Phan Quốc Vinh

Thay vì chọn điểm dừng xe điện ở đường Hyde để đi bộ xuống, tôi lại chọn chuyến xe dừng ở đường Columbus để leo nhọc nhằn lên ngắm nghía đoạn đường Lombard (thành phố San Fransisco, tiểu bang California), nơi được xem là con đường ngoằn ngoèo nhất thế giới.

Con đường Lombard với những khúc cua uốn lượn đều đặn

Lombard nằm ở trong khu vực Russian Hill và các tài xế chỉ được lái với vận tốc …5 miles/ giờ mà tôi tự nói đùa rằng mình leo dốc còn nhanh hơn!

Những bức tranh đa màu sắc được sơn vẽ trên tường từng ngôi nhà dọc Lombard giao với con đường Taylor khiến tôi phấn khích khi mới chạm chân xuống mặt đường nhưng rồi sau đó dần dần là cảm giác ngợp thở vì phải “leo bộ” (chứ không phải là đi bộ) con phố có độ dốc đứng khủng khiếp chưa bao giờ mình gặp trong đời.

Xe xuống dốc đường Lombard cực kì chậm để đảm bảo an toàn

Đứng nghỉ một lát trên đường đến đoạn phố chính, tôi được nghe một cụ già đang dắt chú chó cưng hóng nắng giải thích thêm “Lớp đất cát tự nhiên của đường phố này trước đây đã gây ra mối đe doạ an toàn nghiêm trọng cho người lái xe và chắc là cả…đi ngựa hồi xưa. Vào năm 1920, Carl Henry – người sở hữu phần lớn diện tích ở đây đã đề xuất việc chuyển đổi kết cấu đoạn đường cũng như cảnh quan để tăng thêm tính thẩm mỹ đồng thời bảo đảm an toàn cho người đi bộ.Và các góc cua được bẻ uốn lượn ra đời không lâu sau đó.”

Hỏi về cách đậu xe “điêu luyện” như cư dân ở đây, cụ giải thích thêm rằng bảng hiệu “Đỗ xe với góc 90 độ” (Park at 90 Degrees) để yêu cầu mọi người đỗ luôn thẳng góc với lề đường bởi chỉ cần chệch một tí xíu, xe sẽ dễ trôi xuống tận đẩu đâu mà tìm không ra.“Dĩ nhiên ai vi phạm sẽ được cảnh sát gửi ‘giấy mời’ ngay!” Cụ hóm hỉnh bông đùa.Và rồi đoạn phố Lombard lát gạch đỏ nổi tiếng uốn lượn trải dài chưa đầy 1 cây số tựa như một con rồng đang bay lượn hiện ra trước mắt.

Có lối dành riêng cho người đi bộ ở đường Lombard

Khi đến đây, du khách thường “hoang mang” không biết tại sao con phố này lại quanh co như vậy? Câu trả lời như cụ già là “sự an toàn” quả là không sai.Những khúc cua “cùi chỏ” đã được thực hiện để giải quyết 27% độ dốc tự nhiên của ngọn đồi, giúp cho lưu thông xe cộ dễ dàng hơn. Đoạn đường độc đáo này dành để phục vụ cho giao thông một chiều hướng từ trên đồi Russian đi xuống.

Vì vậy trong khi tài xế cứ “căng mắt” để men dốc xuống thì khách bộ hành thảnh thơi ngược xuôi ngắm cảnh thoải mái. Thế nên hai bên đường mọi người phấn khích vẫy tay chào đón những tay lái được hạ dốc an toàn như đón từng tay đua F1 nổi tiếng thế giới đang lăn bánh về đích.

Con đường rực rỡ sắc hoa vào mùa xuân

Phía đầu dốc đường Lombard này là nơi được nhiều du khách lựa chọn để “selfie” vì nhìn được gần như khung cảnh phía trên cao nhưng ở trên đỉnh dốc bạn lại được nhìn toàn cảnh những ngôi nhà hộp diêm – “đặc sản” của khu vực gần bờ vịnh San Fransisco. Do vậy, hãy cố gắng leo được lên đỉnh dốc để tận hưởng niềm vui nhân hai!

Men theo lối đi bộ, du khách dường như vừa…thở vừa ngắm nhiều loại hoa đua nhau nở rực rỡ, kể cả hoa anh đào tận nước Nhật xa xôi. Có rất nhiều ngôi nhà xinh đẹp trên con phố quanh co này cũng như không hiếm tiệm kinh doanh với chỉ một nơi đậu xe cho khách hàng.

Nơi đây có một vài ngôi nhà cổ kính và đắt nhất nhì trong thành phố. Vào mùa xuân và suốt mùa hè, con phố khúc khuỷu Lombard này trở nên sống động và đầy màu sắc hơn khi hoa cúc và các loại hoa khác được người dân ở đây trồng sẽ đua nhau khoe sắc.

Nếu đã từng một lần đến thăm vịnh San Francisco, sẽ là chưa trọn vẹn nếu bạn không ghé qua “check in” đoạn đường Lombard – con phố đặc biệt của nước Mỹ này nhé!