Phương Nguyễn

Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, Trung Quốc có rất nhiều các di tích, công trình kiến trúc thuộc hàng di sản thế giới, trong số đó phải kể đến những cổ trấn hàng trăm năm tuổi vẫn được bảo tồn đến ngày hôm nay.

Mùa hè ở Phượng Hoàng cổ trấn

Phượng Hoàng cổ trấn, viên ngọc nằm bên dòng Đà Giang

Nằm ở phía thượng nguồn của dòng Đà Giang, Phượng Hoàng cổ trấn thuộc tỉnh Hồ Nam là một tổ hợp kiến trúc bằng gỗ được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 18. Sau 300 năm thăng trầm, cổ trấn đến nay vẫn được bảo tồn gần như hoàn hảo, là điểm đến du lịch không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc, mà còn của châu Á.

Mùa đông ở Phượng Hoàng cổ trấn

Vùng đất này từ xa xưa vốn là nơi sinh sống của dân tộc Miêu và Thổ Gia, nên các kiến trúc của cổ trấn có những nét độc đáo riêng. Những căn nhà gỗ kiên cố với mái ngói nâu trầm, thâm nghiêm nằm bên bờ sông thơ mộng, phía sau là những dãy núi hùng vĩ, góp phần tô đậm dáng vẻ diễm lệ của một đô thị cổ yên bình. Vì các con phố được sắp xếp gọn gàng nằm dọc hai bên bờ dòng Đà Giang, nên điểm thú vị đầu tiên phải kể đến chính là những chiếc cầu rất đẹp bắc ngang sông. Với nhiều hình dáng, kích thước, mang đậm màu sắc Trung Hoa cổ kính, các cây cầu ở Phượng Hoàng cổ trấn luôn thu hút du khách nhiều nhất.

Con đường nhỏ trong khu phố cổ

Cảnh quanh trác tuyệt, kết hợp với không gian đậm chất cổ trang, các con đường nhỏ được lát đá sẽ đưa bước chân du khách đi qua nhiều khu phố, đền chùa và những căn biệt phủ cổ kính của các bậc vương giả thời phong kiến.

Chu Trang, cổ trấn duyên dáng của vùng sông nước Giang Nam

Rời Hồ Nam, đi tiếp về phía đông, hướng tới cuối nguồn con sông Trường Giang hùng vĩ sẽ tới tỉnh Giang Tô – vùng đất có khung cảnh thơ mộng, đẹp bậc nhất Trung Quốc. Nơi đây có Chu Trang cổ trấn xinh xắn hơn 900 năm tuổi.

Bến thuyền trong Chu Trang cổ trấn

Khác với Phượng Hoàng, Chu Trang cổ trấn nhỏ hơn, dù vậy, đây chính là một trong những đô thị cổ nằm bên sông lâu đời và điển hình nhất của đất nước Trung Hoa rộng lớn. Cổ trấn được bao bọc bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt, từng là nơi buôn bán sầm uất của vùng đất Giang Nam khi xưa. Còn hiện tại, Chu Trang tĩnh mịch với những cây cầu đá duyên dáng, những mái nhà bình dị có đèn lồng đỏ treo cao, các quán trà xinh xắn và những chiếc thuyền gỗ quẫy nước nhè nhẹ, đưa du khách tham quan dọc khắp cổ trấn.

Chu Trang cổ trấn có hệ thống kênh rạch chằng chịt

Cũng như hầu hết các cổ trấn khác, Chu Trang hiện vẫn có người sống bên trong các căn nhà cổ mộc mạc, có đầy đủ các tiệm ăn uống, cửa hàng lưu niệm, phục vụ nhu cầu của du khách. Nếu tò mò về món danh tửu Nữ Nhi Hồng truyền đời của đất Giang Nam phong lưu, nhất định nhớ ghé thăm vài nhà nấu rượu gia truyền còn giữ nghề ở nơi đây.

Lệ Giang, cổ trấn bên rặng tuyết sơn vĩnh cửu

Đi về phía tây nam Trung Quốc, rất gần biên giới Myanmar, có một cổ trấn (hay còn được gọi cổ thành) nép mình bên rặng Ngọc Long Tuyết Sơn quanh năm tuyết phủ mang tên Lệ Giang. Đây được ví như là viên kim cương của tỉnh Vân Nam và là một trong những cổ trấn đẹp nhất Trung Hoa.

Thành cổ Lệ Giang bên rặng tuyết sơn vĩnh cửu

Nằm ở độ cao 2.400m so với mực nước biển, Lệ Giang đến nay đã có hơn 800 năm tồn tại, lưu giữ gần như vẹn nguyên nét đẹp truyền thống. Lệ Giang đã khiến bao du khách ngỡ ngàng trước vẻ cổ kính, trầm mặc cùng bề dày văn hoá của vùng đất Vân Nam. Để ngắm nhìn toàn cảnh cổ trấn Lệ Giang và Ngọc Long Tuyết Sơn, nhất định phải lên đồi Sư Tử, tới toà tháp cao nhất của Vạn Cổ Lâu. Ở đó, có thể chiêm ngưỡng được khung cảnh kỳ vĩ, thuộc vào hàng độc nhất vô nhị: toà thành cổ nép mình dưới chân núi tuyết vĩnh cửu. Du khách có thể ghé thăm Mộc Phủ, được mệnh danh là Tử Cấm Thành của phương Nam, từng là nơi ở của thủ lĩnh thị tộc lớn nhất Vân Nam xưa kia.

Những mái nhà cổ kính ở Lệ Giang

Đã có bao bao lời ca tụng, bao khung hình chụp những cổ trấn diễm lệ trên, nhưng sẽ không gì bằng ghé thăm để tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp cổ kính, thấm đẫm bề dày văn hóa hiện hữu qua những di sản vật thể và phi vật thể nơi đây.