Bài: Hương Quỳnh
Ảnh: Nguyễn Hải, Tư liệu

Lần đầu tiên tôi cộng tác với Hoàng Bùi (Bùi Văn Hoàng) là khi tôi nhờ anh viết một bài để đăng trên Tạp chí Heritage về các cung đường trekking ở Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Tôi không khỏi bất ngờ về lối viết cuốn hút với nhiều trải nghiệm được anh kể lại sinh động. Lần thứ 2, có cơ hội trekking cùng Hoàng Bùi trên một cung đường ở miền Tây Quảng Bình, tôi càng bất ngờ hơn khi anh vừa là một “chuyên gia” trekking địa hình đa dạng, vừa là một hướng dẫn viên du lịch – văn hóa có cả kho kiến thức về hang động ở quê hương anh. Cũng là bởi, anh đã đặt chân tới hầu hết các hang động đang được khai thác ở Quảng Bình. Hãy cùng Tạp chí Heritage khám phá “Vương quốc hang động” cùng Hoàng Bùi.

Đoàn khám phá hố sụt Kong nghỉ giữa chặng để tiếp tục đu dây xuống 70m

Chuyến phiêu lưu đầu tiên của anh vào thế giới hang động ở Quảng Bình là khi nào?

Tháng 3 năm 2011, bức ảnh chụp hang Én của nhiếp ảnh gia Carsten Peter sau khi công bố trên National Geographic – tạp chí của Hội địa lý Hoa Kỳ được bình chọn là một trong những bức ảnh thiên nhiên đẹp nhất tháng đã khiến cho thế giới sững sờ. Những ý tưởng về xây dựng một tuyến du lịch mạo hiểm khám phá hang động, trekking dưới tán rừng nguyên sinh bắt đầu nhen nhóm, hình thành. Một đoàn khảo sát nhanh chóng được thành lập, là người phụ trách công tác xúc tiến, quảng bá của ngành du lịch tỉnh Quảng Bình, tôi may mắn được mời tham gia. Đó cũng chính là chuyến đi rừng đầu tiên của một người chuyên ngồi bàn giấy như tôi. Tất cả kinh nghiệm về du lịch mạo hiểm, trekking, về rừng rậm nhiệt đới Phong Nha… chỉ là mớ lý thuyết được tôi tìm đọc trên internet. Nhìn dáng người thư sinh của tôi lúc ấy, mấy bạn đồng hành không khỏi lo lắng, nhưng bằng tất cả lòng kiêu hãnh và nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi có niềm tin sẽ hoàn thành chuyến đi này. Vậy là cứ thế lên đường.

Từ bìa rừng, lối mòn đổ dốc hun hút, lại bị che lấp bởi lá khô và cành cây mục, có đoạn cả người phải ngồi bệt xuống để lần từng chút một. Thật may mắn là sau con dốc có tên Ba Giàn đó thì quãng đường còn lại dễ thở hơn với nhiều đoạn lội suối. Con suối Rào Thương trong xanh, ẩn hiện dưới tán rừng rậm dẫn lối thẳng đến thung lũng Đoòng. Ở đây có một bản nhỏ của người Vân Kiều thuộc huyện Quảng Ninh di cư đến. Họ sống biệt lập giữa rừng nguyên sinh với vài ngôi nhà sàn cùng lối sống tự cung tự cấp, vô ưu như những nốt nhạc giữa đại ngàn. Rời bản Đoòng, tiếp tục men theo con suối Rào Thương thì đến được hang Én. Hang Én được hình thành như cửa thoát lũ cho cả thung lũng Đoòng. Đó chính là hang động lớn thứ 3 thế giới tại Quảng Bình. Đứng giữa không gian rộng lớn của hang Én, con người trở nên quá đỗi nhỏ bé.

Thác Cổng trời trên cung đường anh Hoàng Bùi khám phá Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong

Tính tới nay anh đã khám phá được những hang động nào trên quê hương mình và anh ấn tượng với hang nào nhất?

Chuyến đi đầu tiên đã định hình trong tôi tình yêu, sự đam mê khám phá các điểm đến được ví như thiên đường dưới lòng đất ở Quảng Bình. Vì thế cứ có cơ hội là tôi lên đường. Tôi may mắn là người đã đi hầu hết các hang động tại Quảng Bình trước khi nó được đưa vào khai thác du lịch. Trong đó phải kể đến như hang Én, Sơn Đoòng; hệ thống hang Hổ gồm hang Đại Ả, hang Over, hang Pygmy lớn thứ 4 thế giới; hang Va, hang Nước Nứt; hệ thống các hang động Tú Làn như hang Chuột, hang Ken, hang Hung Ton, hang Kim, hang Sông, hang Tú Làn, hang Tiên 1 và hang Tiên 2, động Thiên Đường, động Phong Nha với chiều sâu bí ẩn; hệ thống các hang động phía nam tỉnh Quảng Bình tại xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy như hang Chà Lòi, hang Khe Sung, hang Kiều, hang Vân…

Trong số đó, ấn tượng nhất với tôi là hang Va, dù hang này rất nhỏ, chỉ dài 1,7km, rộng hơn 100m, và rất gần hang Sơn Đoòng. Hang Va nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng – nơi chưa từng có dấu chân người đặt đến. May mắn là anh Hồ Khanh – một người nhiều kinh nghiệm tìm kiếm và phát hiện ra các hang động lớn nhất của Quảng Bình đã tìm ra kiệt tác này. Các nhà thám hiểm của Hội hang động Hoàng gia Anh đánh giá đây là hang động có lượng thạch nhũ dày đặc và lạ mắt, chúng như búp măng mọc lên từ nền hang và xếp từng hàng theo kiểu quân cờ. Trong lòng hang Va, một dòng sông ngầm chảy len lỏi giữa các khe nứt kiến tạo nên những không gian khác nhau, có đoạn hang như khán phòng rộng lớn với trần cao 30-40m, nhưng cũng có đoạn hẹp chỉ vừa cho một người lách qua. Đoạn cuối của hang là nơi thiên nhiên thỏa sức sáng tạo khi có sự kết hợp của gió, nước, canxi để hình thành nên những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, hay những hồ nước tĩnh lặng.

Đoàn trekking trên đường khám phá hang Tú Làn

Trong hệ thống hang động Quảng Bình, anh đánh giá hang nào phù hợp với người mới đi lần đầu và cấp độ tăng dần sẽ là những hang nào?

Ở Quảng Bình, ngoài động Phong Nha và động Thiên Đường được tổ chức khai thác theo hình thức đại trà phù hợp với đa số các đối tượng khách, còn lại đều được tổ chức khai thác theo hình thức trải nghiệm, mạo hiểm. Độ khó chinh phục các hang cùng với hành trình trải nghiệm được thiết kế theo số ngày, từ 1 ngày đến 2,3,4,5 ngày. Mức độ khó từ cấp 1 đến cấp 7 trong thang cấp độ khám phá hang động ở Quảng Bình. Đối với du khách mới đi lần đầu có thể chọn hang Trạ Ang, hang Chuột, hang Hung Ton, hang Nước Nứt, hang Tiên 1, với thời gian 1 ngày hoặc 2 ngày 1 đêm. Hành trình khó hơn là tới các hang Chà Lòi, hang Tiên 2, hệ thống Tú Làn, hang Kiều, hang Va, hang Én, hang Pygmy, hang Sơn Đoòng. Đặc biệt, đối với tour chinh phục hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới và tour chinh phục hố sụt khổng lồ Kong trong hệ thống hang Hổ, thì bắt buộc du khách phải khám sàng lọc các bệnh về tim mạch, huyết áp và được huấn luyện, làm quen với các thiết bị bảo hộ, kỹ năng đu dây…

Thạch nhũ khổng lồ tại hang Ken

“Cuộc dạo chơi” trong hang động không hề dễ dàng, theo anh kỹ năng nào là quan trọng nhất và cần chuẩn bị những gì cho chuyến trải nghiệm này?

Để mỗi “cuộc dạo chơi” này được trọn vẹn thì người tham gia cần chuẩn bị thật tốt về thể lực, tuân thủ các khuyến cáo và hướng dẫn của chuyên gia an toàn tour. Ngoài ra, nên ghi lại danh sách các món đồ cần mang theo như quần áo dài tay với chất liệu thoáng mát, vừa mau khô vừa giúp bảo vệ bạn trong khi băng rừng, tránh côn trùng đốt; áo khoác mỏng, quần dài để giữ ấm cho cơ thể vào ban đêm. Đặc biệt, nên chọn các loại giày phù hợp với địa hình hiểm trở, nhiều đá tai mèo nhọn, lội suối liên tục. Hiện nay các công ty khai thác tour có cung cấp cho khách loại dép rọ có quai hoặc giày cao cổ đế dày. Hãy nhớ đem theo 1-2 đôi tất cao cổ để giúp bảo vệ cổ chân khỏi những nguy hiểm dọc đường như đất đá, rễ cây, côn trùng, và một số vật dụng khác như: kem chống nắng, thuốc chống muỗi…

Hãy đi để thấy quê hương mình, đất nước mình thật đẹp

Cảm ơn anh và chúc anh sẽ có thêm nhiều hành trình thú vị!