Bài: GS. Trịnh Sinh
Ảnh: GS.Trịnh Sinh, Lê Bích
Kim Hoàng là một làng Việt cổ có từ cách đây khoảng gần 3.000 năm, khi mà những người làm nông đã tràn xuống đồng bằng Bắc Bộ để khai hoang lập ấp, để lại dấu tích là di chỉ khảo cổ học Gò Chiền Vậy ở ngay làng Kim Hoàng hiện nay (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 20km. Khi xưa, vùng đất này có tên cổ là Kẻ Canh (Kẻ là đơn vị hành chính tương đương một làng), sau tách ra thành nhiều làng nhỏ hơn, trong đó có làng Kim Hoàng, vẫn được gọi là một trong những “làng Canh”.
Nhắc đến Kim Hoàng, người ta nhớ ngay đến một đặc sản của làng này đó là quả cam. Chẳng đâu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có loại cam ngọt đến thế, đã nổi tiếng với câu tục ngữ “Cam Canh, Bưởi Diễn”. Từ xa xưa, làng Canh đã là một trong “tứ danh hương” của vùng đất ven kinh đô Thăng Long. Cái làng bé nhỏ nằm giữa châu thổ sông Hồng này là một làng khoa bảng với 6 tiến sĩ, 23 hương cống, 13 cử nhân trong thời Lê, Nguyễn. Trong số này có những dòng họ nhiều đời kế tục nhau đỗ đạt và là những đại thần nổi danh của triều đình.
Làng lại được chia nhỏ thành 10 xóm là nơi cư trú của 26 dòng họ với khoảng hơn 3.000 nhân khẩu, vốn là một làng nông nghiệp điển hình của xứ Đoài, lại là nơi gần kinh đô Thăng Long nên đã hội tụ được các sắc thái văn hóa truyền thống của cư dân trồng lúa, của tầng lớp nho sĩ có học và cả những người thợ làm nghề thủ công theo thời vụ nữa. Điều này đã thể hiện đậm nét qua các di sản văn hóa, nghệ thuật của làng.
“Tinh bố nhạc thùy, bằng địa ấm
Lưỡng bảng khoa danh, hằng tương hựu”
(Sao treo núi rủ nhờ phúc ấm của đất. Hai làng Bảng bên nhau, danh lưu dài lâu). Các vị thần được thờ được gọi là Thành Hoàng gồm Giang Thần (thần Sông) và Địa thần (thần Đất). Đó là những vị thần thuộc dạng cổ nhất, liên quan đến cuộc sống của cư dân trồng lúa nước: trồng lúa phải có nước và đất đai.
Đình Kim Hoàng có kiến trúc chữ Đinh với Đại Đình có 5 gian, xưa còn có sàn gỗ chứng tỏ đây là một ngôi đình cổ, còn giữ lại dấu vết của kiến trúc sàn gỗ mang bóng dáng của một dạng nhà sàn xưa kia trong kiến trúc nhà cổ Việt Nam. Đình đã được xếp hạng là di tích Quốc gia từ năm 1990. Lễ hội ở làng được tổ chức hàng năm từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch.
Đáng chú ý là các mảng chạm khắc bằng gỗ trong đình còn nguyên, thể hiện giá trị nghệ thuật cao đúng như câu tục ngữ xưa “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Đình đẹp nhất nước ta tập trung ở xứ Đoài, mà Kim Hoàng là một thí dụ. Các mảng chạm gỗ như những bức phù điêu có không gian ba chiều, có độ đậm nhạt, góc cạnh rất sinh động dưới ánh sáng đèn nến lung linh làm tôn thêm vẻ linh thiêng của chốn thờ Thần, lại có vẻ dân dã làng quê.
Người thợ chạm khắc gỗ đã mang những đề tài sinh hoạt đời thường trang trí cho đình, từ những cảnh đấu vật, hội làng, nữ tướng cưỡi voi, ông tướng cưỡi hổ, cưỡi ngựa bắn cung cho đến những con vật linh, có đủ cả tứ linh gồm: long (rồng), ly (sư tử), quy (rùa), phượng. Điểm đặc biệt là hai con vật linh biểu tượng của vương quyền là rồng (biểu tượng cho vua) và phượng (biểu tượng cho hoàng hậu) từ xưa chỉ được trang trí trong đền đài ở Hoàng Thành Thăng Long, các chùa thời Lý, Trần thì nay lại còn thấy ở đình làng trong thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 như ở Kim Hoàng. Điều này phản ánh tâm thức của xã hội người Việt đã có sự thay đổi, sự chi phối của vương quyền đã giảm bớt. Thậm chí, các mảng chạm khắc đình làng còn thể hiện cảnh đùa giỡn với cả rồng, phượng như nhiều cảnh tiên nữ cưỡi rồng, em bé thổi sáo cưỡi trên lưng phượng hết sức sinh động. Đôi mảng chạm còn có cảnh trai gái đùa nhau, cả những con vật bình thường như con thạch sùng cũng được khắc họa…
Kim Hoàng còn được biết đến là một trong ba làng làm tranh dân gian truyền thống. Tranh Kim Hoàng còn được gọi là “tranh đỏ” vì làm trên nền giấy đỏ khác với dòng tranh Đông Hồ được làm trên giấy điệp. Trước kia, khắp các chợ quê ở xứ Đoài bán tranh Kim Hoàng. Tranh cũng phản ánh nét đẹp của làng quê Việt Nam và ước vọng của người dân quê. Trong tranh lại có thêm chữ Hán – Nôm, thể hiện nét đẹp của một làng “có chữ”. Điển hình cho dòng tranh này là tác phẩm “Thần Kê” miêu tả đôi gà, còn đang được trưng bày ở bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Kim Hoàng là một làng quê Bắc bộ điển hình, vươn lên từ nông nghiệp để có được những tiến sĩ, những nghệ nhân dân gian đóng góp lớn cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc.