Thành Thế Vinh
Ở nơi sương mờ phủ trắng giữa đại ngàn Y Tý – Lào Cai, người Hà Nhì vẫn lưu truyền một phong tục đặc biệt đó là lễ Gạ Ma Do – cúng rừng đầu năm. Sở dĩ có lễ này là vì trong mỗi bản người Hà Nhì đen ở Y Tý đều có khu rừng cấm mang tên Gạ Ma Do với nguồn nước thiêng bao bọc, chở che. Rừng thiêng luôn được coi là khu rừng quan trọng nhất, nằm ở vị trí cao nhất trong bản.
Theo quan niệm của người Hà Nhì, khu rừng thiêng được bảo vệ bình yên thì con người mới khỏe mạnh, vật nuôi và cây trồng mới lớn nhanh. Mọi hành vi xâm phạm đến rừng đều bị lên án và phải chịu những hình phạt thích đáng. Người Hà Nhì coi lễ cúng rừng Gạ Ma Do là lời nhắc nhở đến các thế hệ mai sau ý thức bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, họ gửi lời cầu nguyện tới các vị thần xin cho cuộc sống yên bình trong năm. Lễ cúng rừng bao gồm các nghi lễ cấm bản, tạ ơn thần nước và rước nước thiêng lên cúng rừng Gạ Ma Do.
Vào ngày Dần đầu tiên của tháng Giêng hàng năm, mỗi hộ dân trong bản cử một đại diện tham gia lễ cấm bản, còn gọi là lễ Gạ Tu Tu. Lễ vật được chuẩn bị chu đáo và dâng cúng lên thần linh. Kết thúc lễ cúng, những sợi dây được căng lên để buộc lưỡi giáo mác báo cấm trên các con đường chính vào bản để xua đuổi tà ma. Phần chính lễ sẽ diễn ra sau lễ cấm bản một ngày.
Vào sáng sớm ngày Thìn, người dân trong bản mang lễ vật gồm gà, xôi màu vàng, rượu nếp được ủ trong một ống tre, một đôi thớt gỗ, để cúng thần nước đầu nguồn của bản. Đây là nghi lễ tạ ơn nguồn nước đã cung cấp nước sinh hoạt và gieo cấy trong suốt năm qua, và cầu mong cho năm mới nước vẫn đủ đầy và chảy mãi không cạn trong bản. Sau nghi lễ này, thầy cúng sẽ lấy ống bương xin nước thần để lên rừng làm lễ cúng Gạ Ma Do. Không ai được đi giày dép trong khu rừng cấm để tỏ lòng tôn kính đến thần rừng. Chỉ một ngôn ngữ duy nhất của người Hà Nhì được nói tại đây, tuyệt đối không được nói ngôn ngữ khác. Bàn thờ thần rừng nằm ở vị trí trung tâm có cây cối bao quanh, tỏa bóng mát cho khu vực thờ tự. Lễ vật được dâng lên gồm có thịt lợn được chế biến, gà, xôi, trứng luộc, rượu nếp…
Việc dọn dẹp ban thờ và đặt lễ được thực hiện với đầy đủ trình tự bởi hai thầy cúng. Sau khi hai thầy cúng làm lễ, những người đàn ông đại diện cho mỗi hộ dân trong bản sẽ lần lượt quỳ khấn trước bàn thờ thần rừng. Khi kết thúc việc cầu khấn, lễ vật được hạ xuống và chia đều cho mọi người cùng hưởng lộc rừng. Cuối cùng sẽ là bữa ăn kết đoàn của tất cả người dân trong bản. Mọi lễ vật phải được ăn hết, không được mang thức ăn thừa về. Những gì còn vương vãi trên chỗ ngồi sẽ được thu dọn vào trong hố đã có từ trước để không làm ô uế đến rừng thiêng.
Tôn thờ thần rừng, thần nước trong lễ cúng rừng Gạ Ma Do không chỉ là nghi thức thể hiện ước nguyện của người Hà Nhì về cuộc sống an bình mà còn mang tính kết nối bền chặt của cộng đồng với môi trường sống, bảo vệ rừng để giữ nguồn nước trong lành cho cuộc sống bình yên.