Travel Blogger Đinh Hằng
San Francisco, thành phố rực rỡ trong sương
Lúc tóc mình thổi tung trong gió lồng lộng, tôi nghĩ đi bộ hết chiều dài Cổng Vàng là cách tốt nhất để chạm vào cây cầu rực rỡ này. Tôi bắt đầu hành trình trên cây cầu từng giữ danh hiệu cầu treo dài nhất thế giới từ phía Presidio, trong một chiều nắng mờ chút hơi sương. Tôi cũng từng lái xe, lùa mình vào dòng phương tiện hối hả giữa Cổng Vàng, cảm nhận lòng cầu thỉnh thoảng vẫn rung lên một vài nhịp khi đám đông xe lướt qua.
Băng qua Cổng Vàng đến hạt Marin là có thể thu vào tầm mắt toàn bộ cây cầu ở điểm quan sát Vista, hay mũi Marin. Đứng trên đỉnh đồi trong cơn nắng cuối ngày, tôi ngắm nhìn cây cầu rực đỏ trên nền của biển và trời xanh trong vời vợi. Phía xa, chân trời giăng mắc một màn sương trắng như bông phủ lên thành phố phía dưới.
Khi thốt lên: “tôi đã đánh rơi mất trái tim mình ở San Francisco mất rồi”, tôi không hề biết có một bài hát nổi tiếng về thành phố này có tên “I left my heart in San Francisco”. Giọng hát trầm ấm và mê mải của Tony Bennett cất lên gợi về những rung cảm tinh khôi, nồng nàn nhất cho một người đã lỡ yêu San Francisco.
Dù trở đi trở lại thành phố này trong suốt nhiều năm, tôi vẫn luôn hỏi mình nhiều lần: điều gì ở San Francisco khiến cho tôi yêu đến dại cả tâm hồn? Ồ, tôi có thể viện đủ lý do, rằng những con hẻm chứa đựng kho báu của cả một thế giới đầy màu sắc của những bức tranh tường, rằng những cầu tàu nhộn nhịp lấp lánh đầy cuộc vui, rằng Cổng Vàng đã đánh cắp cả chiều nắng rực rỡ của tôi cho một buổi đi bộ băng ngang cây cầu…
Nhưng sau rốt, tôi nhận ra những lí do ấy chỉ là cái cớ để tôi nhớ và yêu San Francisco. San Francisco là những dãy phố nhà cổ đứng dựa vào nhau mà buổi chiều đi bộ quanh chúng đã là cả niềm vui thú. San Francisco là gió trời lồng lộng trên nền của bầu trời xanh điểm chút sương lãng đãng còn giăng mắc trên đỉnh cầu Bay. San Francisco còn là tiếng leng keng tàu điện một chiều ngược dốc California, nghĩ mình đang đi về một cõi mơ mộng nào đó.
Biển mây huy hoàng ở Borobudur, Indonesia
Từ thủ đô Jakarta, tôi ngồi tàu hỏa 8 tiếng đến Yogyakarta – trung tâm văn hóa của đảo Java. Lúc 2h30 sáng, Yogyakarta lạnh tê từng đầu ngón tay. Đèn đường vàng kéo xa lộ trải nhựa như dài ra hun hút. Tôi nhảy lên xe, bắt đầu chuyến săn mây từ khi trời chưa tỏ. Dưới chân đồi Punthuk Setumbu, tôi bật đèn đeo đầu để ánh sáng xuyên qua đêm tối, thấy đường mà đi. 4h30, trời chưa tỏ. Lạnh và ngái ngủ!
Rồi bình minh đến, bắt đầu bằng màu hồng cánh sen trên dải phía sau ngọn núi đang tắm mình trong sắc xanh thẫm. Biển mây như tỏ như mờ. Rồi mặt trời vượt qua đỉnh núi, những tia nắng đầu tiên bắt đầu xuyên qua không trung, nhuộm biển trời mây mơ màng bên dưới. Ngang sườn núi, phía trên cao những ngọn rừng là mây và mây. Mây như biển nối đến tận cùng trời. Mây như sóng xô tràn những ngọn cây. Mây như mơ bồng bềnh bất tận. Mây như khói bảng lảng trời bình minh.
Đã có lúc tôi ước được trôi vào những tia mặt trời thẳng đứng đang nhuộm màu biển mây kia, rồi để mặc những sóng mây xô dạt mình về một đường chân trời phiêu bồng. Ở phía xa, ngôi chùa Phật giáo lớn nhất trên thế giới Borobudur đang chìm trong màn sương.
Ở Borobudur, tôi leo qua năm tầng thềm hình vuông, ba tầng hình tròn đến bảo tháp lớn cũng là đỉnh chóp ngôi đền, để cho sự thanh tịnh của Borobudur ngấm vào tâm trí mình. Thật khó tin rằng ngôi đền có tuổi đời 1.200 năm được xây dựng bằng hai triệu khối đá này đã từng nằm dưới tro tàn núi lửa trong nhiều thế kỷ, trước khi được phát hiện và bảo tồn như ngày nay. 3.000 tác phẩm điêu khắc và các phù điêu mà Borobudur lưu giữ trên chính nó, khiến mỗi bước chân đặt lên công trình kiến trúc này giống như việc nhìn lại quá trình tu luyện của những tín đồ Phật giáo.
Khi lên đến tầng trên cùng, nơi bảo tháp lớn nhất Borobudur sừng sững toạ lạc, trời đã đổ sang gần trưa, nắng hun nóng bề mặt đá dưới chân tôi. Nhìn những tháp chuông trên ba tầng cao nhất hướng về vị trí đồng tâm của ngôi đền, cũng là nơi tôi đang đứng, tôi bất giác nhận ra rằng những kiến trúc sư của Borobudur hàng ngàn năm trước đang nói với mình về sự vô biên, xoay vần của vũ trụ.
Mùa xuân giữa mùa hạ ở Hokkaido, Nhật Bản
Con đường mòn dẫn xuống hồ Biei (đảo Hokkaido) len lỏi giữa hai hàng dương khẳng khiu trắng xoá, tương phản hoàn toàn với lớp đất bùn sau mưa. Mặt hồ xanh lặng im dưới bầu trời xám, hệt như một tấm gương trong vắt. Tôi vỡ oà trước khung cảnh đẹp như một bức tranh sơn dầu, với những thân cây dương và thông xác xơ đã chết màu xám trắng vẫn đứng vững giữa lòng hồ, in bóng lên mặt nước xanh. Xung quanh hồ, những bụi cây mảnh đang nhú lên những chiếc mầm đầu tiên của mùa xuân.
Thật ngạc nhiên khi biết hồ Biei được tạo thành bởi bàn tay con người. Vào năm 1988, một con đê được xây dựng chống lại tác hại của núi lửa Tokachidake phun trào, vô tình khiến nước sông Biei chảy vào các vùng trũng chứa nước, trong đó có hồ Biei.
Màu nước xanh kì diệu của hồ thay đổi theo ánh nắng mặt trời, theo mùa và theo những góc độ khác nhau của mắt người. Khi thì xanh cô ban lặng người, lúc lại xanh ngọc bích đến mê mẩn. Màu xanh đầy sức sống dù là trong những ngày đầy mây ấy được tạo thành từ nhôm, lưu huỳnh và vôi chảy từ các suối nước nóng gần đó.
Tháng 5, khi mùa hè nóng nảy ở khắp nơi, thì ở phía bắc nước Nhật giữa Hokkaido, mùa xuân mới bắt đầu ghé đến với những cánh anh đào thắm hồng trên nền trời xanh trong.
Từ hồ Beii, tôi băng gần 1.000 km ngang Hokkaido đến Ozora khi nhiệt độ ngoài trời xuống tới 3-4 độ C. Tôi vội thốt lên: “Trời ơi, như một giấc mơ!” khi thấy công viên Higashimokoto Shibazakura được bao phủ bởi thảm hồng khổng lồ của hàng vạn cây hoa chi anh nhỏ xíu. Trước mắt tôi, 400.000 cây chi anh mỏng manh với đủ mọi sắc độ từ đỏ đến hồng, tím, trắng đong đưa trong cơn gió chiều. Hoa phủ ngập lối đi, hoa nở bung dọc theo cầu thang gỗ, hoa trườn lên đến đỉnh đồi…
Tôi dạo quanh những lối mòn quanh co trên đồi, phóng tầm mắt từ trên đài quan sát. Dưới cơn lạnh tê tái, những giọt mưa xuân rơi xuống từ mép chiếc dù, đọng lại trên những cánh hoa tinh khiết, nồng nàn ngày đầu xuân.