Bài và ảnh: Trần Tấn Vịnh

Màu sắc là một phần của văn hóa tộc người. Từ thời xưa, các dân tộc sinh sống ở cao nguyên, miền núi nước ta đã biết khai thác cây cỏ có sẵn trong tự nhiên, chế tạo ra các loại màu để nhuộm vải vóc. Trong muôn sắc màu, màu chàm là gam màu trầm lắng, làm nên hồn cốt của các tộc người.

Những tấm vải lanh in hoa văn bằng sáp ong vừa được nhuộm chàm

Màu chàm đen luôn là màu chủ đạo, là màu nền của trang phục của các dân tộc vùng Trường Sơn, Tây Nguyên như Ê-đê, Giarai, Ba-na, Cơ-tu… và các dân tộc Tây Bắc như Tày, Nùng, Thái đen, H’mông đen, Hà Nhì đen. Đây là màu trung gian, có vai trò điều tiết sự tương quan, hài hòa màu sắc trên trang phục. Có lẽ, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng rừng núi, để hòa mình với môi trường sống, môi trường lao động, buộc con người phải chọn cho mình một loại trang phục chắc bền, tiện dụng, không quá khoa trương về hình thức. Chiếc áo chàm là chiếc áo dân dã mà đồng bào mặc hàng ngày, khi lao động, hay trong các dịp lễ hội cổ truyền dân tộc, sinh hoạt văn hóa tâm linh.

Thùng nước chàm của người Mông

Trong các loại cây cho màu nhuộm vải thổ cẩm thì cây chàm là cây quan trọng nhất, đồng bào Cơ-tu, Tà-ôi gọi là cây ta râm. Loại cây này mọc hoang dại trong rừng, có tên khoa học là “indigofera tinctoria” và “indigofera anil”. Người ta thu hái cây chàm, sử dụng cả thân lẫn lá đem ngâm với nước suối trong một cái ché lớn đến khi mục rữa. Sau đó vớt thân cây chàm bỏ ra ngoài, rồi dùng khúc cây đánh cho lên màu. Để thuốc nhuộm màu phát huy tác dụng, cải thiện sắc thái và nước bóng, đồng bào còn tạo ra một số chất phụ gia làm từ vỏ ốc, hạt bắp, củ nâu. Mỗi ngày người ta nhúng sợi vải vào dung dịch này đến 3 lần và phải qua 3 lần thay nước nhuộm màu mới. Khi cảm thấy chưa đậm, chưa sắc nước thì người ta trộn vôi bột (được nung từ vỏ ốc suối) vào nước màu rồi khuấy đều cho đến khi thuốc nhuộm trở nên đen tuyền mới đưa sợi vải vào nhuộm màu. Việc chế biến màu chàm và nhuộm vải đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ của người phụ nữ. Vào những ngày chế màu, nhuộm sợi, đôi tay của các bà các chị luôn “dính chàm”.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm dân tộc Cơ-tu với những sợi vải được nhuộm chàm

Cuộc sống muôn màu, văn hóa các tộc người tuy có “đổi màu” nhưng qua thời gian, màu chàm vẫn bất biến. Màu chàm in đậm dấu ấn bản sắc tộc người. Cuộc sống của đồng bào luôn gắn bó với cây chàm. Loại cây này luôn được giữ gìn, trân trọng như một tài sản quý. Dân tộc H’mông và dân tộc Dao Tiền vốn rất sành sỏi về kỹ năng dệt vải lanh và in hoa văn bằng sáp ong. Tấm vải lanh được nhuộm màu chàm, sau khi tẩy hết sáp ong thì hiện lên những hoa văn tuyệt đẹp.

Người mẫu trình diễn bộ sưu tập thời trang sử dụng vải nhuộm chàm

Cây chàm, màu chàm góp một gam màu tô điểm cuộc sống, mang lại sức sống cho bản làng. Chiếc áo chàm xuất hiện trong lễ hội, trong các nghi lễ thiêng liêng trong vòng đời của mỗi người. Các nhà thiết kế thời trang đình đám của Việt Nam và thế giới nay cũng có thiên hướng quay lại với màu chàm để làm nên các bộ sưu tập thời trang thổ cẩm ấn tượng.