Bài: Thu Hà
Ảnh : Nguyễn Phú Đức, Phan Hải Tùng Lâm
Vùng đất Kinh Bắc xưa vốn nổi tiếng với những làn điệu quan họ mượt mà sâu lắng. Nhưng ít ai biết rằng, nơi đây ngoài những cảnh sắc sơn thủy hữu tình, còn là chốn quy tụ của nhiều ngôi chùa đẹp bậc nhất cả nước. Nổi bật trong đó phải kể đến Chùa Bổ Đà – một trong ba ngôi chùa cổ lâu đời, mang nhiều giá trị văn hóa và lịch sử quý báu.
Tọa lạc tại ngọn núi Phượng Hoàng, phía bắc con sông Cầu thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, từ xa xưa Chùa Bổ Đà đã là trung tâm Phật giáo lớn nhất của dòng Thiền phái Lâm Tế tại Việt Nam. Chùa có tên gọi chính xác là Chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Sơn Tự, gọi tắt là Chùa Bổ, Chùa Quán Âm hoặc Tứ Ân Tự.
Theo những dấu vết vật chất và thư tịch còn lại cho biết, Chùa bắt đầu có từ thời nhà Lý. Tương truyền, một lão tiều phu hiền lành, tốt bụng cầu sinh con trai được Quán thế âm cho linh ứng, bèn lợp gianh làm chùa và tô một pho tượng Quan âm Tống Tử, ngày đêm thành tâm hương khói. Về sau nhiều người qua lại lễ bái, cầu nguyện việc gì cũng thành, cứ thế Chùa trở nên nổi tiếng khắp vùng gần xa.
Dưới triều vua Lê Dụ Tông, Chùa được xây dựng lại. Lúc đầu, Chùa Bổ Đà là nơi dành riêng cho các bậc vua chúa tu hành. Qua nhiều lần trùng tu, Chùa ngày càng mở mang và được nhiều người nhất tâm tin tưởng. Thời bấy giờ, có người theo đạo Phật, người theo đạo Nho, người lại theo đạo Lão, nhưng đã đến Chùa thì mọi người đều theo đạo Phật. Song với quan niệm trò nào cũng phải thờ thầy, nơi đây là một trong số ít chùa có thờ Tam giáo.
Trải qua dấu vết của thời gian, có thể nói Chùa Bổ Đà là một trong những nơi hiếm hoi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc Việt cổ. Chùa thiết kế theo nguyên tắc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Ngay từ những bước chân đầu tiên đến với Chùa, người ta đã thấy phảng phất nét gần gũi của vùng thôn quê đồng bằng Bắc bộ. Cổng vào Chùa có dáng dấp gác chuông theo kiến trúc thời Nguyễn, nền được lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau. Tường bao được làm bằng đất nện rất độc đáo, nhiều chi tiết chạm khắc ốp tiểu sành tinh vi. Khuôn viên Chùa Bổ Đà rộng lớn với diện tích 51.784m2, được chia làm ba khu rõ rệt: khu vườn, khu nội tự và khu vườn tháp. Khu vườn chủ yếu được trồng cây ăn trái và hoa màu phục vụ các vị tăng, ni. Khu nội tự là chùa chính Tứ Ân Tự được xây dựng vào thời Hậu Lê, thiết kế theo nguyên tắc“nội công ngoại quốc” – một nét đặc trưng của chùa Việt Nam với tám cửa ra vào tượng trưng cho bát quái, đường đi chữ Lục. Toàn bộ khu chùa hiện nay gồm 16 tòa nhà lớn nhỏ với tổng số gần 100 gian nối tiếp nhau. Kế bên chùa chính là khu vườn tháp ngàn năm tuổi được xây tường đất kè đá. Đến với nơi này, người ta cảm giác như lạc vào cõi hư vô với hàng trăm ngôi tháp mộ được xây dựng hàng hàng lớp lớp theo những quy định chặt chẽ của Thiền môn. Một khung cảnh mơ hồ, u tịch, có chút huyền ảo, linh thiêng – nơi đây là chốn lưu giữ xá lị, tro cốt nhục thân của 1.214 vị tăng, ni. Hiện nay, vườn tháp Chùa Bổ Đà được đánh giá là lớn và đẹp nhất Việt Nam.
Bên cạnh những giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ, Chùa Bổ Đà còn lưu giữ nhiều tài liệu cổ vật có giá trị văn hóa và lịch sử quý báu. Chùa hiện còn giữ gần như đầy đủ hệ thống tượng Phật bằng gỗ từ thời Lê và một kho tàng di sản Hán Nôm trên nhiều loại hình. Bộ ván kinh Phật tại Chùa là một trong những bộ kinh khắc gỗ cổ nhất Việt Nam với hơn 2.000 mộc bản, được khắc hoàn toàn trên gỗ thị trong 28 năm từ 1706 đến 1734. Hơn 300 năm trôi qua, những mộc bản này vẫn còn bền đẹp, vẹn nguyên và được đưa vào sách kỉ lục Việt Nam năm 2006.
Hội tụ đầy đủ tinh hoa của đất trời, nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, Chùa Bổ Đà mang một không gian linh thiêng song vẫn có nét dung dị, gần gũi như chính con người Bắc Giang. Năm 2016, Chùa Bổ Đà được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, thu hút khách thập phương về chiêm bái cảnh chùa và tìm hiểu nhiều nét văn hóa có giá trị lịch sử quý báu.