Giáo sư Trịnh Sinh

Những ai đã từng về Đền Hùng thắp hương trong ngày giỗ Tổ đều được chiêm ngưỡng cảnh đánh trống đồng. Những nam thanh nữ tú người Mường ở hai huyện Thanh Sơn và Tân Sơn của tỉnh Phú Thọ đã biểu diễn đánh trống như hai ngàn năm qua cha ông họ vẫn đánh trống như vậy. Không chỉ ở hai huyện của Phú Thọ mà người Mường còn có mặt ở Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh ở Tây Bắc nữa. Trống đồng là một trong những di sản lớn nhất của người Mường. Họ đánh trống trong những dịp vui như cưới xin, năm mới, lễ hội và cả trong những nghi lễ tâm linh.

Hoa văn ô trám nổi “ganh” trên thân trống

Từ năm 1948, nhà dân tộc học người Pháp là bà J. Cuisinier đã lặn lội khắp xứ Mường để viết cuốn “Người Mường” nổi tiếng. Bà đã thấy những chiếc trống đồng gắn bó với người Mường. Trống không chỉ là là vật thiêng, chỉ các quan lang mới được sở hữu, còn là một nhạc khí cùng với chiêng đồng cho những âm thanh trầm bổng vang khắp núi rừng. Trống cũng là một sản phẩm nghệ thuật tạo hình đẹp mắt. Trên mặt trống có 4 khối tượng cóc. Khắp mặt và thân trống được trang trí hoa văn.

Rất nhiều mẫu hoa văn được trang trí trên mặt trống

Giữa mặt trống là một u nổi hình bán cầu tượng trưng cho hình mặt trời, xung quanh có những tia nhọn. Người Mường cũng giống người Việt có tục thờ mặt trời như nhiều cư dân nông nghiệp khác ở Đông Nam Á. Cùng với mặt trời là tượng cóc, họ đúc con vật thiêng, liên tưởng đến tiếng kêu của nó khi trời mưa với tiếng trống. Để rồi mỗi khi hạn hán, người ta đem trống ra đánh. Tiếng trống như thông điệp gửi cho “Ông Trời” để cầu mưa. Nhiều khối tượng cóc có hai con chồng lên nhau, thể hiện một quan niệm nữa của người Mường: sự phồn thực, mong cho con người cũng như cây cỏ, vật nuôi bắt chước cóc để giao hòa âm dương mà có con đàn cháu đống, được mùa bội thu.

Vị trí đẹp nhất trên mặt trống là dành cho trang trí mặt trời, rìa mặt lại có các khối tượng cóc đăng đối, đã cho thấy người Mường có tư duy liên tưởng sâu sắc và óc thẩm mỹ cao. Đôi khi, các trống Mường còn được trang trí các khối tượng voi, rùa, vịt khá sinh động.

Hoa văn trên trống Mường có tính kế thừa từ trống Đông Sơn

Làm nền cho các khối tượng cóc và khối nổi “mặt trời” là các vành hoa văn đồng tâm, bên trong là các hoa văn ô trám được phủ đầy, tạo ra cảm giác như một tấm thảm trải trên mặt trống đồng. Hoa văn hình ô trám nổi “ganh”, có nhịp điệu, lấp lánh màu đồng vốn có, vàng óng dưới ánh sáng ban ngày hay đèn đuốc ban đêm. Hoa văn trang trí hình ô trám cũng tạo thành các vành phủ đầy trên thân trống tương tự trên mặt trống.

Bên cạnh hoa văn trang trí hình học, trống còn được trang trí hoa văn động vật sinh động như hình tượng rồng bay, phượng múa, chim chóc… hay hoa văn mang yếu tố Phật giáo. Bên cạnh đó còn có các hoa văn hình bông hoa 4 cánh, đồng tiền, hoa dây.

Hình tượng con cóc thường thấy trên trống Mườn

Nhờ có các hoa văn trang trí trên trống Mường (mà các nhà khoa học gọi là trống loại II theo sự phân loại của học giả Heger) đã giúp giới khoa học giải mã phần nào vấn đề trống loại này kế thừa hoa văn, cách đúc của trống Đông Sơn (còn gọi là trống loại I Heger). Đồng thời, các nhà khoa học cũng có cơ sở để nói rằng: vào khoảng trước, sau Công Nguyên, khi những trống Đông Sơn của người Việt cổ bị hủy diệt ở vùng đồng bằng thì những người Việt cổ ở vùng núi, mà sau này là người Mường, vẫn tiếp tục truyền thống sử dụng trống đồng, chỉ biến đổi “mẫu mã” thành trống Mường mà thôi.

Trống Mường còn dùng hình tượng con voi để trang trí

Những chiếc trống Mường còn được trang trí hoa văn đặc trưng của thời đại như những hình rồng uốn khúc thời Lý, Trần trang trí trên mặt trống. Một số hoa văn lá đề, cánh sen, lá sồi mang âm hưởng của Phật giáo thời Hậu Lê được trang trí khắp mặt và thân trống. Những hoa văn này không những có trên các tác phẩm bằng gốm, đá của các chùa, cung điện ở vùng đồng bằng mà còn có trên trống đồng Mường ở miền núi, chứng tỏ nền nghệ thuật tạo hình của nhà nước Đại Việt có giao lưu và hòa hợp giữa các vùng miền.

Hình tượng hai con cóc chồng lên nhau có ý nghĩa phồn thực

Trống Mường kế thừa trực tiếp trống Đông Sơn, có “cuộc sống” kéo dài gần 2.000 năm thực sự là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình đẹp và là kho di sản quý báu của đất nước ta.