Bài: Huỳnh Phương
Ảnh: Nguyễn Tấn Tuấn

Quảng Ngãi có đường bờ biển dài hơn 130km nên nghề biển nơi đây phát triển, trong đó nghề khai thác rong mơ ở thôn Châu Thuận Biển thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, cách thành phố Quảng Ngãi gần 30km về hướng đông bắc được nhiều người địa phương biết đến.

Xung quanh hòn Nhàn có những bãi rong mơ rất dày

Châu Thuận Biển có bờ biển thoai thoải dài khoảng 10km, là điểm đến lý tưởng mùa hè, nổi tiếng với “làng chài cổ vật” có một không hai ở miền Trung khi lưu dấu tích “nghĩa địa tàu cổ” từ nhiều thế kỷ trước. Nhịp sống làng nghề ở đây có gì đặc biệt?

Rong mơ – sản vật thiên nhiên

Hiện có hàng trăm tàu thuyền xã biển Bình Châu ra khơi, đánh bắt xa bờ mang về các loại hải sản tươi rói trong ánh bình minh, tập kết ở thôn Châu Thuận Biển tạo nên nếp sinh hoạt chợ biển truyền thống, đầy sắc màu. Ngoài ra, gần bờ Châu Thuận Biển có hệ sinh thái dưới nước phong phú với nhiều loài cá, mực sinh sống, đặc biệt rong mơ phát triển mạnh từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm nên ngư dân phấn khởi vì được thiên nhiên ban “lộc biển”. Cây rong mơ có màu vàng nâu, thường sống bám vào các rạn san hô, tảng đá ngầm dưới biển ở độ sâu 3m đến 6m. Khi cây rong sinh trưởng dài và già nổi lên mặt nước tạo thành bãi lớn là thời điểm lý tưởng để thu hoạch. Rong mơ vừa là món ăn bổ dưỡng của người dân miền biển vừa là dược liệu quý nên có giá trị kinh tế, tạo thêm thu nhập cho người dân Châu Thuận Biển. Ngư dân khai thác quy mô lớn thì sử dụng tàu, thuyền cùng máy nén khí ôxy để lặn, còn khai thác nhỏ thì dùng thuyền thúng và “bè nổi tự chế” di chuyển ra vùng biển ven bờ là có thể vớt hoặc lặn cắt rong.

Người địa phương vớt rong lên bè phao

Thu hoạch rong mơ gần Hòn Nhàn

Cuối mũi địa chất Bình Châu, xã Bình Châu, có gành biển lớn mà dân bản xứ gọi là Gành Cả, nằm hai bên tả, hữu là hòn Nhàn và hòn Ao, xung quanh khu vực này rong mơ phát triển rất dày. Vốn là đảo đá trầm tích được hình thành từ hoạt động phun trào núi lửa xưa kia,Hòn Nhàn có hình dạng trái tim. Nhìn từ trên cao có thể thấy các bãi rong bám trên từng lớp đá ong đen óng ánh. Còn nếu quan sát phía dưới làn nước, có thể chiêm ngưỡng được từng chùm rong mơ đung đưa, các đàn cá, tôm bơi lượn. Đứng trên Hòn Nhàn, có thể thỏa thích ngắm nhìn biển cả bao la, hải đăng Ba Làng An hay đảo Lý Sơn phía xa xa…

Thuyền thúng là phương tiện di chuyển ra các bãi rong mơ

Anh Đăng Đào, ngụ thôn Châu Thuận Biển, có 10 năm kinh nghiệm trong nghề, thường chèo thuyền thúng đi vớt rong gần Hòn Nhàn, cách bờ khoảng 600m. Anh Đào kể cứ đến mùa thu hoạch, mỗi sáng khi mặt trời ló rạng, các ngư dân cùng gia đình lênh đênh ra bãi rong. Nam giới tay khỏe thường đảm nhận việc chèo thuyền thúng hoặc bơi lặn dùng liềm để cắt rong. Trong quá trình cắt, họ phải dùng lưới vây xung quanh khoảng 50 – 100m2 để rong không bị dòng nước cuốn trôi. Rong mơ cắt xong thả nổi lên trên mặt nước, người trên thúng dùng cây sào bằng tre nối với móc sắt lần lượt vớt rong lên. Khi rong đầy thúng cũng là lúc trời gần trưa nắng, người dân kéo thành phẩm vào trong bờ để phơi khô rồi bán cho thương lái.

Khai thác rong mơ bền vững

“Châu Thuận Biển, Hòn Nhàn là nơi bám biển, nuôi lớn người dân vùng biển này. Nghề khai thác rong mơ vất vả, chúng tôi phải hái nhanh nếu không rong sẽ già, rụng, khó hái và thường phải đội nắng phơi rong khô”, anh Đào chia sẻ. Mỗi chuyến thu hoạch rong tươi phơi được khoảng 100-150kg rong khô, thương lái thu mua 7.500 đồng/kg (giá tháng 6/2022), kiếm được trên dưới 1.000.000đồng/ngày.

Ngư dân khai thác quy mô lớn thì sử dụng tàu, thuyền cùng máy nén khí ôxy để lặn, còn khai thác nhỏ thì dùng thuyền thúng và “bè nổi tự chế” di chuyển ra vùng biển ven bờ là có thể vớt hoặc lặn cắt rong.

Chính quyền địa phương thường tuyên truyền khai thác rong phải đúng mùa, từ tháng 6 và kéo dài đến khoảng tháng 8 là ngưng, lưu ý cắt rong chừa phần gốc ít nhất 10cm để làm môi trường sống cho các loài hải sản trú ngụ, sinh trưởng; đảm bảo tiêu chí “vừa khai thác vừa bảo tồn” để cây rong tiếp tục phát triển, thuận lợi cho ngư dân kiếm thêm thu nhập mùa sau, khai thác lâu dài và bền vững.

“Hậu trường” cây rong mơ

Thời điểm thu hoạch rong cũng là lúc các tay máy săn ảnh ba miền tìm về Châu Thuận Biển để sáng tác, ghi lại các góc ảnh đẹp về rong mơ và tìm hiểu nghề vớt rong. Qua góc nhìn từ trên cao, khung cảnh lưới vây màu xanh nổi bật trên nền rong mơ màu vàng nâu, điểm xuyết vũ điệu chèo thuyền thúng nhịp nhàng, thuần thục của những thanh niên có làn da đen bóng. Trên những chiếc thuyền thúng nhỏ giữa biển trời mênh mông, người dân chòng chành để thu hái “lộc biển” thiên nhiên ban tặng. Nhịp sống mưu sinh của họ dù cực nhọc nhưng không bao giờ buồn chán! Bức tranh lao động giữa biển khơi nắng gió thật đẹp và sinh động!