Bài: Buôn Krông Tuyết Nhung, Buôn Krông Wiyapodam
Ảnh: Quốc Nguyễn
Nằm trên địa bàn huyện Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40km theo Quốc lộ 27, vùng đất Yang Tao với ý nghĩa là Thần Đá của người M’Nông R’lâm không chỉ thu hút khách thập phương bởi kỹ năng thuần dưỡng voi rừng từ xa xưa, đánh bắt thủy sản, đẽo thuyền độc mộc, nghệ thuật dệt chiếu mà còn bởi các dòng sản phẩm gốm truyền thống của phụ nữ xã Yang Tao.
Khi sương mù còn giăng khắp lối ở xứ sở Yang Tao, từng tốp phụ nữ M’Nông R’lâm nhanh nhẹn rời hiên nhà để bắt đầu tìm nguyên liệu đất sét dưới chân đồi làm nên những đồ gốm truyền thống. Đôi tay rắn khỏe của họ bóc tách từng khối đất dưới lòng đất sâu khoảng từ nửa mét trở xuống. Từng mớ đất dẻo được lựa chọn, đặt trong những chiếu gùi trung bình vừa sức đeo của mỗi người. Đất được mang về và đặt cẩn thận trước sân nhà sàn mẫu hệ M’Nông R’lâm. Sự kết dính của đất dẻo từ vùng Yang Tao sẽ được nhân lên gấp nhiều lần khi nó được giã bằng chiếc chày tay trên chiếc cối đã cũ. Việc tạo ra độ kết dính này phải mất khá nhiều công sức. Một tiếng, hai tiếng đồng hồ hay nhiều hơn. Một chút nước được thêm vào cho dễ giã, thời gian giã càng lâu thì độ mịn và sự kết dính của đất càng cao. Từng cục đất dẻo được tách ra sau khi giã mịn và tiếp tục được nhào nặn thêm nữa, rồi được sử dụng ngay hoặc được cất giữ cẩn thận qua đêm trước sân nhà. Những người làm gốm sử dụng chiếc cối úp ngược để làm điểm tựa cùng một chiếc rổ được đặt ngược.
Sau đó họ đặt một vón đất lên cẩn thận để bắt đầu công đoạn tạo hình. Với tư thế hơi cúi người xuống, đôi tay điêu luyện của nữ nghệ nhân liên tục nắn, xén, chỉnh hình ở nhiều góc độ để định hình ra một sản phẩm. Thỉnh thoảng nghệ nhân dùng một mảnh thổ cẩm nhỏ, một chút nước và xoay chiếc cối úp theo chiều ngược kim đồng hồ để tạo ra sự láng mịn trên bề mặt sản phẩm. Một chiếc nan bằng tre vừa phải được sử dụng để tạo ra họa tiết hoa văn đơn giản trước khi họ sấy khô sản phẩm dưới ánh nắng mặt trời. Khi các sản phẩm khô vừa tới, chúng được xếp đặt cẩn thận và được nung lên bằng củi khô khoảng từ 30 phút đến một tiếng. Để tăng độ bóng đen, đẹp của sản phẩm, ngọn lửa đang nung gốm sẽ bị dập tắt đột ngột bởi một đống trấu được phủ lên, đây là đoạn cuối cùng để hoàn tất quy trình làm gốm ở Yang Tao.
Trong xã hội cổ truyền, sản phẩm đồ gốm của phụ nữ Yang Tao chủ yếu là chén, tô, nồi, vò hông xôi và các loại ché ủ rượu cần. Ngoài việc dùng để phục vụ trong sinh hoạt, gốm còn được dùng để trao đổi lúa và gia súc với các dân tộc trong vùng. Hoàn toàn khác với sự tinh xảo của gốm người Việt ở đồng bằng sông Hồng, sự thô mộc của gốm Chăm ở Ninh Thuận, sản phẩm gốm phụ nữ M’Nông R’lâm mỏng, nhẹ, chân phương nhưng không kém phần thẩm mỹ.
Hiện nay, cùng với các dòng sản phẩm gốm truyền thống, sản phẩm gốm ở Yang Tao đã được đa dạng hóa để bắt kịp với thị hiếu của du khách. Bên cạnh những câu chuyện ly kỳ, huyền bí về đá Voi Cha và đá Voi Mẹ nguyên khối lớn nhất Việt Nam, phụ nữ M’Nông R’lâm tiếp tục kiên trì, miệt mài trao truyền cách làm gốm thủ công cho thế hệ trẻ. Gốm Yang Tao chính là một dấu ấn trong dòng chảy văn hóa của cao nguyên huyền thoại.