Lê Hải Sơn
Tồn tại cả nghìn năm, quần thể cây pơ mu hơn 2.000 cây ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, trong đó có 1.146 cây được công nhận là Cây Di sản, được xem là khu rừng nguyên sinh lớn và quý nhất Tây Trường Sơn. Đây đồng thời cũng là rừng nguyên sinh quý hiếm còn sót lại ở khu vực đông nam châu Á.
Rừng pơ mu này rộng chừng 450 hécta, nằm cách trung tâm huyện Tây Giang về phía tây khoảng 40km, thuộc địa phận 2 xã Tr’hy và Axan. Do nằm tách biệt trong rừng sâu, “vương quốc pơ mu” chỉ được người dân phát hiện vào năm 2010. Kể từ đó, rừng pơ mu “độc nhất vô nhị” này được người dân bản địa bảo vệ nghiêm ngặt nên thời gian qua vẫn còn nguyên vẹn.
Hàng trăm cây cổ thụ đứng sừng sững giữa phong ba bão tố, vững chãi cùng thời gian. Cây pơ mu to nhất khu rừng cao trên 50m, có đường kính tới 3m, gốc tạo thành hình thù kỳ lạ, tầm 6-7 người ôm mới xuể. Có những cây được đặt tên như: cây Đình Làng, đường kính gần 4m, cao hơn 20m; cùng hàng trăm cây lên đến vài trăm tuổi như cây pơ mu Voi, Gấu, Rồng, cây Ngũ Hổ, cây Tê Giác, cây Mẹ, cây Trường Sinh… là thành quả của quá trình giữ gìn của bao thế hệ đồng bào Cơ Tu trên vùng đất đại ngàn Trường Sơn.
Từ xa xưa, người Cơ Tu ở huyện miền núi cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ tạ ơn rừng, núi, sông, suối, cây cối, hoa màu hay tạ ơn thần linh, Giàng. Với tâm niệm, có rừng, có Giàng là có con người và muôn loài động thực vật sinh sống.
Đã thành thông lệ, cứ vào dịp đầu năm mới, khi hoa nở khắp rừng, chim hót vang trên đại ngàn, nương rẫy đã phát dọn xong, đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu lại làm lễ tạ ơn rừng. Giữa không gian bao la của núi rừng, trai gái trong làng quay vòng nhịp nhàng, hòa cùng thanh âm của tiếng cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống ngân vang như một lời cầu nguyện mà người Cơ Tu gửi tới đấng thần linh, tổ tiên. Họ tin rằng, Giàng cũng như các vị thần đã cho họ sức mạnh để vượt qua, gắn bó với núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.
Trong tâm thức của người Cơ Tu, họ phải có trách nhiệm với cộng đồng, đặc biệt là gìn giữ văn hóa. Hai văn hóa quan trọng nhất ở đây là văn hóa làng và văn hóa giữ rừng. Giữ được văn hóa làng thì rừng không mất, còn nếu làm mất văn hóa làng thì mất văn hóa rừng. Nhờ vai trò của các già làng gắn với việc bảo tồn, gìn giữ giá trị của các hương ước, luật tục của đồng bào mà nơi đây rừng được giữ nguyên vẹn, không bị “chảy máu”.
Người Cơ Tu truyền dạy con cháu muôn đời luôn biết ơn và giữ lấy rừng. Rừng là nguồn sống, là nơi che chở bao thế hệ dân làng. Sau lễ cúng tạ ơn rừng được tổ chức trang nghiêm tại rừng pơ mu, mọi người vui nhảy điệu tân tung da dá cầu mong năm mới mùa màng bội thu.
Ý thức bảo vệ rừng, sống gắn bó với núi rừng đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào Cơ Tu. Ý thức ấy thể hiện trong câu hát dân ca:
“Con chim trên trời cao cần rừng xanh bát ngát
Con cá dưới nguồn cần dòng nước trong veo?
Con người Cơ Tu cần mẹ rừng che chở
Cho dân làng ta sinh sôi nảy nở
Cho mùa màng ta luôn bội thu
Cho người Cơ Tu khắp muôn nơi mãi mãi trường tồn…”