Bài: Trần Hồng Ngọc

Ảnh: Hồng Ngọc, Nguyễn Phong, Lê Huy Hoàng Hải

Mỗi lần tới Huế tôi lại thấy dường như mình đi mãi cũng không khám phá hết vẻ đẹp của cố đô. Mỗi góc nhỏ, ngôi làng, khu phố ở đây đều có nét đẹp dịu dàng pha lẫn trầm tư khiến ai tới đây cũng đều phải lòng thương nhớ.

Không chỉ có kinh thành Huế là nơi lưu giữ một thời vàng son, ít ai biết rằng cách trung tâm thành phố vài km là phố cảng mà cách đây hơn 200 năm đã từng là một trong những cửa ngõ mậu dịch sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất xứ Đàng Trong. Đó chính là Bao Vinh – một nét đẹp cổ kính pha lẫn với hiện đại và phảng phất sự thăng trầm của lịch sử.

Dãy nhà cổ nằm sát bờ sông Hương

Mt thi “trên bến dưi thuyn”

Vào giữa thế kỷ 17, đất nước ta bị chia cắt thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan đã dời phủ chúa từ Phước Yên vào Kim Long và cho thiết lập cảng Thanh Hà ở gần ngã ba Sình, nơi hợp lưu của sông Bồ với sông Hương. Khi đó, ở đây đã có rất nhiều người Hoa sinh sống và buôn bán bằng nghề buôn muối, gạo, lâm thổ sản và gốm sứ. Cảng Thanh Hà đã từng có khu phố mang tên Đại Minh khách phố và là một trong những thương cảng quan trọng bậc nhất của nước ta. Rất nhiều thương nhân từ khắp châu Á như Hong Kong, Nhật Bản, Ma Cao… đã tới đây mua bán trao đổi hàng hóa.

Tuy nhiên, vào thế kỷ 18, cảng Thanh Hà bị bồi lắng, sông Hương bị thay đổi dòng chảy do vua Gia Long cho xây dựng kinh thành Huế, rất nhiều cồn cát xuất hiện khiến thuyền bè khó cập bến vào cảng. Các thương nhân đã chọn Bao Vinh, cách Thanh Hà khoảng 1 km về phía tây nam là địa điểm tiếp nối, lúc này Bao Vinh càng tấp nập “trên bến, dưới thuyền” và trở thành thương cảng của kinh thành Phú Xuân vào giai đoạn đầu của triều đại nhà Nguyễn. Rất nhiều cửa hàng bán buôn bán lẻ, từ hàng hóa bình dân như thuốc Bắc, trái cây, đồ chơi trẻ em tới cao cấp như lụa, trà, gốm sứ… Các thương nhân khi trở về lại mang theo những sản vật của người An Nam như trầu cau, lụa thô, gỗ thuốc nhuộm, sơn dầu, ngà voi… Bao Vinh còn nổi tiếng về các nghề khảm, làm gạch, ngói, đóng hòm, dệt vải, làm bột.

Nhịp sống bình yên ở Bao Vinh

Năm 1885, kinh đô Huế thất thủ vào tay người Pháp, Bao Vinh bị tàn phá và lụi tàn dần. Cho đến khi vua Thành Thái cho thành lập phố chợ Đông Ba thì vị trí “cửa chợ, thương cảng” sầm uất của Bao Vinh mất hẳn.

Bao Vinh ngày nay

Tôi đến Bao Vinh vào lúc sáng sớm, khi những ngôi nhà cổ vẫn chưa thức dậy, nằm lặng lẽ và trầm mặc bên bờ sông Hương êm đềm. Bao Vinh bây giờ chỉ là một con phố kéo dài vài trăm mét với hai dãy nhà nằm san sát hai bên đường, nhà cổ và nhà mới đan xen tồn tại. Ngay trước khi vào phố là ngôi đình với bốn trụ biểu và bức bình phong nằm nép mình dưới tán lá cây đa xanh mướt. Ký ức của tuổi thơ dường như quay trở lại những năm tháng cũ, khi ngôi làng nào ở miền quê vùng Bắc Bộ và Trung Bộ đều có mái đình làng cổ, cây đa, mái ngói rêu phong, hình tượng lưỡng long chầu nguyệt, lư hương vương vấn.

Từ đình làng, đi dọc theo con phố để ngắm nhìn kiến trúc còn lại của thương cảng cũ tôi không khỏi bồi hồi. Chỉ còn lại khoảng chục căn nhà rường cổ còn tồn tại, nằm nép mình bên cạnh những ngôi nhà xây mới, các cột kèo, mái ngói đang chống chọi với sự khắc nghiệt mài mòn của thời gian. Các ngôi nhà ở Bao Vinh xen lẫn giữa kiến trúc của thời thuộc địa Pháp và các cửa hiệu đặc trưng của người Hoa với kiến trúc hai tầng, sườn gỗ, mái ngói thấp. Dãy nhà bên sông thiết kế theo kiểu tứ giác mặt quay ra bờ sông khiến Bao Vinh có nét hao hao như phố cổ Hội An. Nhịp sống ở Bao Vinh rất chậm rãi và giản dị. Buổi sáng sớm là lúc các mệ với những gánh bún, cơm hến, bánh mì, chè cháo ngồi lặng lẽ ở góc nhỏ, các căn nhà cổ cũng là cửa hàng tạp hóa, quán cà phê… Đi sâu vào từng kiệt nhỏ (ngõ và hẻm) sẽ thấy thấp thoáng những giàn hoa giấy, mảng tường rêu phong, ô cửa cũ kĩ nhuốm màu thời gian.

Tiểu thương địa phương ở Bao Vinh đi thuyền qua sông

Gần cuối phố cổ Bao Vinh là ngôi chùa Thiên Giang Tự đã hơn hai trăm năm tuổi có từ thời vua Gia Long và bến đò ngang. Tôi cứ ngỡ bến đò tưởng chừng chỉ còn trong những áng văn chương nhưng con đò bến nước vẫn đang tồn tại ở Bao Vinh, hàng ngày đưa người dân từ Bao Vinh sang làng Thanh Tiên làm hoa giấy, lành Sình in tranh khắc gỗ và làng Tiên Nộn làm nghề sơn. Những chuyến đò xuôi ngược chở cả tình làng nghĩa xóm khiến các ngôi làng hai bên bờ sông càng thêm gắn bó. Điều thú vị nhất ở Bao Vinh có lẽ là ngồi trên một chiếc thuyền đi dọc theo sông Hương và chiêm ngưỡng Bao Vinh bừng sáng trong nắng sớm. Các ngôi nhà được sơn màu sắc nổi bật soi bóng dưới dòng nước, con thuyền rẽ nước sang sông tạo nên một bức tranh phong cảnh hữu tình.

Tuy một thời sầm uất đã lụi tàn và nơi này đang dần mất đi hình hài của khu phố cổ nhưng Bao Vinh vẫn rất đẹp trong mắt du khách. Cái hồn của Bao Vinh vẫn còn vương vấn trong cuộc sống bình dị của những người dân chân chất và nồng hậu, trong hình ảnh hoài cổ quen thuộc như cây đa, bến nước, sân đình, chợ quê góc phố. Tới Bao Vinh, tâm hồn mỗi người dường như cũng trở nên êm ả lắng đọng và bồi hồi trước vẻ đẹp u hoài của thương cảng xưa.