Hà Lan Viên

Số lượng các quốc gia đón Tết âm lịch trên thế giới không quá 10 đầu ngón tay, trong đó, bên cạnh những cái Tết của cộng đồng người Hoa sống rải rác khắp địa cầu, có những ngày Tết cổ truyền của các dân tộc tuy nhỏ hơn về dân số, nhưng hoàn toàn không thua kém về tầm vóc và bản sắc đậm đà, thiêng liêng và thấm đẫm tính nhân văn.

Đi Hàn Quốc ăn Tết Seollal

Cũng như Việt Nam, người dân xứ sở kim chi xem ngày Tết âm lịch – Seollal – như một dịp để đoàn tụ gia đình. Bữa ăn cúng gia tiên của người Hàn cũng được chuẩn bị hết sức chu đáo và cẩn thận, bao gồm đầy đủ các loại thịt, cá, rau quả nhiều màu sắc, và đặc biệt, không thể thiếu những món ăn làm từ gạo. Món Tteok-guk, một món ăn truyền thống gồm nước dùng và những lát bánh gạo trắng nõn, ăn kèm với thịt, rong biển và trứng, là món ăn đặc biệt cho dịp này, với ý nghĩa kết thúc một năm cũ, và trang bị cho mọi người một năm mới “chắc bụng”, no đủ và nhiều màu sắc. Một món ăn khác từ gạo, món bánh xèo Hàn Quốc, cũng nằm trong thực đơn ngày Tết, mang lại cảm giác sum vầy, khi mọi thành viên cùng quây quần bên bàn ăn, dùng đũa sẻ từng mẩu bánh vàng rụm thơm lừng mùi hẹ và hải sản tươi.

Dù là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu châu Á, người dân Hàn Quốc vẫn lưu giữ thói quen mặc trang phục truyền thống, những bộ hanbok màu sắc rực rỡ, để ra đường vào mùng một Tết, và vui vẻ hòa mình vào những trò chơi, lễ hội dân gian diễn ra khắp các nẻo đường.

Tết Tsagaan Sar của người Mông Cổ

Rong ruổi trên vó ngựa thảo nguyên, người dân Mông Cổ đón Tết truyền thống Tsagaan Sar vào khoảng 26/2 dương lịch, trễ hơn Tết Việt Nam gần 1 tháng. Bữa tiệc đầu năm của người Mông Cổ luôn phải có những tảng đùi cừu chắc nịch, món hoành thánh nhân thịt và mỡ cừu, món trà sữa mặn mòi, món sữa lạc đà đông, và không thể thiếu chiếc bánh Tết rất đặc biệt xếp thành nhiều tầng xen kẽ nhau. Người dân tin rằng, mỗi tầng xen kẽ tượng trưng cho những niềm vui xen lẫn với nỗi buồn của cả một năm. Và bởi tầng đầu tiên tượng trưng cho những niềm vui, các đầu bếp khéo léo luôn canh sao cho chiếc bánh có số tầng là số lẻ, để đảm bảo khi đi đến tầng cuối cùng, sẽ chỉ còn đọng lại niềm vui!

Tết Losar của người Tây Tạng

Nếu các dân tộc Á châu khác thường ăn Tết trong 3 ngày, thì Tết Losar của người Tây Tạng kéo dài nửa tháng. Năm nay, Losar rơi vào ngày 27/2, trễ hơn Tết truyền thống của Mông Cổ 1 ngày. Trong dịp này, các sư thầy sẽ thực hiện những nghi lễ ban phúc và múa vũ điệu gumpa truyền thống để xua đuổi tà ma trong những chiếc mặt nạ đủ màu sắc. Các gia đình Tây Tạng chuẩn bị Tết với việc dọn dẹp: sửa soạn nhà cửa và “dọn dẹp” bản thân khỏi những suy nghĩ tiêu cực của mùa cũ. Món mì guthuk, món truyền thống của Tây Tạng, sẽ được những bà mẹ tự tay nhồi bột với 9 loại nguyên liệu khác nhau, gồm các loại ngũ cốc và phô mai khô. Mẻ bột dư sẽ được dùng để làm những phần bánh “tiên tri”, với nhân bánh là một trong những thành phần khác nhau, gồm ớt, muối, len, gạo hoặc than. Những ai bắt được miếng bánh có nhân mang màu trắng, như len, muối, hoặc gạo, có thể yên tâm bởi đấy là điềm lành cho năm mới. Miếng bánh có mẩu than bên trong ứng với một năm đen đủi.

Tết âm lịch rộn ràng của các sắc dân Trung Hoa

Trung Quốc và những đất nước có đông người Hoa sinh sống luôn ăn Tết âm lịch tưng bừng, náo nhiệt. Từ Hồng Kông, Đài Loan đến Singapore, Malaysia và cả Philippines, người dân thường thích bày mâm cỗ thịnh soạn với heo quay, bánh mứt, mâm ngũ quả và không thể thiếu các món mì, tượng trưng cho sự trường thọ và suôn sẻ, các món hoành thánh, bánh xếp với lớp vỏ mỏng mịn, lớp nhân dày dặn, biểu hiện một mùa mới “đầy đủ trong ngoài”. Những món ăn hình tròn, từ bánh trái cho đến món chả viên, cá viên cũng được tận dụng tối đa, thể hiện mong ước một năm viên mãn, tròn trịa. Hạt mè được rắc đầy trên các món ăn, từ salad, món nước đến món tráng miệng, mang theo niềm tin rằng những điều thơm thảo, may mắn sẽ được nhân lên, nhiều không đếm xuể.

Đặc biệt, có một phong tục mang màu sắc nghịch ngợm như trẻ con, nhưng lại được các gia đình làm kinh doanh rất tin tưởng làm theo trong ngày đầu năm. Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một đĩa salad đầy ắp, bao gồm các loại rau củ thái sợi cùng thật nhiều mè và lạc rang giã nhỏ. Trước bữa ăn, cả gia đình sẽ quây quần bên đĩa salad, mỗi người cầm một đôi đũa, và mặc sức xới tung cả đĩa salad ra khắp mặt bàn, với niềm tin rằng, càng nhiều salad tung lên cao và rơi vãi là càng nhiều phúc lộc, tiền tài sẽ đến với cả nhà trong năm mới!