Chi Hoa
Bạn đã bao giờ tự hỏi, tại sao những món ăn xuất hiện trên các cuốn tạp chí hay lại thường hấp dẫn hơn những đĩa thức ăn thật sự bên ngoài? Đừng vội hoài nghi những hình ảnh ấy, bởi thực ra các món ăn đều đã được qua bàn tay xếp đặt khéo léo của những vị “phù thủy” mang tên food stylist, hay còn gọi là người tạo phong cách cho món ăn.
Trong cuộc sống hiện đại, nghề stylist thường được nhắc đến nhiều và nổi bật nhất là trong lĩnh vực thời trang. Những stylist thời trang là người định hướng phong cách thời trang cho khách hàng của mình. Thế nhưng ngày nay, nghề stylist không đơn thuần chỉ gắn liền với những bộ trang phục, mà còn gắn với những những món ăn đầy màu sắc và hương vị.
Không giống như các stylist thông thường, các food stylist không chỉ có gu thẩm mỹ về màu sắc và tạo hình, mà còn hiểu biết các kĩ thuật nấu ăn và thành thạo về các thành phần trong món ăn. Người làm nghề này không nhất thiết phải là đầu bếp chuyên nghiệp, nhưng phải nắm bắt được mùi vị và tinh thần của món ăn, để có thể truyền tải được hết ý tưởng tạo hình cũng như hương vị của món ăn ấy.
Trên thế giới, nghề food stylist đã phát triển song hành cùng với nghệ thuật nhiếp ảnh món ăn (food photography) từ rất lâu. Những năm gần đây ở Việt Nam mới bắt đầu xuất hiện khái niệm này. Không có trường lớp nào hướng dẫn bài bản, các food stylist ở Việt Nam thường có xuất phát điểm từ việc yêu thích vẻ đẹp của các món ăn cũng như có kiến thức về nhiếp ảnh, thiết kế trước khi theo đuổi nghề nghiệp này. Nguyễn Minh Ngọc, một food stylist đã có kinh nghiệm 4 năm làm nghề, chia sẻ về cơ duyên đặt chân vào con đường mang tên food stylist: “Khi còn là một sinh viên đồ họa và bắt đầu nghiên cứu về nhiếp ảnh, tôi đã tự đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao chỉ có người mẫu mới được trang điểm khi chụp hình, tại sao không đặt đồ ăn trong những không gian phong phú hơn chiếc nền trắng thông thường?… Ý nghĩ đó cứ thôi thúc cho tới khi tôi chọn chụp hình các món ăn Việt Nam cho đồ án ở trường. Từ lúc đó tôi chợt thấy thật thú vị khi đưa đồ ăn vào trong những ý tưởng mạnh mẽ, biến đồ ăn trở thành những người mẫu đầy cảm xúc”.
Để có được một tấm ảnh chụp đồ ăn đẹp, cần phải đáp ứng rất nhiều yếu tố. Món ăn phải được chuẩn bị từ những nguyên liệu “đẹp” nhất, như miếng thịt ba chỉ phải có các lớp xếp đều nhau, rau phải xanh, lá nguyên vẹn, hay trái cà chua phải chín đỏ, tròn đều. Sau khi đã lựa chọn nguyên liệu, cách chế biến cũng phải thật khéo léo để khi food stylist sắp xếp đồ ăn vào bát đĩa, màu sắc và hình dạng của các thành phần trong món ăn phải nhìn tươi ngon và hấp dẫn. Chuẩn bị nguyên liệu kĩ càng là điều mà food stylist nào cũng phải trải qua, thậm chí còn phải tự tạo ra sản phẩm để chụp như trường hợp của Nguyễn Minh Ngọc. Ngọc cho biết đã mất 1 tháng nghiên cứu tài liệu nước ngoài và tự tạo ra một loại kem giả làm từ thực phẩm, giống như kem thật và có thể định hình trong hàng giờ chụp bởi ở điều kiện thông thường, đĩa kem thật sẽ chảy ngay trong giây lát.
Ở Việt Nam, food stylist là nghề còn rất trẻ, cả về thời gian xuất hiện lẫn độ tuổi của người làm nghề. Đối với các bạn trẻ này, một thách thức lớn và đồng thời cũng là niềm yêu thích sáng tạo với món ăn Việt Nam có lẽ là nổi trội hơn cả. Với niềm đam mê đưa ẩm thực Việt Nam ra với thế giới, Thùy Dương, một food stylist trẻ chia sẻ về các món ăn Việt: “Nếu như các món ăn nước ngoài, đặc biệt là món châu Âu đã quen thuộc bởi sự sang trọng và bắt mắt, thì các món ăn thuần Việt lại khá giản dị. Rau củ ở Việt Nam thường nhỏ và không đa dạng, và cách chế biến món ăn thường là nấu kĩ khiến cho đồ ăn mất màu sắc phần nào. Vì vậy tôi dành phần lớn thời gian để nghiên cứu cách tạo hình cho các món Việt, để khai thác được tối đa vẻ đẹp ấy bằng tư duy hiện đại nhưng giữ được linh hồn của các món ăn truyền thống. Tôi tin là món ăn Việt đẹp và hấp dẫn theo một cách riêng, không kém gì món ăn của các nước khác”.
Sẽ tiếp tục có nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ đầy nhiệt huyết như Ngọc và Dương tiếp bước vào nghề làm đẹp cho các món ăn này. Có lẽ có trong tay món ăn đẹp thôi chưa đủ, mà để theo đuổi công việc này, phải có thật nhiều năng lượng để lăn xả, không ngừng học hỏi và sáng tạo để thích nghi được với các yêu cầu, thử thách của nghề.