Haipiano Nguyễn

Nhìn từ Vũng Tàu phóng tầm mắt qua vịnh Gành Rái, đảo Long Sơn mà người dân quen gọi là núi Nứa, mang hình hài một con rồng nổi bật giữa màu xanh ngút ngàn của thảm rừng ngập mặn nhiệt đới. Lại thêm 2 con sông Rạng và sông Chà Và với dòng chảy như dải lụa mềm mại lượn quanh hòn đảo. Tựa vào núi Nứa ở phía Đông thấp thoáng những nếp mái ngói đỏ cổ kính chính là quần thể Nhà Lớn trong không gian sơn thủy hữu tình, nơi thờ cúng và sinh hoạt cộng đồng của người dân theo tín ngưỡng ông Trần.

Giữa Lầu Trời, Lầu Tiên và Lầu Phật là khoảng sân lộ thiên rộng

Nhà Lớn là quần thể kiến trúc gồm nhiều nhà cổ cao thấp đan xen làm từ gỗ lợp ngói mang phong cách đình chùa Việt Nam xưa, xây dựng kéo dài từ năm 1910 đến năm 1929 và không theo quy tắc bố cục kiến trúc nào. Khu vực đền thờ có diện tích 7800m2 bao gồm Lầu Phật (Chính điện), Lầu Cấm, Nhà Thánh, Lầu Trời, Lầu Tiên, nhà Hậu và Lầu Dài. Ngoài ra còn một số nhà phụ như: kho đựng lúa, kho đựng đồ, nhà bếp, nhà ở của bá tánh và dòng tộc… khu đền thờ ngăn cách với khu ngoài bằng bức tường hoa, trên có gắn những tượng: Phượng hoàng, nghê bằng gốm men xanh. Trong đó Lầu Trời, Lầu Tiên và Lầu Phật, hợp với nhà Hậu thành hình chữ “khẩu” (口). Trong khoảng sân lộ thiên dùng để thông gió và lấy ánh sáng) có hồ nước ngầm, một bể nước nổi có đặt hòn non bộ.

Một bậc kỳ lão trong trang phục Nam Bộ cổ truyền

Cách bài trí trong Nhà Lớn trang nghiêm với nhiều hoành phi, hương án bài vị, bàn thờ, tủ cẩn, câu đối… là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc có nguồn gốc từ nhiều nơi trên đất nước ta, thể hiện rõ nét truyền thống trang trí  thủ công của dân tộc bằng tứ linh, tứ quý, hoa lạ cỏ thiêng, hoa sen…. Nghệ thuật điêu khắc trên các đồ vật bộc lộ tâm thức của người dân như hoa mai tượng trưng cho tiểu vũ trụ, hoa địa lan linh thiêng, hoa sen thanh cao, trong sạch, hoa lựu cho hạnh phúc…

Bậc kỳ lão đánh trống trong lễ Tiền Hiền diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm

Điểm đặc sắc nhất ở Nhà Lớn là cả cộng đồng chung tay lưu giữ và duy trì các lễ tục. Hệ thống Lễ tục tại đây vừa mang tính độc đáo riêng của Long Sơn, vừa đậm nét truyền thống văn hóa Nam bộ cổ xưa. Nơi đây, ngày Tết ta vẫn thấy lễ viết liễn, lễ dựng nêu, tục gói bánh tét và lễ hạ nêu… Mỗi năm Nhà Lớn có 2 lễ lớn thu hút hàng chục ngàn người dự là lễ Vía Ông (20/3 âm lịch ) và lễ Trùng Cửu (9/9 âm lịch) với nhiều nghi thức công phu như lễ viết liễn, kỉnh tiên thường (món mặn)  kỉnh chánh lễ (món chay). Những ngày này, bếp của  Nhà Lớn có hàng trăm người liên tục nấu ăn, làm bánh quy, bánh tét trong không khí rộn ràng đón khách thập phương.

Các bậc kỳ lão viết liễn trước các ngày lễ, Tết

Người dân ở khu vực Nhà Lớn có lối sống bình dị, hiếu khách và phong cách riêng biệt trong sinh hoạt. Chẳng hạn, đa số mặc trang phục cổ truyền của Nam Bộ là áo bà ba đen, đầu búi tóc và đi chân trần. Những bậc kỳ lão râu tóc bạc phơ với nụ cười hiền hòa trực phiên trong những nếp nhà trăm năm tạo cảm giác cho khách đến thăm như lạc vào xứ sở xa xưa. Nhà Lớn đón khách  thập phương ăn ở miễn phí hoàn toàn. Cô Lê Thị Kiềm, hậu duệ của ông Trần (Lê Văn Mưu) – người khai hoang ra Nhà Lớn –  nói rằng mọi người gọi cư dân Nhà Lớn là theo “đạo ông Trần” là do chưa tìm hiểu rõ. Chúng tôi không theo tín ngưỡng nào mà chỉ thờ cúng tổ tiên và lưu truyền lời dạy của ông Trần để giữ  truyền thống tốt đẹp về Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín ở đời. Lễ viết liễn 3 lần 1 năm cũng là cách truyền câu dạy con cháu cách đối nhân xử thế, giữ gìn điều nhẫn hòa… Ở giữa Nhà Lớn có dán câu liễn: “Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ, Nhơn sanh bá hạnh hiếu duy tiên”, tạm dịch là ” Trời đất có bốn mùa thì mùa xuân là mùa đầu tiên, con người có bốn đức hạnh thì chữ hiếu phải lấy làm đầu”!