Bài: Chi Hoa
Ảnh: Văn Thành Chương

Những ngày mùa xuân, khi những tia nắng ấm trải dài cả vùng núi rừng Điện Biên thì cũng là lúc sắc hoa ban nở rộ trắng xóa giữa các sườn núi, soi mình xuống dòng sông Nậm Na, Nậm Rốn; len lỏi giữa các con phố, bản làng và thoáng ẩn hiện trên những cung đường đèo Pha Đin hùng vĩ – một trong tứ đại đỉnh đèo của đất Việt mà những người trẻ ưa dịch chuyển hằng mơ ước chinh phục. 

Nhắc tới Điện Biên, vẫn còn đó một mảnh đất mang dấu tích của chiến trường xưa và những câu chuyện lịch sử đầy oai hùng của dân tộc, đang khoác lên mình tấm áo thiên nhiên khoe sắc lãng mạn và dịu dàng ở một vùng trời Tây Bắc. Sau một mùa đông ủ mình trong cái sương lạnh của miền cao, những cánh hoa ban mỏng manh nhưng tràn trề nhựa sống cùng nhau quẫy mình cùng những cơn mưa mùa xuân. Những chùm ban trắng phối với sắc tím hồng phớt kết hợp với từng đôi lá xanh lác đác trên cành cây khẳng khiu, tựa như những đàn bướm trắng, bồng bềnh giữa rừng núi, đại ngàn.

Trong tâm thức của đồng bào các dân tộc sống tại Điện Biên, đặc biệt là người Thái, hoa ban là loài hoa đặc biệt, biểu tượng cho những khát khao hạnh phúc, vẻ đẹp tinh khiết thủy chung, đạo hiếu thảo và bản lĩnh kiên cường của họ. Bởi vậy, loài hoa này gắn bó mật thiết với đời sống, phong tục, tập quán và đi vào những câu ca dao, tiếng hát của đồng bào Thái.

Hoa ban tựa như cô gái Thái, mộc mạc và hoang dã như chính cái mảnh đất vùng biên giới xa xôi nhưng không kém phần rực rỡ và yêu kiều, một vẻ đẹp tự nhiên khiến ai đi qua cũng có thể đem lòng cảm mến. Chẳng vậy mà ngay trong dân ca Thái đã miêu tả mùa hoa ban nở gắn với hình ảnh của cô gái:

Nghĩ đến em đi đường sông chỉ thấy đá vồng,
Chỉ thấy hoa đào, hoa ban, hoa vông rụng đầy dòng trôi”.
(Nhớ em như nhớ bữa sáng, Dân ca Thái)

Xưa kia có sự tích kể rằng, ở vùng Tây Bắc có một cô gái xinh đẹp tên là Ban, có giọng hát mê đắm lòng người và được nhiều chàng trai theo đuổi. Dù vậy nàng lại trao trái tim cho chàng Khum có biệt tài săn bắn và làm nương. Cha của Ban chê chàng nghèo, nên quyết gả nàng cho con trai của tạo mường, một người gù và lười biếng. Khi hai gia đình bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban vội tìm người yêu cầu cứu, nhưng không may chàng Khum lại đang ở xa. Vì tuyệt vọng, nàng Ban buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng. Cuối cùng nàng kiệt sức rồi gục xuống núi chết. Ở nơi đó, sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt, người dân đặt tên là hoa ban. Còn chàng Khum khi trở về thấy nàng bỏ đi, bèn vội đi tìm. Rồi chàng cũng kiệt sức mà chết, hóa thành một con chim lẻ loi. Kể từ ấy cứ độ vào xuân, khi hoa ban nở trắng rừng, thanh niên, đôi lứa lại rủ nhau mở hội du xuân, đàn ca, nhảy múa, lặn lội hái hoa ban trên rừng đem về tặng nhau, bày tỏ tình yêu như hướng về câu chuyện tình trong sáng, chung thủy và đầy nghị lực của nàng Ban – chàng Khum thuở ấy. 

Mùa xuân còn mùa của lễ hội, vì thế hoa ban ắt hẳn là thứ không thể thiếu trong những lễ hội của người dân nơi đây. Trong “Hội xòe xuân”, mọi người thường nắm tay nhau xòe vòng quanh gốc ban rừng, nhảy múa trong tiếng trống xòe rộn ràng và hơi men của rượu cần, khiến tâm hồn con người bay bổng hòa cùng thiên nhiên. Còn trong những mâm cúng giỗ tổ tiên đầu năm (lễ xên bản, xên mường), người Thái ở Điện Biên thường đặt trên mâm cành hoa ban đẹp nhất dâng cúng tỏ lòng thành kính với thần linh, tổ tiên. 

Có thể nói hoa ban đã trở thành biểu tượng của đời sống tâm hồn người Điện Biên, bởi không nơi nào hoa ban lại tỏa sắc và trải rộng khắp chốn đến như vậy. Tìm về nơi đây mỗi mùa hoa ban nở là tìm tới chốn yên bình, tìm về với cảm xúc trước thiên nhiên mỗi mùa xuân tới.