Thái A
Thú vị nhất ở khu Chợ Lớn là chùa Bà Thiên Hậu hay còn có tên Hội quán Tuệ Thành, nơi còn lưu giữ hàng trăm pho tượng gắn trên nóc tường bao.
Tới thăm TP. Hồ Chí Minh mà bỏ qua cụm kiến trúc cổ trong khu Chợ Lớn thì quả là điều đáng tiếc. Giữa những con đường lúc nào cũng ngược xuôi xe cộ, san sát cửa hàng, tiệm ăn, công sở và nhà cửa bỗng hiện ra các đình, chùa, hội quán mang âm sắc cổ xưa, nơi ta như trở về thời xưa cũ. Chỉ bước qua cánh cổng các đình, chùa này, một bầu không khí tĩnh lặng sẽ hiện ra để mỗi người được lắng lại trong mùi hương phảng phất. Mỗi hội quán là một công trình lạ lẫm, trong đó thú vị nhất là chùa Bà Thiên Hậu hay còn có tên Hội quán Tuệ Thành, nơi còn lưu giữ hàng trăm pho tượng gắn trên nóc tường bao. Giới chuyên môn về đồ gốm gọi nhóm tượng này là “tiếu tượng”, bởi mỗi pho tượng miêu tả một nhân vật khác nhau, đều mang nét mặt hân hoan, vui vẻ. Qua hơn một thế kỷ, màu men trên tượng gốm vẫn tươi như thuở mới ra lò.
Được xây dựng vào năm 1760, hội quán Tuệ Thành mang lối kiến trúc cổ điển với tường bao vuông vức, các gian thờ tự phân chia trước sau và khu vực giếng trời hay còn được gọi là “thiên tỉnh” nằm ở chính giữa. Khoảng sân này ngoại trừ buổi chiều tối, lúc nào cũng đón ánh sáng tràn trề của bầu trời phương Nam, soi tỏ những pho tượng thần Phật, tiên thánh, đạo sĩ, phú ông, quan lại, thợ thủ công… với phục sức đặc trưng của các giới cấp trong xã hội phong kiến thời cổ. Mỗi pho tượng chỉ cao tầm 20-60cm nhưng được tạo hình rất chi tiết, đường nét trên trang phục, đồ trang sức, tay chân đều thể hiện khá tinh xảo. Đây là một sự miêu tả kỹ lưỡng về thế giới tâm linh và kết cấu tổ chức xã hội của người xưa và điều thú vị nhất là những nụ cười của nhóm tượng đưa tới cảm xúc vui vẻ, an lành cho mọi người.
Nhóm tiếu tượng này là sản phẩm độc đáo của các lò gốm Cây Mai vùng Chợ Lớn vốn hoạt động rất sôi nổi vào cuối thế kỷ 19. Đây là một dòng gốm mỹ thuật phủ men màu, do các nghệ nhân của cộng đồng người Hoa Chợ Lớn chế tác và là một nét son tiêu biểu trong dòng gốm Sài Gòn xưa. Nhóm tiếu tượng trên tường của hội quán tạo thành bức tranh đa sắc, tưởng như không ăn nhập lắm với không khí u tịch và trầm lắng của nơi thờ tự, song càng ngắm, người xem càng cảm nhận ra chúng đã tôn lên vẻ linh thiêng của không gian bởi tượng rất có hồn và đầy tình cảm. Được tạo tác qua cái nhìn của nghệ nhân về thế giới tưởng tượng và thực tại, những pho tượng nhỏ này đưa tới cho hậu thế sự hiểu biết rõ ràng về đời sống cổ xưa, như sự phân chia nghề nghiệp, đẳng cấp; cách phục sức, màu sắc của trang phục xưa… Thú vị nhất là những pho tượng miêu tả người phương Tây được đặc tả với kích thước lớn hơn người phương Đông, đội mũ ống cao, mặc áo smoking… Điều này phản ánh chân thực bức tranh xã hội của châu Á thế kỷ 18-19, khi các nhà buôn, nhà truyền giáo và cả quân đội châu Âu đã hiện diện thường xuyên tại các vùng đất của Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…
Thêm một chi tiết đáng chú ý, các pho tượng được tạo tác theo tích của các tiểu thuyết thần tiên vốn rất được ưa chuộng trong xã hội thời đó, nhất là bộ truyện “Phong Thần” với các nhân vật đã gắn bó cả trăm nghìn năm với xã hội phương Đông. Trong truyện có thần hiền, thần dữ, nhưng khi được nghệ nhân gốm xưa thể hiện để trang trí cho hội quán, vị nào cũng mang nét mặt tươi cười như đang che chở cho mọi người. Với nhóm tượng này, người xưa đã để lại cho hậu thế lời chúc tốt lành, mong một đời sống mà ở đó những ưu phiền tan biến, chỉ còn lại những niềm vui. Và đây cũng chính là ước vọng của con người dù sống ở thời đại nào.