Bài: Hương Quỳnh
Ảnh: Minh Quân
Food Stylist: Thu Hằng Nguyễn Vũ
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”
Vùng đất núi Hồng, sông Lam vốn níu chân du khách bởi cảnh sắc tươi đẹp như tranh cùng nét văn hoá hồn hậu của những cư dân bản địa chịu thương chịu khó. Ẩm thực xứ Nghệ là một phần độc đáo của văn hoá nơi đây khi mà các món ăn đều được chế biến theo cách thức dân dã mà đậm vị khó quên. Hãy cùng Tạp chí Heritage tìm hiểu những món ngon nhất định nên thưởng thức ở tỉnh Nghệ An.
Những món ăn từ lươn đồng
Các món ăn được chế biến từ nguyên liệu là lươn đồng Nghệ An đã trở thành cảm hứng cho nhiều nghệ nhân ẩm thực, master chef… Chẳng thế mà trong khuôn khổ Festival Văn hoá ẩm thực du lịch Nghệ An năm 2019, đã có tới 50 món được các đầu bếp tài ba ấy chế biến từ lươn. Vậy nhưng, món nổi tiếng nhất với du khách cũng như người dân Nghệ An chính là cháo lươn. Bát cháo sánh từ gạo, nổi vị thơm ngon từ lươn được chế biến theo cách thức riêng cùng gia vị bản địa khiến thực khách ấn tượng hơn cả. Hỏi ra mới biết bí quyết của đầu bếp Nghệ An là từ cách chọn lươn và sơ chế, tẩm ướp.
Những con lươn đồng vàng ươm, không quá to được làm sạch, luộc rồi vớt ra để nguội, tuốt phần thịt khéo léo để giữ được độ dài. Phần đầu, xương lươn ninh lại trong nước luộc để nấu cháo từ hạt gạo nguyên. Phần thịt lươn được ướp cùng nghệ, nước mắm, hạt tiêu, ớt… thêm chút bột điều để có màu vàng đỏ đẹp mắt, đặc biệt không thể thiếu những củ hành tăm bé xinh được đập dập. Nếu đúng vị của người bản địa, món lươn này sẽ được dùng nhiều ớt nhưng hiện nay, cách ướp đã điều chỉnh để độ cay phù hợp với phần đông thực khách, trong đó có khách du lịch.
Thịt lươn sau khi ướp kĩ càng sẽ được xào trên chảo dầu nóng đã phi hành tăm, thành phẩm sẽ là những miếng lươn vẫn giữ được độ dài mà săn, đậm đà gia vị. Cháo được múc ra bát, rải thịt lươn cùng hành, rau dăm và thêm chút hạt tiêu, ớt bột là sẽ cuốn hút thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Cũng vẫn cách chế biến lươn như vậy, người Nghệ An có thể thưởng thức cùng nước dùng thanh thoát chan vào bát lươn xào gọi là súp lươn, dùng kèm bánh mướt hoặc bánh mì.
Bánh mướt ngon mượt
Nếu ở miền Bắc có món bánh cuốn, miền Nam có món bánh ướt thì một số tỉnh miền Trung trong đó có Nghệ An có món bánh mướt được tráng từ bột gạo ra thành phẩm gần giống như thế nhưng hương vị vẫn có những nét riêng biệt. Có lẽ bí quyết cho món bánh mướt Nghệ An là ở khâu chọn gạo tẻ, ngâm khoảng 3h rồi xay mịn, sau đó ngâm hỗ hợp bột, nước ấy thêm từ 3 đến 6h. Dưới nồi nước sôi sùng sục, lớp vải mịn tráng bánh trên nồi được đặt chắc chắn để người tráng nhanh tay múc từng muôi bột và trải mỏng rồi đậy vung lại, canh cho bánh chín rất nhanh. Bánh được tráng mỏng hay dày phụ thuộc chủ yếu vào tay nghề người tráng. Lớp bánh chín được cuộn vào, bày ra đĩa, rắc thêm chút hành phi giòn rụm, vàng ươm. Để cảm được hương vị mộc mạc của bánh mướt, thực khách chỉ cần chấm món bánh này với nước mắm nguyên chất vùng Cửa Lò được vắt thêm vài giọt chanh cùng mấy lát ớt cay nồng. Với những ai thích đổi vị, có thể ăn bánh mướt cuộn cùng giò, ram hay súp lươn, xáo gà…
Cháo canh hay bánh canh?
Trên khắp dải miền Trung, hầu như tỉnh nào cũng có món bánh canh độc đáo làm từ nhiều loại bột: bột gạo, bột mì hay bột năng… Người Nghệ An chuộng bột mì, thứ bột được nhào nước, cán sợi, phủ bột áo cho khỏi dính sợi, nấu trong nước dùng xương lợn ninh kỹ sẽ cho ra thành phẩm là nước dùng sánh mịn, những sợi bột chín dẻo dai ngấm nước xương ngọt ngon. Có lẽ vì thế mà người Nghệ gọi món này là “cháo canh”. Những “topping” ăn cùng rất đa dạng, có thể là thịt hầm từ xương gỡ ra, giò cắt nhỏ, tôm hấp, trứng cút… Thêm hành ngò tươi xanh, ớt bột chưng đỏ thẫm cùng hành phi vàng ruộm là bát cháo canh có đủ màu hấp dẫn thực khách.