Phạm Thùy Dung

Líu đẹp chính là thể hiện cốt cách của chim với thần thái thong dong tự tại, linh động điệu nghệ: xòe đuôi nhịp nhàng, máy cánh duyên dáng, đầu xù hay đầu quặp thật ngẫu hứng những lúc giọng líu say sưa.

Trên vòm cây xanh thẫm trầm mặc, bỗng có giọng chim nào ríu ran vọng xuống. Bắt được thứ âmthanh hiếm hoi trong một sớm hanh hao, tôi cứ ngước mãi lên tìm, mong được nghe tiếng thiên nhiên ấy lần nữa. Đáp lại, chỉ có phố phường ồn ã còi xe.

Đôi khi tôi tự hỏi, tiếng hót của chim tự do khác với chim trong lồng nhiều không? Hẳn là khác nhau nhiều lắm! Một đôi cánh được thỏa sức bay giữa gió lộng, tự chủ cuộc đời mình, tận hưởng và hứng chịu cả những đẹp đẽ lẫn khắc nghiệt của thiên nhiên, sẽ có một giọng hót phóng khoáng hơn chăng? Có chủ quan không khi áp đặt giọng chim bị nén trong lồng sẽ có sắc màu tù túng? Và tôi đi tìm bằng chứng để giải đáp cho những phân vân của chính mình.

Nhìn giọt cà phê thong thả nhỏ xuống giữa không gian chiu chít tiếng chim bên hồ Thiền Quang bàng bạc sương lạnh, tôi hiểu vì sao người ta có thể bỏ ra hàng giờ để “giao tiếp” với những con chim nhỏ. Những con chim có đôi chân mảnh mai như nhánh cỏ gầy, ngày mới sang lại cất tiếng, không ra điều kiện, chẳng đợi tri ân. Người có quãng thời gian dài gắn bó với chim nói rằng, thứ âm nhạc của chim, càng nghe càng nghiện, một ngày xa thôi đã nhớ lắm. Nên tôi nghĩ từ “chơi chim” vẫn chưa đủ sức diễn tả sự sâu sắc của mối quan hệ giữa người yêu chim và những chú chim của mình. Chơi chỉ có giới hạn, còn yêu thực sự thì sẽ không vì mệt mà bỏ mặc, nản mà vứt đấy. Người thì có thể ốm, chim mà ốm thì ăn sao ngon ngủ sao yên. Người say chim chỉ an tâm lên giường khi đã tự tay cất chuồng, đóng áo cho chim đi ngủ.

Có câu “Chơi chim rèn trí”, nhưng hẳn cái chủ đích chơi để rèn thường sau mới ngẫm ra, chứ mấy ai vì muốn rèn trí mà phải tìm chim. Tôi có anh bạn thân, một hôm bác của  anh ấy đi công tác xa nhờ trông chim hộ. thì trông thôi, cứ theo đúng giờ mà làm những việc đã được dặn dò trên giấy. Vậy mà chỉ chưa đầy một tuần, từ việc “làm cho xong” đã chuyển sang “làm vì thích”. Chỉ tại cái mỏ chim! Cái mỏ chim, trong một buổi sáng đầu tuần, gõ lúc cúc xuống chiếc cóng đựng nước, đẹp như một giọt nắng. Anh bạn tôi cứ say sưa ngắm từng cử động lên xuống của giọt nắng ấy cho đến lúc nào thấy mình đã mê chim mất rồi. Sau này, khi nhà đã có đầy một sân chim, anh đúc kết tâm đắc, yêu chim là yêu chi tiết.

Bữa trước, vô tình qua chợ chim phố Hoàng Hoa Thám, tôi hứng lên đi dạo một vòng. Một ông anh cỡ 40 đang mê mải tìm chim, thấy tôi lơ ngơ bên cạnh, quay sang kể lể: “Chưa tìm được chú nào ưng cả. Xong đây không được chắc phải ghé Mơ hoặc lên Tăng Bạt Hổ xem sao. Cứ rình chợ phiên để lùng, kiếm được chim mình ưng, thú lắm!”. Tôi hỏi “Anh có hay mang chim đi tụ hội không?”. Hóa ra ông anh đã ngồi mòn cả ghế ở Hồ Đắc Di với hội chơi chim họa mi ở đó. Nhân cơ hội gặp người sành, tôi tranh thủ hỏi về cách chọn chim. Được chạm vào đúng vùng say mê, ông anh nói một tràng: Chọn chim dù mộc vẫn cần chú ý các đặc điểm nổi trội, tác phong chững chạc và lối nhảy lên xuống theo quy luật. Họa mi mắt sáng lông tơi cẳng chân to, vành khuyên mỏ mỏng hầu nở mắt lồi trán rộng lưng cong, chào mào ngực ưỡn mỏ khít mép rộng hầu to cánh sệ lưng gù,… Nếu gặp chim đột biến gien kiểu chào mào bạch tạng, chim khuyên vàng mơ chân một trắng một đen, hoặc chào mào trắng từ đầu đến yếm mắt có khoanh đỏ lòng chân vàng nghệ,… thì để đâu hết mừng. Nhà anh đã đủ hoàng khuyên, chích chòe đất, chích chòe lửa, chào mào đấu, họa mi gáy lợn… mà còn lên tận chợ chim họa mi Cán Cấu (Lào Cai) để lùng cho ra những con họa mi được linh cảm là có tố chất hót hồi lượn, đổ dồn và ngắt quãng.

Trời lặng gió, cơn lạnh bớt dày khi có chút nắng non rọi xuống phố phường. Anh bạn gọi điện rủ “đi lấy lồng chim cùng nhé?”. Hai anh em về đến làng Vác khi những cụm mây xám đã tản đâu hết, để lại cả một vầng trời cao trong. Vừa đi anh vừa kể, cũng đã từng đặt lồng bên Trung Quốc, dù đẹp và tinh xảo nhưng vẫn thích lồng người Việt mình làm hơn. Đến tận nơi lựa hoặc tự lên ý tưởng rồi chọn chất liệu, thậm chí còn được chứng kiến sự thành hình của chiếc lồng mình mong đợi, chả phải thích hơn sao. Chim tù túng trong lồng đã chịu nhiều thiệt thòi, phải cho chúng cái nhà gợi được cảm giác an toàn, dễ chịu. Còn những chi tiết chạm khắc chủ yếu phục vụ gu thẩm mỹ của chủ nhân. Gỗ hay được chọn làm lồng là gỗ thiên nhiên mazanita, madrona, bạch đàn… Sắt thì ít được chuộng hơn vì tính lạnh, ít thân thiện. Trong khi đó lồng làm từ tre già lâu năm luôn cuốn hút nhiều người bởi chất liệu dân dã thân thuộc. Đã lồng thì phải có cóng. Bộ cóng đầy đủ thường năm chiếc, được trau chuốt đến từng vết chạm một, là điểm nhấn sinh động cho lồng vốn chỉ đơn điệu những thân song.

Hóa ra treo lồng chim ở đâu, đặt hướng lồng thế nào cũng là cả một sự tính toán cẩn thận. Mặt sau của lồng phải tựa vào nơi yên tĩnh để chim thấy bình yên, không bị hốt hoảng lộn đầu, ngoái cổ. Mặt trước phải hướng ra thiên nhiên rộng rãi cho chim tiếp xúc với bên ngoài để thêm dày dạn và có hứng thú luyện giọng. Chưa kể các công đoạn chăm chim, dạy chim kỳ công, cẩn trọng đến mức nào. Con trai anh bạn tôi cũng theo bố mê chim, thường đọc vanh vách: “châu chấu non vành khuyên ăn, châu chấu già chào mào ăn”, “mùa đông nước ấm, tránh nơi gió lùa, xua sang lồng khác, rồi mới tắm chim”…

Thành quả khiến người chơi chim nức lòng nhất là khi chim của mình biết líu hay, líu đẹp. Những anh em chơi chim trong các câu lạc bộ như Hale, Tuổi trẻ, Khuyên Nguyễn Phong Sắc, Khuyên Trần Hữu Tước… đã đưa ra nhiều đúc kết về cái sự líu ấy. Líu hay thì tiếng hót phải mượt dài, lại phải biết đảo giọng, có sự biến hóa khôn lường trong tiếng hót. Líu vừa thể hiện kỹ năng tài tình vừa trưng ra cái tính nghệ sĩ trong mỗi chú chim. Tiếng líu khi thì giống một điệu jazz phiêu linh không định sẵn, lúc lại như một điệu chèo luyến láy với làn hơi dài vô tận khiến người nghe phải nín thở để thấm trọn cả quãng cao trào. Líu đẹp chính là thể hiện cốt cách của chim với thần thái thong dong tự tại, linh động điệu nghệ: xòe đuôi nhịp nhàng, máy cánh duyên dáng, đầu xù hay đầu quặp thật ngẫu hứng những lúc giọng líu say sưa. Mỗi lúc mang chim đi giãi, cho chim hòa bè, người yêu chim không khỏi xao động khi nghe giọng chim của mình quyện cùng giọng chim bè bạn. Hòa mà không lẫn, vẫn nghe thật sâu hơi hót của nó với những xung động thân thuộc nhẹ nhàng. Chim kia giọng vang như chuông, chim này giọng trầm như thổ, con lông tía kéo dài tiếng, con xám trắng nẩy nốt tròn… Mỗi con một phách, ngẫu hứng mà nhịp nhàng đến lạ lùng. Nếu muốn đảo chỗ lồng chim cho chim đua giọng cùng bạn mới, phải nhón nhén đợi chim nhả hết những giọt nhạc đang say, rồi mới nhấc thật khẽ lồng chim sang góc khác. thưởng chim cũng như thưởng trà thưởng nguyệt, không đủ tinh để cảm, không đủ say để tĩnh, sẽ không thể đạt được đến độ sâu sắc tận cùng.

Tôi đã tìm đã nghe và vẫn thấy, giọng chim nhà chim nuôi có khác giọng chim rừng chim bay la cà trong phố. Chim nuôi hót đều đặn và tiết chế hơn. Dù là nổi hứng cũng không còn đủ cái chất phóng túng tự tại như chim trời. Nhưng không quan trọng, bởi khi ta muốn nắm bắt cả những thứ rất ngẫu hứng như tiếng chim, thì chút phóng túng ấy ta không còn được nhận cũng là lẽ đúng. Có thể những chú chim trong lồng, sau một hồi buồn bã tiếc trời cao gió lộng, đã yên lòng với không gian mới, nơi giọng hót của mình có người đón đợi và say mê. Khi được nâng niu, chúng sẽ hót bằng cảm xúc ngọt ngào hơn dù cô đơn vô hình đôi khi còn le lói. Nghe tiếng chim líu ấm trong một ngày đông xám, vai tôi bỗng hôi hổi lên, như có một ai đó mới chạm vào.