Bài: Phan Thanh Hải
Ảnh: Nông Thanh Toàn
Mùa xuân ở Huế bao giờ cũng đến sớm hơn và đậm đặc sắc màu truyền thống.
Ngày mùng 7, trong Hoàng cung tổ chức lễ Hạ nêu trong không khí rộn ràng với sự tham gia của hàng trăm người
Dường như khác với hầu hết các vùng miền khác trong cả nước, mùa xuân ở Huế bao giờ cũng đến sớm hơn và đậm đặc sắc màu truyền thống bởi các lễ nghi và hội hè.
Khoảng từ ngày 20 tháng 12 âm lịch trở đi, chợ hoa xuân của Huế bắt đầu họp. Các loại hoa Tết từ khắp nơi được đưa về các chợ hoa ở công viên Phu Văn Lâu, công viên Thương Bạc và dọc tuyến đường Lê Quý Đôn bên bờ nam sông Hương. Ngày xưa, chợ hoa Tết phần nhiều là các loại hoa mai, cúc và các loài hoa kiểng địa phương, nay thì có thêm nhiều thứ hoa xuân mới, nhất là các loại phong lan, địa lan được đưa về từ Đà Lạt; đào thắm, đào phai từ đất Bắc. Cố đô trở nên rộn ràng và đa sắc màu. Xuân như đang đến từng ngày. Rồi trong không gian đầy sắc xuân đó, lễ Dựng nêu được cử hành trong Hoàng cung vào ngày 23 tháng Chạp, chính thức báo hiệu bắt đầu kỳ nghỉ Tết, đón xuân. Tục dựng nêu đón Tết mới được phục hồi khoảng chục năm trở lại đây nhưng nay đã lan rộng ra nhiều địa phương. Đó là tín hiệu tốt bởi một nghi lễ đẹp đầy bản sắc đang được hồi sinh.
Hoàng cung Huế và tất cả các điểm di tích của cố đô đều mở cửa miễn phí trong 3 ngày đầu tiên của năm mới để đón du khách. Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức để phục vụ người dân địa phương và du khách: Múa Lân Sư Rồng trước cổng Ngọ Môn, trình diễn Đại nhạc ở sân điện Thái Hòa, Tiểu nhạc ở sân Thế Tổ Miếu, các trò chơi cung đình như thả thơ, đố chữ, chơi đầu hồ ở trường lang Tử Cấm Thành, các hoạt cảnh Đám cưới công chúa, Hoàng thái hậu hồi cung ở cung Diên Thọ, cung Trường Sanh… Những ngày ấy các khu di tích bao giờ cũng thu hút đông đảo người viếng thăm, cảnh “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” rất thường gặp.
Đầu năm mới cũng là dịp người Huế đi viếng mộ người thân và lên chùa viếng Phật. Những ngôi chùa lớn, nhỏ khi ấy cũng rất đông người nhưng không hề ồn ào mà vẫn giữ được sự yên ắng thanh tao bởi ai cũng đi nhẹ nói khẽ. Người lên chùa phần lớn là Phật tử, họ đi tìm sự bình an trong tâm hồn chứ không cầu lộc cầu tài. Đó cũng là một nét khác biệt của vùng đất Thiền kinh.
Từ ngày mùng 5 Tết, sau khi thăm viếng bạn bè người thân, người Huế mới thực sự du xuân. Tục du xuân hẳn đã có từ xa xưa nhưng theo ghi chép chính thức thì từ thời vua Đồng Khánh, triều đình mới định ra lệ này. Nhưng thay vì du xuân vào ngày mùng 5 Tết, vua Đồng Khánh lại xuất hành từ ngày mùng 1, ngay sau lễ Khánh hạ đầu năm (lễ gặp mặt nghe bách quan chúc tụng đầu xuân mới) ở điện Thái Hòa. Ngày xưa vua du xuân là để ngắm phố phường và cuộc sống của dân chúng vùng kinh thành, có ngựa xe cờ quạt, tiền hô hậu ủng, thường thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Ngày nay, Huế có rất nhiều nơi để người dân và du khách đi du xuân ngoạn cảnh, ngoài kinh thành, lăng tẩm, chùa chiền còn có các danh lam thắng cảnh mới như Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, vùng đầm phá Tam Giang, làng cổ Phước Tích…
Ngày mùng 7, trong Hoàng cung tổ chức lễ Hạ nêu trong không khí rộn ràng với sự tham gia của hàng trăm người. Theo lệ xưa, kỳ nghỉ lễ đến đây là chấm dứt, triều đình bỏ phong ấn để trở lại làm việc bình thường. Nhưng đối với dân gian, các lễ hội xuân từ đây mới bắt đầu. Đó là lễ hội đền Huyền Trân Công chúa được tổ chức ở núi Ngũ Phong; tiếp theo sau là lễ hội Vật làng Sình ở làng Lại Ân và lễ hội Cầu ngư ở làng Thai Dương Hạ cạnh cửa biển Thuận An. Lễ hội này có lịch sử hơn 500 năm, là một trong những lễ hội Cầu ngư lớn nhất, nổi tiếng nhất của khu vực miền Trung Việt Nam.