người ta biết đấy là mùa thu. Mùa sen đã tàn, nhường chỗ cho những chiếc xe chở hoa cúc vàng đi vào phố. Màu những hàng cây vẫn xanh nhưng đã chuyển sang sẫm hơn, và bắt đầu có các tán lá chuyển sắc. Những chiếc lá bàng là sứ giả báo hiệu mùa rõ nhất, bắt đầu lác đác ngả vàng rồi một ngày kia chuyển sang màu cam và đỏ rực lúc nào không hay. Rồi màu vàng của hoa hoàng lan, màu trắng ngà của hoa sữa, giữa một khung cảnh “trên không có những đám mây bàng bạc” (văn Thanh Tịnh) cùng những thi tứ “gió thu hoa cúc vàng lưng giậu” (thơ Xuân Diệu) trong ký ức gợi nên một cảm giác thu tràn ngập vẻ quyến rũ.

Nhiều nhiếp ảnh gia và họa sĩ đã say mê sắc thu, từ những cây lộc vừng bên hồ Gươm đổi lá vàng rực cả mặt hồ đến hàng cây cơm nguội trên đê Yên Phụ hun hút gió, xen kẽ những mái nhà màu nâu rêu phong cũ kỹ còn sót lại như khiêm nhường gợi nhớ hình bóng Hà Nội cũ đã đi vào thơ nhạc nhiều mộng ảo. Nhưng màu sắc mùa thu không phải là thứ rõ mồn một như mùa thu xứ lạnh, mà chúng là một loạt những chuyển đổi nho nhỏ, những màu có khi chấm phá như màu xanh non của gói cốm “mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ” (nhạc Trịnh Công Sơn) giữa một tổng hòa các sắc xanh của những rặng cây, và xa xa là màu xanh lúc tươi sắc lục lúc đổ màu chì của mặt hồ. Màu đỏ son của quả hồng, màu vàng sẫm của trái chuối trứng cuốc bên cạnh màu xanh thắm của lá sen đựng cốm non, màu vàng tươi của trái bưởi… tất cả làm nên một khung cảnh vừa xa vừa gần của thời khắc thu.

Màu sắc thu còn nhờ ánh nắng rực rỡ, từ lúc “tháng tám nắng rám quả bòng” đến đậm đà màu mật ong cuối tháng mười, rọi lên khung cảnh trời đất một vẻ lộng lẫy trong một quãng thời gian nhiều tuần lễ. Dưới ánh sáng của nắng thu, trời thu xanh cao hơn, phố xá quang đãng một vẻ rộng rãi thay cho cái nóng nực của mùa hạ.

Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua

Điều tuyệt vời nhất là những màu sắc của mùa thu luôn đi kèm một mùi hương. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau khi đã điểm tới “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ” là lập tức phải nói tới mùi hương của “mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió”. Rồi khắp đường phố trong một vài tuần rộ lên mùi hương đến độ đậm đặc của hoa sữa, để rồi tan dần và nhường chỗ cho mùi dịu dàng hơn của hoàng lan, ngọc lan, những loại hoa tao nhã mà phải nhìn kỹ mới thấy hoa ẩn trong cành lá. Có lúc là mùi chua chua của chùm dâu da xoan đã chín đỏ lúc lỉu trên cây. Đôi khi là mùi ngai ngái của lá cây dậy lên trong những cơn mưa, làm nao lòng những ai lang thang trên phố vì cơn mưa thu cứ nhùng nhằng không rõ lúc nào tạnh.

Có một mùi từ ngoại thành đã được những nhà văn viết về Hà Nội như Thạch Lam, Vũ Bằng hoài niệm nhiều là mùi hương lúa ba giăng, thứ lúa gặt vào tháng mười âm lịch. Mùa hương của những hạt thóc đang mẩy, mùi cốm theo những gánh hàng vào phố và những mùi trái quả gợi nên một cảm giác bình dị của mùa thu.

Những phố dài xao xác hơi may

Cơn gió đem lại hơi mát cho mùa thu, đồng thời cũng đem lại những tiếng xao động đặc trưng khi thổi qua rặng cây, vào những “sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội, những phố dài xao xác hơi may” như bài thơ nổi tiếng Đất nước của Nguyễn Đình Thi đã gợi tả. Tiếng gió se sắt vi vu làm nên điệu nhạc thiên nhiên trong trời đất, nhưng cũng hòa điệu với những câu ca của người nghệ sĩ. Âm thanh dễ chịu của lá cây xào xạc đương nhiên đã sẵn, nhưng cũng phải nhờ một truyền thống “thu hứng” của tao nhân mặc khách nhiều thế hệ tô điểm thêm.

Những con phố Hà Nội cũ không to rộng, chúng lắng tiếng động trong những góc nhỏ: những quán nước dưới gốc cây cổ thụ, những mái chùa nép trong ngõ, hay một thư viện mà chỉ có tiếng lật giở trang sách khẽ khàng như tiếng lá rơi. Đường phố mới giờ đây dài rộng bát ngát hơn nhiều, chúng ồn ào náo nhiệt trong âm thanh của thời đương đại. Ở đấy là các chuyến xe hối hả dưới những hàng cây mới: giáng hương, bàng lá nhỏ… giữa những khu nhà cao tầng đang tạo ra một nét đặc trưng riêng.

Mùa thu Hà Nội thực tế là một quãng thời gian chuyển từ thời tiết nóng bức sang rét của mùa đông. Người ta đã nói sự chập chờn khó đoán định chính xác thời điểm mùa thu cũng chính là sự cuốn hút đến hồi hộp. Người ta hồi hộp là vì mong chờ một thời khắc mà cả khung cảnh sống của họ khoác lên một màu sắc mới, rồi mùi hương và âm điệu cất lên như một phần thưởng cho sự mong chờ ấy.