Bài: Sơn Ca
Ảnh: Tổng hợp

Dường như tôi là một hạt mầm được gieo vào lòng Paris và trở thành một cái cây đang hé một nụ hoa, hay dường như Paris đã kéo từ trong tôi ra thứ ánh sáng tiềm ẩn mà tôi chưa từng biết về bản thân mình trước đó.

Cổng Khải Hoàn Môn - biểu tượng lịch sử của Paris

Paris trong các tác phẩm văn chương của hai nhà văn Pháp Marcel Proust và Patrick Modiano là những chi tiết đời thực hòa cùng tưởng tượng còn Paris trong tôi lại là trải nghiệm của một người được thành phố này ôm ấp vào lòng,  chờ đợi mình lớn lên và một ngày nhận ra nơi này đã trở thành một phần của mình và mình đã trở thành một phần của thành phố. Lần đầu tiên đặt chân đến Paris từ cách đây hơn 10 năm, trong tôi đã có một dự cảm kỳ lạ. Tôi nghĩ rằng, nếu sinh ra ở đây chắc chắn mình sẽ trở thành nghệ sĩ.

Đứng trước tất cả những công trình kiến trúc lớn về mặt vật lý và trước những gì thuộc về chiều sâu như những tác phẩm điêu khắc và hội họa, tôi cảm thấy mình nhỏ bé về mọi nghĩa. Tôi nhỏ bé đến mức không có khả năng đi một mình trong métro Paris (tàu điện ngầm) nên nếu muốn đi chơi Paris hồi ấy tôi chọn đi bộ ra bờ sông và trèo lên một con thuyền du lịch làm phương tiện di chuyển trong thành phố. Tôi nhỏ bé đến mức, khi ấy, tôi hiểu rằng, bảo tàng Louvre là điều gì đó vô cùng quá sức để bước chân vào. Bây giờ, sau hơn 10 năm ở Pháp, tôi đã có khả năng đi dạo trong bảo tàng Louvre với tâm thế của một người có thể đối diện với những bức tranh và thì thầm với chúng như những người bạn. Điều tuyệt diệu nhất mà tôi đã khám phá ra rằng, trong các tác phẩm của những nhà văn gắn liền với Paris, không thể thiếu được sự giao thoa giữa văn chương với các bộ môn nghệ thuật khác. Dường như những nhà văn nào đã ở Paris thì trong văn chương của họ luôn có hội họa, điện ảnh, âm nhạc, triết học và cả nhiếp ảnh.

Những tác phẩm nghệ thuật ở bảo tàng Louvre

Paris với tôi là thế giới của đời thực hòa cùng thế giới của các nhà văn và nghệ sĩ. Nếu tôi đi đến vườn Luxembourg tôi sẽ nghĩ đến nhà văn Hemingway, người đã nhịn đói lang thang một mình trong công viên này vào buổi trưa vì không đủ tiền ăn trưa. Nếu tôi đi đến nghĩa trang Père-Lachaise tôi sẽ nhớ đến nhà văn Andrei Makine hồi ông mới từ Nga sang chưa có giấy tờ và tài chính, phải ở trong cái hốc của một căn khám thờ tại nghĩa trang này và viết lên những áng văn chương kiệt tác từ đây và trở thành nhà văn nổi tiếng của Pháp. Nếu tôi đi đến những quán cafe nơi ngày xưa các văn nghệ sĩ và trí thức Paris thường đến như Les Deux Magots hay Café de Flore, tôi hình dung đến cảnh các nhân vật đã ở trong những quán cafe như trong phim The Mother and the Whore của đạo diễn Jean Eustache.

Mỗi khi đi tàu M1 về phía Neuilly, tên bến tàu ở những chuyến cuối cùng như Les Sablons, Neuilly… luôn làm tôi nhớ đến các nhân vật hay đi về hướng ấy vào những buổi khuya trong tiểu thuyết của Patrick Modiano. Nếu tôi đi đến Khải Hoàn Môn thì tôi nhớ về Paris trong thời tạm chiếm của Erich Maria Remarque. Nếu tôi đi đến ga Saint-Lazare tôi sẽ nghĩ đến nhân vật của Marcel Proust đã bắt chuyến tàu vào lúc 1h22 phút đi Normandie và Balbec để đến Anh. Còn trong tiểu thuyết của Patrick Modiano thì ga Saint-Lazare là địa điểm thấp nhất của thành phố. Ga Saint-Lazare là một nơi thật sự thú vị bởi trong phim Cuộc đời đôi của Veronique của đạo diễn Krzysztof Kieślowski, hai nhân vật đã đưa nhau vào một cuộc kiếm tìm thú vị qua những âm thanh ở ga này được thu lại vào một cuộn băng cát xét.

Vẻ đẹp lãng mạn của vườn Luxembourg

Ta cũng không thể quên được loạt tranh theo trường phái ấn tượng về ga SaintLazare nổi tiếng của họa sĩ Claude Monet. Phải rồi, bây giờ tôi đã trở thành một vị khách quen của thành phố như thế. Những khi lang thang ở Paris tôi thường nghĩ về thuyết trôi dạt của Guy Debord được nhắc đến trong tiểu thuyết của Patrick Modiano, và kinh ngạc nhận ra rằng trong hành trình hơn 10 năm qua mỗi lần đến Paris, lúc nào cũng chỉ lặp đi lặp lại một tuyến ấy: Centre Pompidou, Nhà thờ Notre-Dame de Paris, hiệu sách Shakespeare et Compagnie, quán Café de Flore, Bảo tàng Louvre, nghĩa trang Père-Lachaise, đồi Montmartre.

Một hôm, đứng dưới công trường đang xây dựng của nhà thờ Đức Bà Paris, tôi ngước nhìn lên hai tòa tháp giữa những dàn giáo, và chợt nhận ra mây đang trôi rất mỏng như dòng sông chảy trên hai tòa tháp, một bóng chim đen bay vụt qua như bóng của thời gian. Có những điều không còn như xưa nhưng mãi mãi như xưa, bởi linh hồn luôn còn ở lại. Tôi nhìn thấy những người du khách cô độc, cũng giống như tôi, lặng lẽ đứng bên bờ sông, nhìn rất lâu trong tĩnh lặng, hướng về phía nhà thờ Đức Bà dưới chiếc cần cẩu khổng lồ trong quá trình phục chế sau đám cháy.

Ở con ngõ nhỏ bên trái hiệu sách Shakespeare et Compagnie có một quán bánh su kem rất ngon. Shakespeare et Compagnie là một hiệu sách mà tôi không thể không đến mỗi lần ghé qua Paris, dường như với tôi đây chính là trái tim của thành phố. Quán La Belle Équipe hóa ra không xa Bastille lắm. Tôi ngồi trên bục gỗ của một bồn cây đối diện trước cửa quán uống cafe chờ người ta làm cho một món ăn mang đi. Một quán ăn nhỏ xinh sơn màu xanh với những bông anh túc đỏ, hoa Coquelicot. Trong tất cả những địa điểm từng bị khủng bố ở Paris, đây là nơi tôi muốn ghé thăm, đơn giản vì người chủ cửa hàng đã viết một cuốn sách kể lại. Nơi đây, đã để lại nhiều tâm hồn của những người đã mất, và tâm hồn của người đã viết quyển sách ấy. Tôi lên tàu đi về phía đồi Montmartre. Luôn luôn là Montmartre vì các họa sĩ đã ở đây. Trên bậc thềm của Sacré-Cœur người ta nằm dài trên cỏ, tắm nắng, ăn kem, ôm hôn nhau. Có những nơi tôi đã qua bao lần nhưng vẫn muốn ghé lại.

Góc phố nhỏ ở Paris

Ở bức tường I love you, mà những năm trước tôi đã chụp được những bức ảnh thật đẹp khi ánh sáng lấp lánh qua tán cây chiếu lên bức tường, thì giờ đây tôi nắm bắt được hình ảnh cặp đôi đứng bên nhau, ngồi bên nhau, trò chuyện chỉ tay trong khoảnh khắc một con chim bồ câu trắng lướt qua. Thật vui tại Montmartre, tôi phát hiện ra căn hộ của Théo Van Gogh nơi Vincent Van Gogh đã sống tại đây. Tôi còn nhớ được bức tranh Van Gogh vẽ Paris từ cửa sổ căn hộ này, khớp với hình ảnh tòa nhà đối diện bên cạnh. Tôi đã đi theo dấu chân của Van Gogh, từ những lá thư, những bức tranh, đến ngôi làng Auvers-Sur-Oise, đến bảo tàng Van Gogh ở Hà Lan. Hệt như cách tôi đi theo dấu chân của Franz Kafka ở Praha. Một người nghệ sĩ khi chết đi, phải chăng họ đã để lại dấu chân của mình trên cuộc đời như thế? Đi vào tâm hồn của một sự vật, một con người, một thành phố, một cuốn tiểu thuyết, một bộ phim, thực ra, là đi vào tâm hồn của chính mình.