PGS.TS Trịnh Sinh

Vẻ đẹp vĩnh hằng của các tác phẩm vũ nữ Chăm

Người Chăm đã để lại dấu ấn di sản văn hóa một thời suốt dọc dải đất miền Trung nước ta. Đó là những đền đài in bóng lên nền trời xanh. Mà một trong những quần thể đền tháp nay đã thành di sản thế giới – Mỹ Sơn. Một di sản nữa mà các nhà sử học thoáng gặp trong sử sách, đó là những điệu múa, những dàn nhạc. Không phải ngẫu nhiên mà điệu múa, câu ca Chăm đã từng theo chân một nhà sư Lâm Ấp (tên cũ của Vương quốc Chăm) vượt biển sang đất nước Nhật Bản. Thư tịch cổ của Nhật còn ghi lại: nhà sư Phật Triết ở Lâm Ấp đã truyền bá Nhã Nhạc, điệu múa Bồ Đề, múa Bạt Đầu đến nước Nhật vào thế kỷ thứ 8.

Tượng vũ nữ Chăm

Muộn hơn một chút, các câu ca, điệu múa Chiêm Thành đã theo chân các “kỹ nữ trong cung trăm người” để về kinh đô nước Việt (khi đó đóng ở Hoa Lư, Ninh Bình) trong cuộc chinh chiến của Vua Lê Đại Hành vào năm 982. Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi thêm: vào năm 1044, vua Lý Thái Tông cũng đem quân vào thành Phật Thệ (kinh đô Chiêm Thành). Khi về cũng mang theo các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên (Tây Thiên là tên gọi của Ấn Độ xưa kia). Những câu ca, điệu múa Chăm ảnh hưởng đến văn hóa Đại Việt có lẽ bắt đầu từ cái thời điểm đó. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng chính dân ca quan họ Bắc Ninh cũng có ảnh hưởng bởi làn điệu, cung bậc và thang âm của dân ca Chăm. Hình tượng trang trí trên các chùa, tháp thời Lý-Trần như bệ đá chùa Phật Tích, gạch xây móng tháp trong Hoàng Thành có hình dàn nhạc và vũ nữ, hình dàn nhạc chạm khắc ở chùa Thái Lạc đều mang phong cách Chăm.

Múa và nhạc Chăm lan tỏa theo chiều rộng của không gian, lắng đọng theo chiều dài của thời gian cho đến tận hôm nay. Nhưng chỉ các bức tượng vũ nữ Chăm mới biểu cảm được sự tinh túy của đất trời và con người thông qua các nét khắc trên đá.

Nữ thần Uma, Tháp Mẫm, Bình Định Thế kỷ 13-14

Hình tượng các cô gái Chăm thời xưa thật đẹp, hóa thân vào nữ thần Uma trong các điệu múa (trang trí tháp Mẫm, Bình Định, niên đại thế kỷ 13-14). Nữ thần đội mũ cao, đeo hoa tai và các vòng hạt chuỗi, thân hình thon thả, ngực để trần đầy sức sống. Thần có 4 đôi tay tuyệt đẹp đang trong tư thế múa uyển chuyển. Còn có tượng nữ thần Srasvati tìm được ở Chánh Lộ, Quảng Ngãi có niên đại thế kỷ 12 đang trong một tư thế múa khá đẹp: hai tay sát hông, hai chân choãi ra hai bên. Dường như trọng lượng của cơ thể dồn vào mũi bàn chân tạo ra một tư thế khá sinh động. Các khối tròn lẳn của đôi tay và bắp chân khoe các đường viền cong mềm mại. Vẻ đẹp tự nhiên của người thiếu nữ Chăm được đặc tả ở bộ ngực căng tròn, lại được tôn thêm bởi cái eo thon và chắc lẳn. 

Dường như khi chiêm ngưỡng bức tượng nữ thần này, người ta cảm thấy nó không phải được tạc bằng  đá vô tri vô giác mà là hình ảnh đầy sống động của một vẻ đẹp trăng tròn thiếu nữ. Nghệ nhân Chăm cũng không quên tạc chiếc mũ đội đầu nhiều tầng, tai đeo trang sức hình tua, tay đeo vòng. Chiếc váy bó chặt vào hông có dải cuốn đằng trước cũng được chạm khắc hoa văn hoa thị bốn cánh.

Dàn nhạc triều đình, Mỹ Sơn - Thế kỷ 11

Bên cạnh các nữ thần đang trong tư thế múa, mà ắt hẳn  mỗi  bức  tượng đều chất chứa nhiều biểu tượng và cốt chuyện không dễ diễn giải ngữ nghĩa, ngọn nguồn, là các  vũ  nữ đích thực. Đó là các vũ nữ Apsara. Theo tích truyện thì đó là các tiên   nữ sống trên thiên đường của thần Indra. Họ là hiện thân của vẻ đẹp và tài năng ca múa. Điêu khắc đá Chăm miêu tả cảnh một dàn nhạc lớn đệm đàn có Apsara múa như dàn nhạc cung đình ở Mỹ Sơn, thê kỷ 11. Các vũ nữ đội mũ, mặc váy có dải thả đằng trước, chân choãi, bộ ngực căng tròn. Đôi tay mềm mại giơ lên quá đỉnh đầu hoặc một tay giơ cao, một tay áp ngực. Người ta có thể thấy các nhạc cụ trong dàn nhạc: kèn Sanarai, trống Ghinăng, chiêng. Một dàn vũ nữ khá đồng điệu trên mảng chạm Quy Nhơn, niên đại thế kỷ 11- 12 có dáng thế tay khá đẹp: tay trái giơ lên, tay phải đặt lên ngực. Hai tay nhập lại tạo nên đường viền cong tròn mềm mại. Hai chân choãi, một chân nhón gót tạo nên một tư thế động, nhún nhảy.

Tượng vũ nữ Apsara ở Bảo tàng điêu khắc Chăm, Đà Nẵng

Có lẽ tượng Apsara ở Trà Kiệu, thế kỷ 7-8 đã hội tụ được nét đẹp của cô gái Trà Kiệu hơn ngàn năm cách đây. Hai bức tượng khá giống nhau. Một bức gãy tay phải. Một bức nguyên lành. Nghệ sĩ đã tạc được nét đẹp Chăm điển hình với cánh mũi to, đôi môi dày. Những đường cong của cơ thể tuyệt mĩ, tròn trịa mà không mập mạp. Đôi chân choãi được điểm xuyết bằng những dải băng  cách đều bó lấy đùi, hông và bụng. Cổ cũng được đeo 3 chuỗi hạt. Dường như số 3 là số thiêng: 3 chuỗi vòng tay, 3 vòng trên chỏm mũ nữa. Dưới lớp lớp vòng và váy trang sức là một cơ thể đầy sức sống được nghệ sĩ cố ý khoe bày. Những tượng Apsara đều có được cái đẹp “thắt đáy lưng ong” lại được hòa quyện với các động tác múa uyển chuyển. Có lẽ trong hàng trăm hàng ngàn tượng Apsara ở những nước ảnh hưởng văn minh Ấn Độ cổ đại khó có tượng nào đẹp và sinh động như cô gái Trà Kiệu này.

Vũ nữ Tháp Mẫm Bình Định Thế kỷ 13

Một số tượng vũ nữ Chăm được tạc riêng biệt không nằm trong dàn nhạc cung đình cũng được chế tác chau chuốt hơn. Ví dụ, hình tượng vũ nữ ở tháp Mẫm, Bình Định, thế kỷ 13. Vòng ống trang sức được đeo ở cả cổ tay lẫn bắp tay, cổ chân. Đôi chân choãi rộng, nhún nhảy dường như là điểm độc đáo nhất của múa Chăm. Có lẽ dáng đôi tay cong tròn và nhiều góc độ đẹp nên nhiều vũ nữ được chắp thêm các đôi tay khác nữa, vừa biểu thị nét đẹp của đôi tay vừa gắn với những tích chuyện nào đó trong một thê giới Chăm đầy huyền thoại. chúng ta bắt găp những tượng vũ nữ nhiều tay như thế ở trong các mảng trang trí hình lá đề.

Cũng cần nói thêm về các nghệ sĩ Chăm. Họ đã tạo ra được bao đền tháp lung linh vẻ đẹp bằng gạch đất nung. Cái màu vàng của khối tháp đồ sộ đã in bóng lên nền trời miền trung vốn rất xanh trong. Họ còn biết chọn  chất liệu đá cát (sa thạch) để làm tượng vũ nữ. Dễ tạo hình đã đành mà còn có được cái chất hạt thô nhám, biểu cảm, nổi khối, sắc xám nhạt tô điểm cho cái nền vàng của gạch ngói nữa. Không biết có phải ngẫu nhiên hay chăng mà các bức tượng đá cát này qua bao thế kỷ vẫn còn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Nhờ thế mà các tác phẩm vũ nữ Chăm vẫn còn làm biết bao thế hệ xao lòng trước vẻ đẹp vĩnh hằng của nó.