Nếu được hỏi về món ăn nào khác ngoài món phở đã quá nổi tiếng, thì tôi không ngần ngại giới thiệu với các vị khách đến từ phương xa về bánh mì, một món ăn có thể bắt gặp trên khắp các đường phố ở Việt Nam, thậm chí là ở nhiều nước trên thế giới. Nhờ sự phổ biến và được yêu thích trên thế giới mà năm 2011, cùng với phở, bánh mì đã có mặt trong cuốn từ điển Oxford, để trở thành một trong những đại diện của Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Những ổ bánh mì giòn tan đầy ắp các loại nhân không những mang hương vị đặc biệt hấp dẫn mà còn có thể làm thỏa lòng những thực khách dù là khó tính nhất. Khởi đầu từ những chiếc bánh mỳ baguette do người Pháp mang tới Việt Nam, qua thời gian, những người bản địa đã chế biến ra một loại bánh mì kẹp thịt của riêng người Việt. Một ổ bánh mì ngon phải có vỏ giòn tan, ruột trắng mềm xốp, bên trong có các loại nhân thịt, rau thơm và các loại dưa góp ăn kèm. Ở mỗi địa phương, người dân lại có cách chế biến nhân khác nhau, mang đặc trưng của từng miền.
Bánh mì thường được phết một lớp bơ mỏng béo ngậy, một lớp nhân patê gan mềm mại và thơm nức, một lớp thịt nguội, giò, giăm bông, có khi thêm cả trứng rán, cùng dưa góp muối chua, dưa chuột và các loại rau thơm để cân bằng với các loại nhân. Bánh được cho lại vào lò nướng nhanh một lần nữa và rưới một lớp tương ớt cay để đánh thức vị giác trước khi đưa thực khách thưởng thức..
Ở các vùng miền khác, bánh mì cũng ghi dấu ấn với những loại nhân và nước sốt ăn kèm đa dạng, như bánh mì nhân thịt xá xíu ở Sài Gòn có thêm nước sốt Maggi; bánh mì nhân thịt nướng ở Hội An có lớp nước sốt ngọt sánh được chế biến theo công thức đặc biệt; bánh mì xíu mại ở Đà Lạt với những viên thịt xíu mại đẫm trong nước sốt cà chua đậm đà, cay nhẹ vị hạt tiêu… Dù được chế biến theo cách nào, thì từng lớp hương vị của ổ bánh mì hòa quện vào nhau kết hợp với lớp vỏ giòn tan sẽ là trải nghiệm ẩm thực khó quên với các thực khách khi thưởng thức bánh mì Việt Nam.