Ngô Quang Minh

Thượng Hải tên chữ có nghĩa là “phát triển trên biển”, là đại diện xuất sắc của hơi thở hiện đại trong lòng một Trung Hoa cổ kính. Lịch sử thành phố này gắn liền với lịch sử của những “tô giới” và của triền sông nước Giang Nam cùng câu chuyện phát triển thần kỳ mà người đời thường truyền tụng rằng: “Nếu muốn tìm hiểu 2.000 năm lịch sử văn hóa Trung Quốc thì đến Tây An, 1.000 năm thì đến Bắc Kinh và 100 năm thì đến Thượng Hải!.

Thượng Hải là trung tâm tài chính lớn mạnh bậc nhất Trung Quốc

Trong “Thập toàn chi bảo”, tức 10 điều quý giá đáng nhắc đến của đất nước Trung Hoa, có “Tứ Đại Thành Phủ” chỉ những thành phố lớn về cư dân và quan trọng về vai trò lịch sử, đứng đầu chính là Thượng Hải, cùng tề danh với Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thiên Tân. Lịch sử thành phố này đã trải qua rất nhiều biến động kinh thiên, kể từ khi khai lập là làng chài nhỏ bên sông Hoàng Phố vươn đến tầm vóc siêu đô thị sầm uất hiện đại hôm nay, xứng danh thủ đô kinh tế của Trung Quốc. Với vị trí chiến lược nằm ở cửa sông Dương Tử (Trường Giang), Thượng Hải đã sớm bị “để ý” và sau Hòa ước Nam Kinh năm 1842 chấm dứt Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất, nơi đây nằm dưới sự cai quản của các nước phương Tây. Các khu tô giới lần lượt được lập ra, nơi mà người phương Tây có đặc quyền cư trú và kinh doanh như ở chính quốc. Đến những năm cuối của thế kỷ 19, sau chiến tranh Thanh – Nhật, người Nhật bắt đầu xuất hiện ở Thượng Hải và cũng là giai đoạn thành phố này đóng vai trò trung tâm tài chính quan trọng nhất vùng Viễn Đông. Sau năm 1949, Thượng Hải mới chính thức thuộc về Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và chấm dứt các giai đoạn bị chiếm đóng. Bởi sự kết hợp Á – Âu như thế, văn hóa giao thoa Đông – Tây và cả di sản tôn giáo phức tạp ở Thượng Hải đã trở thành điểm nhấn đáng nhớ nhất của thành phố này!

Tàu du lịch trên sông Hoàng Phố

Người Thượng Hải rất tự hào với sự pha trộn giữa hiện đại và cổ kính mà họ bền công gìn giữ qua bao thế hệ. Đặt chân tới Thượng Hải, bên cạnh những tòa nhà mới mẻ tầm vóc lại xuất hiện những dãy phố cổ lúc thì rợp lá ngô đồng đỏ, khi thì lung linh sắc vàng ngân hạnh, mùa lại trắng trời mưa tuyết bay. Quen thuộc với khán giả truyền hình đầu thập niên 80 chắc không ai không nhớ khúc ca “Bến Thượng Hải” của bộ phim truyền hình cùng tên do TVB phát hành. Bối cảnh phim chính là lấy cảm hứng từ những tô giới cũ của thành phố, mà khi đến đây người ta sẽ thấy thân quen xao xuyến và yêu mến nét quyến rũ nhuốm màu lịch sử. Các khu nhượng địa phía tây sông Hoàng Phố trước kia là biểu tượng của Âu hóa xa hoa, đối lập với khu phía đông người bản xứ có cuộc sống vất vả. Ngày nay lịch sử đã đổi chiều! Trong lúc phố Tây còn giữ được nét duyên dáng của đô thị cổ xen màu hoài niệm những ngày tháng cũ, thì phố Đông bật lên thành đặc khu kinh tế từ những năm 1990 với sức sống hiện đại kiểu mẫu cùng kiến trúc đồ sộ của hàng loạt cao ốc chọc trời hoành tráng, sầm uất ngày cũng như đêm! Dọc theo bờ đông từ bến The Bund du ngoạn theo dòng Hoàng Phố giờ đây có thể nhìn thấy những công trình tân kỳ nổi danh như tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu, tháp Kim Mậu, trung tâm Tài chính Quốc tế, trung tâm Hội nghị Quốc tế Thượng Hải … Đặc biệt về đêm, phố Đông rực sáng, kiến tạo nên diện mạo biểu trưng rõ nét nhất cho thành tựu kinh tế và văn hóa khi Thượng Hải chuyển mình trong thế kỷ 21.

Thuyền gỗ là phương tiện giao thông trên các con kênh cổ

Kiến trúc bờ Tây sông từng được ví von rằng không có nơi nào hội tụ được nhiều phong cách như thế. Chỉ trong vỏn vẹn 1,5km  có tới 52 tòa nhà phục hưng cổ điển dáng dấp phong phú, đại diện cho 3 giai đoạn bước ngoặt trong lịch sử phát triển của Thượng Hải. Giai đoạn đầu trước năm 1870, các tô giới người Anh chiếm phần lớn ở Thượng Hải, họ xây nhà đơn giản với mặt tiền lui vào trong để nhường nhiều không gian cho vườn cây bãi cỏ. Tới giai đoạn đầu thế kỷ 20, sau chiến tranh Nha phiến lần hai, quá trình thương mại hóa nhanh chóng của Thượng Hải dẫn đến mật độ xây dựng tăng cao và chịu nhiều ảnh hưởng của phong cách Gothic cùng Tân cổ điển. Giai đoạn cuối cùng là những năm sau Thế chiến thứ 2, khi Thượng Hải đã thu hồi các tô giới, việc xây dựng được đầu tư bài bản chuyên nghiệp hơn theo phong cách Art Deco với điểm nhấn về mặt tiền cao lớn, thẳng đứng và phân chia tầng lớp phô trương hoành tráng. Bởi thế, dù sau này trung tâm tài chính của Thượng Hải đã được chuyển sang phố Đông đối diện, nhưng con đường Trung Sơn uốn mình theo bờ tây Hoàng Phố vẫn giữ niềm tự hào của “hội chợ kiến trúc vạn quốc” kiêu sa, không hổ danh nơi từng là “Phố Wall thế kỷ 19”.

Kiến trúc gỗ cổ điển

Cuộc sống sắc màu của Thượng Hải còn cuốn hút du khách ở những góc phố đi bộ khu vực Tân Thiên Địa (Xintiandi), nơi bảo tồn rất tốt các nhà đá liền kề xây kiểu cổ theo lối kiến trúc Thạch Khố Môn (Shikumen), tạo nên nét chấm phá Retro rất riêng. Và trái với sự tấp nập đô hội của nhà hàng, quán xá nơi Tân Thiên Địa lại là nét khoan thai tĩnh lặng của thủy trấn Chu Gia Giác nằm ở vùng ngoại ô không xa trung tâm Thượng Hải. Trấn có hình dáng như chiếc quạt gấp, từng là nơi hưng thịnh dưới thời nhà Minh – Thanh, tính tới nay đã hơn 1.700 năm tuổi và nổi danh với bố cục “tiu kiu, lưu thy, nhân gia”. Trong trấn có 36 chiếc cầu đá bắc qua sông rạch, với hơn 26 ngõ lớn nhỏ liên thông như bàn cờ, kết nối cuộc sống trên bến dưới thuyền, nhà cửa san sát với tường xám mái đen. Đây tựa bức tranh thủy mặc xưa cũ đặc trưng, tương phản với nhịp đô thị hiện đại cuồn cuộn cách đó chỉ 1 giờ đồng hồ chạy xe.

Thượng Hải là thế! Sự năng động phồn thịnh mang âm hưởng Âu hóa tân thời hòa quyện trong nét duyên dáng Á Đông truyền thống, phản ánh qua không gian sống và văn hóa bản địa đã khoác lên tấm áo cổ kim độc đáo cho thành phố kiêu hãnh bên sông Hoàng Phố.