Bài: Lê Anh
Ảnh: Amachau

Những nghi thức lễ và hội trong Lễ cầu mưa của đồng bào dân tộc Chăm Hroi sống ở Vân Canh – một huyện vùng cao của tỉnh Bình Định.

Thiếu nữ Chăm Hroi trong nghi thức truyền thống

Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc miền núi nói chung có đời sống tâm linh in đậm dấu ấn của việc tôn thờ các vị thần qua những nghi lễ thờ cúng, cầu khẩn. Đồng bào Chăm Hroi sống ở Vân Canh – một huyện vùng cao của tỉnh Bình Định vốn có đời sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên và vẫn duy trì tín ngưỡng nguyên thủy với niềm tin mọi chuyển biến của vũ trụ đều do đất trời, thần linh và ma quỷ điều khiển. Con người muốn đạt được sở nguyện thì phải tỏ lòng cầu nguyện dâng cúng lễ vật để xin Giàng và các vị thần linh. Chính vì thế, người Chăm Hroi đến nay vẫn còn thực hiện nhiều nghi lễ như Lễ cúng thần Làng, Lễ ăn cơm mới, Lễ đổ đầu… và một trong những nghi lễ quan trọng, đặc sắc được tổ chức hàng năm là Lễ cầu mưa.

Các già làng thường hay kể chuyện rằng những vị thần cũng có tình cảm yêu thương, giận ghét, vui buồn như con người và nếu dâng cầu lễ vật với tấm lòng thành kính để xin ơn trên ban cho điều gì thì sẽ được giúp đỡ và che chở. Lễ cầu mưa chính là dịp để dân làng tỏ lòng biết ơn đất trời đã cho mưa thuận gió hòa và tiếp tục mong cầu ơn trên ban mưa xuống cho mùa màng tốt tươi. Theo tiếng Chăm, Lễ cầu mưa gọi là “Quang Yang Plâyq achan”, được tổ chức vào tháng 2 âm lịch dù trời hạn hay trời mưa. Lễ cầu mưa có thể được thực hiện riêng lẻ theo từng hộ gia đình trên rẫy của mình hoặc cả làng cùng chuẩn bị và tiến hành tại nhà Rông, ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng chung, vào ngày lành tháng tốt đã được định trước.

Thầy cúng trong buổi hành lễ

Để chuẩn bị cho Lễ cầu mưa của làng, những thanh niên trai tráng dựng một đài dâng lễ vật từ bốn gốc cây Pay Ch’panh (cây gạo), đài dâng lễ vật được trang trí cầu kì từ bàn tay của những nghệ nhân trong làng. Lễ vật được đặt trang trọng trên đài là một đầu heo, một con gà trống, hai ché rượu, một vòng sáp ong để đốt và một chén gạo. Đúng giờ đẹp, số người làm lễ được làng chọn theo con số lẻ cùng với hai thầy cúng và già làng thực hiện nghi lễ.

Đồ lễ cúng thường đc chuẩn bị với thủ lợn, gà trống, hai ché rượu, một vòng sáp ong, một chén gạo..

Nghi lễ bắt đầu khi một thầy cúng tiến lên đài và một thầy cúng khác cùng già làng bước tới án cúng để khấn xin Giàng ban cho mưa thuận gió hòa quanh năm. Một nghi thức không thể thiếu được gọi là xin keo bằng hai đồng xu do già làng và thầy cúng thực hiện ngay sau khi khấn. Đồng xu xin keo có hai mặt âm dương, khi già làng tung hai đồng xu lên, nếu hai đồng xu khi rơi xuống có hai mặt âm dương khác nhau thì Giàng và các vị thần đã đồng ý. Ngược lại, nếu hai đồng xu rơi xuống đều cùng mặt dương hoặc mặt âm thì được hiểu là Giàng và các vị thần chưa đồng ý, già làng tiếp tục xin keo đến khi nào được hai đồng xu được một mặt dương và một mặt âm. Ngay sau đó, thầy cúng sẽ vãi gạo ra xung quanh với ngụ ý vui mừng và già làng cùng thầy cúng tiếp tục cung kính dâng hai ly rượu mời Giàng và các vị thần. Một số nghi lễ nữa được thực hiện tương tự để xin thần Mây, thần Sấm, thần Chớp, thần Gió về chứng giám lòng thành và che chở cho dân làng.

Chân dung thiếu nữ Chăm Hroi

Cuối cùng thầy cúng ở trên đài cúng sẽ hất rượu theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc ngụ ý Giàng và các vị thần sẽ cho mưa đáp ứng lời cầu nguyện của dân làng. Phần hội sẽ bắt đầu với những màn diễn múa hát tràn ngập trong màu sắc huyền thoại và tiếng cồng chiêng rộn ràng. Tiếng trống K’toang cùng dàn chiêng nổi lên giai điệu Chào trời – chào khách. Các chàng trai cô gái hòa vào điệu múa theo những tư thế mô phỏng gió thổi, mây bay, sấm chớp đón những giọt mưa mà Giàng ban xuống. Tất cả dân làng sẽ nhảy múa, ăn uống thâu đêm và thường phần hội sẽ kết thúc khi lượng rượu mà dân làng đóng góp đã cạn.

Niềm vui mừng ngày hội

Lễ cầu mưa là một hình thức nghi lễ khá phổ biến của người Chăm Hroi và cũng là dịp sinh hoạt cộng đồng lớn của đồng bào thể hiện khát vọng về một cuộc sống đủ đầy và bình yên trên bản làng.