TS. Phan Thanh Hải
Đó là sự trở về của những bảo vật vô giá khi Huế chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Một bộ sưu tập cổ vật đặc biệt đã được trưng bày trang trọng ngay trong điện Long An, tòa nhà chính của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Đây là những bảo vật của triều Nguyễn vốn đã được bàn giao cho chính quyền cách mạng và được mang đi khỏi Huế sau sự kiện lịch sử vua Bảo Đại thoái vị, chấm dứt chế độ quân chủ ngàn năm ở Việt Nam vào ngày 30/8/1945.
Ngày ấy, trước lễ thoái vị của vua Bảo Đại, triều đình đã bàn giao cho đại diện của chính quyền cách mạng hơn 2.500 hiện vật quý giá nhất, từ kim bảo, ngọc tỷ, kim sách đến các đồ tự khí, đồ ngự dụng… Đây là những hiện vật được chế tác vô cùng tinh xảo từ các vật liệu quý hiếm như vàng, bạc, ngọc, đồi mồi, chu sa, trân châu, ngà voi…. Vì vậy, ngoài giá trị về mặt vật chất, chúng còn là những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, là sản phẩm kết tinh từ tài năng, tâm huyết của đội ngũ những nghệ nhân xuất sắc nhất trong nước vốn được trưng tập làm việc tại các công xưởng của kinh đô Huế. Điều đáng nói nữa, đó đều là những hiện vật độc bản, từng gắn liền với đời sống chính trị và sinh hoạt của các hoàng đế, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa, thân vương, đại thần triều Nguyễn nên còn có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa.
Trải qua bao nhiêu biến động lịch sử, bộ sưu tập bảo vật hoàng cung đồ sộ và quý giá ấy vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Đó thực sự là một kỳ tích của dân tộc!
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác, nghiên cứu giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, một sưu tập đặc biệt gồm 64 cổ vật tinh túy và độc đáo đã được lựa chọn để đưa về trưng bày tại Huế và cùng với nó là ấn phẩm “Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn” được in rất đẹp và trang trọng để giới thiệu sưu tập trên.
Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn được trưng bày đợt này bao gồm một số kim bảo, ngọc tỷ, kim sách từng được triều Nguyễn xem là “trọng khí của quốc gia” như ấn Hoàng thái hậu bảo đúc bằng vàng ròng năm 1849 dành cho Thái hậu Từ Dũ, ấn Hoàng hậu chi bảo đúc năm 1934 dành cho hoàng hậu Nam Phương, ấn Hoàng thái tử bảo đúc năm 1939 dành cho Thái tử Bảo Long. Nhưng ngọc tỷ Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ được tạo tác từ ngọc xanh nguyên khối vào năm 1847 mới là bảo vật được triều Nguyễn cực kỳ coi trọng. Đây là bảo tỷ truyền quốc của triều đại này.
Trong sưu tập này còn có cuốn kim sách Đế hệ thi nổi tiếng do vua Minh Mạng cho làm năm 1823 gồm 13 tờ bằng vàng (khổ 23,2 x 13,7cm) ghi lại bài tựa nói về cách đặt tên và các bài đế hệ thi, phiên hệ thi do đích thân nhà vua soạn để chuẩn bị cho 20 đời tiếp nối sau ông.
Những thanh kiếm vàng chuôi ngọc khảm san hô, đồi mồi, những chiếc mũ bình thiên, mũ thượng triều của hoàng đế, những lệnh bài, hốt bằng vàng, bằng ngọc được chế tác vô cùng tinh tế đều biểu tượng cho quyền lực tối thượng của người đứng đầu thiên hạ.
Trong bộ sưu tập này còn có các đồ tự khí (đồ thờ cúng) như đỉnh thờ bằng vàng, bạc, đài thờ làm từ vàng, ngọc, san hô, mâm bồng, khay, chén bằng vàng, bạc…; đồ văn phòng tứ bảo như bút nghiên, ống bút, gác bút bằng ngọc, ống bút bằng bạc, bằng ngọc; đồ ngự dụng (dùng cho sinh hoạt thường ngày) như lồng ấp, bộ đồ ăn trầu, ống nhổ bằng vàng, các loại bình, lọ, hộp đựng, chậu bằng ngọc, bát chén, đũa, thìa bằng ngọc nạm vàng, khay chén, bình uống rượu bằng vàng, bằng ngọc… Tất cả đều là những món đồ thượng phẩm chỉ dùng trong cung.
64 bảo vật vô giá ấy tỏa sáng lung linh rạng ngời trong 5 chiếc tủ kính đặc biệt được trưng bày giữa lòng cung điện đẹp nhất của Việt Nam. Như vậy là sau hơn 70 năm, các bảo vật hoàng cung triều Nguyễn mới có dịp trở về và tỏa sáng tại chính nơi mà chúng đã được hun đúc tạo thành.
Đây là dịp để công chúng và du khách thập phương được tận mắt chiêm ngưỡng những báu vật tưởng như chỉ còn trong các huyền thoại.
Trong các bài thơ ngự chế được chạm khắc trên kiến trúc cung đình thời Nguyễn – di sản ký ức thế giới mới được UNESCO công nhận, có một câu thơ xuân thật hay:
Hà xứ xuân sinh tảo
Xuân sinh Thuận Hóa đô
(Nơi nào xuân đến sớm
Xuân đến giữa Huế đô)
Sự “trở về” của các bảo vật hoàng cung trước thềm xuân mới dường như chính là điềm báo hiệu một mùa xuân rực rỡ sẽ sớm về với đất cố đô.