Nguyễn Linh Vinh Quốc

“Hỡi Giàng!

Hôm nay tôi kêu lên đến Giàng “Hri” (Thần lúa), Giàng “Ơi Adei-Yă Pôm” (Thần mặt trời và Nữ thần nhân ái giữ hồn lúa, của cải), Giàng nhà rông, Giàng núi, Giàng nước…

Cảm ơn các Ngài đã giúp dân làng chúng tôi mùa màng không bị chim, chuột, sóc phá hoại và bông lúa chắc, nhiều hạt mùa màng bội thu…

Các Ngài hãy đổ xuống hồn lúa cho vụ mùa sau thêm tươi tốt, bông lúa đẻ thêm hàng trăm hàng nghìn, mưa thuận gió hòa, muông thú và sâu bệnh không phá hoại. Từ nay trở về sau, dân làng chúng tôi biết yêu thương, đoàn kết đùm bọc lẫn nhau. Con cháu chúng tôi chăm ngoan biết lo học hành, người làng chúng tôi đi làm xa trên núi, dưới sông được bình an. Dân làng luôn mạnh khỏe không bệnh tật… Cho heo, gà, trâu, bò đầy sân, lúa gạo trong nhà kho ăn không bao giờ hết… Ơ Giàng!

(Trích lời khấn trong lễ Cúng lúa mới)

Thu hoạch lúa trên đồng

Từ bao đời nay, các dân tộc sống ở Tây Nguyên nói chung và người Jrai nói riêng có tâm hồn mộc mạc bình dị nhưng trong sinh hoạt tâm linh luôn đậm nét tín ngưỡng đa thần. Họ quan niệm “vạn vật hữu linh”, với niềm tin các vị thần linh có tình cảm như con người nên nếu dâng cúng cho thần linh với tấm lòng thành khẩn và đầy đủ lễ vật thì sẽ được chở che và phù hộ.

Hàng năm, sau mỗi vụ thu hoạch, đồng bào Jrai ở Tây Nguyên thường tổ chức lễ Cúng lúa mới vào khoảng tháng 11, 12. Đây là nghi lễ nhằm tạ ơn thần linh đã phù hộ cho mùa màng tươi tốt, đồng thời cầu mong năm tới được mùa hơn nữa, gia đình và cộng đồng khỏe mạnh… Cứ thế, mỗi gia đình tổ chức tuần tự cho đến khi cả buôn làng hoàn tất vụ thu hoạch. Khi những hạt lúa cuối cùng được cất vào nhà kho, già làng sẽ quyết định ngày làm lễ Cúng lúa mới cho cả làng tại nhà rông.

Già làng Hup và các già phụ tá tại nhà rông

Năm nay, tại xã Plei Kép, xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, già làng Rơ Châm Hup rất vui vì dân làng được vụ mùa bội thu, cả buôn làng ai nấy đều hoan hỉ. Ông báo cho các già phụ tá cùng bà con dân làng chuẩn bị cho ngày hội lớn của năm. Chọn được ngày đẹp, già làng Hup dậy rất sớm. Ông chỉnh tề trong trang phục Jrai truyền thống, đi về phía bìa rừng chọn 1 nhánh lá Ngal thật tươi (loại lá rừng chuyên dùng trong các nghi thức cúng tế) đem về nhà rông. Tiếp đó, ông gióng hồi trống giòn giã cho buôn làng biết ngày trọng đại bắt đầu. Khắp nơi rộn vang tiếng thùm thụp giã gạo. Các bà, các mẹ nướng thịt, chuẩn bị thức ăn, hái lá chèn vào ghè rượu cần để đem ra nhà rông góp vui. Nhóm đàn ông trung niên chuẩn bị cồng chiêng. Các nam, nữ thanh niên với trang phục truyền thống khoe làn da nâu bóng khỏe khoắn. Tề tựu trước nhà rông, ai ai cũng nở nụ cười rạng rỡ và trên tay mỗi người đều cầm theo nhành lúa đẹp nhất từ chính ruộng, rẫy nhà mình. Tất cả nhành lúa được các già phụ tá thu lại cẩn thận, trau chuốt bó lại thành bó to đem vào trình già làng Hup.

Già làng Hup khai ghè rượu cần chung mở đầu cuộc vui

Sau khi kiểm tra đầy đủ lễ vật, già làng Hup bước ra thềm, ra hiệu cồng chiêng nổi lên. Đoàn cồng chiêng rước ông và các già phụ tá nhịp bước vào nhà rông, dân làng hồ hởi tay nắm tay nối vòng múa xoang. Những bước chân, đôi tay lên xuống đều đặn. Các cô gái nhún nhảy điệu đà còn các chàng trai khoe những bước nhảy rắn chắc trong nhịp chiêng quanh cây nêu được dựng giữa sân.

Trong nhà rông, các già phụ tá hỗ trợ già làng Hup làm nghi thức trong không khí trang nghiêm. Sau đó, già Hup bắt đầu thực hiện nghi lễ cúng bái và cất lời khấn nguyện cùng thần linh… Dứt lời khấn, tiếng chiêng nổi lên, đoàn cồng chiêng rước già làng Húc cùng các già phụ tá xuống sân để hòa cùng không khí tưng bừng mừng hội của buôn làng.

Những nhành lúa đẹp được gom về nhà rông

Dưới sân nhà rông, mỗi hộ gia đình gùi 1 ghè rượu được ủ từ gạo mới, cơm lúa mới được bày ra xếp xung quanh cây nêu. Bà con chờ già làng Húc khai ghè rượu trước và lần lượt chia sẻ niềm vui cùng nhau. Các bà, các mẹ chia cho những em bé từng ống cơm mới thơm lừng. Những đôi trai gái bắt đầu kéo tay mời rượu, vẫy gọi nhập vòng xoang hòa cùng âm thanh cồng chiêng như thứ men say bất tận. Các chàng trai thân mình rắn chắc ngước tìm đối thủ để bắt cặp thi đấu vật, đẩy gậy, đi cà kheo… Tất cả hòa chung không khí rộn ràng, vui tươi trong lễ hội lớn của buôn làng.

Lễ Cúng mừng lúa mới không chỉ là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của đồng bào Tây Nguyên mà còn được coi như ngày “Tết” của buôn làng với những truyền thống, tập tục nhân văn của cộng đồng.