Thái A
Mô phỏng hình tượng của núi thiêng Meru, những ngọn tháp chính của đền là tác phẩm hoàn mỹ của nghệ thuật điêu khắc.
Được công nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới vào năm 1991, quần thể đền tháp Prambanan là một trong các điểm thăm quan sáng giá vào bậc nhất khu vực Trung Java của đảo quốc Indonesia. Thường trực xuất hiện trên các ấn phẩm du lịch và có trong danh sách tour của các hãng lữ hành tại Yogyakarta, khu đền Hindu giáo này là một đối trọng hoàn hảo với di tích Phật giáo Borobudur, luôn tạo nên sự ngỡ ngàng và thán phục cho những ai lần đầu chiêm ngưỡng.
Khá giống Angkor Wat ở hình thức các ngọn tháp, Prambanan có một tháp chính và 8 ngọn tháp nhỏ bao bọc, xung quanh là hàng trăm ngọn tháp nhỏ khác mà ngày nay nền móng còn được nhận ra. Bàn tay khéo léo và kỹ nghệ hiện đại đã đưa tới cho quần thể đền tháp một vẻ đẹp huy hoàng, tuy không thể khôi phục toàn bộ dáng vẻ xưa kia nhưng cũng khiến nhân loại thán phục. Những pho tượng trong lòng tháp, các mảng họa tiết miêu tả sự tích được trích từ sử thi Ramayana mang tính luân lý nghiêm ngặt, các khối điêu khắc hình đầu thú, nét chạm trổ miêu tả về cây thần kalpatura hay còn được gọi là cây thiên đường, hình tượng nhân điểu kinara… hiện diện ở khắp trong và ngoài những ngọn tháp.
Được xây dựng từ năm 850 dưới thời Vua Rakai Pikatan của vương quốc Medang, quần thể đền tháp vĩ đại Prambanan trong suốt hơn 100 năm đã trở thành nơi tổ chức các nghi lễ tôn giáo và hiến tế trọng đại. Mô phỏng hình tượng của núi thiêng Meru, những ngọn tháp chính của đền là tác phẩm hoàn mỹ của nghệ thuật điêu khắc và xây dựng thời đó. Thờ phụng ba ngôi tối cao của Hindu giáo bao gồm thần sáng tạo Brahma, thần duy trì Vishnu và thần hủy diệt Shiva, Prambanan đã đóng vai trò trung tâm tôn giáo của vương quốc Medang, song sự huy hoàng này, thật đáng tiếc, lại không kéo dài như những vị vua mong muốn. Tới năm 930, trung tâm chính trị của Medang được Vua Mpu Sindok dời tới Đông Java. Từ đó, đền bị bỏ rơi và chìm vào bóng tối của lãng quên.
Tới thăm Prambanan ngày nay, du khách chẳng thể nào ngờ quần thể vĩ đại này đã từng bị sụp đổ trong một trận động đất lớn vào thế kỷ 16, và các phế tích của khu đền tháp chỉ được người địa phương nhắc tới như một quá khứ huy hoàng. Tới năm 1811, nhà thám hiểm người Scotland Colin Mackenzie, theo yêu cầu của Thomas Stamford Raffles – phó toàn quyền Java, đã tình cờ tới Prambanan. Ngay lập tức, Raffles cho khám phá toàn bộ khu phế tích và từ đó người phương Tây đã biết về sự tồn tại của quần thể kiến trúc vĩ đại nhưng hoang tàn này trong rừng già. Tuy vậy, mãi tới năm 1918, việc tái thiết mới được bắt đầu, và phải đến năm 1930 thì việc phục chế mới đúng bài bản. Việc phục chế ngôi đền chính được hoàn thành vào năm 1953, từ đó tới nay, cùng sự hỗ trợ của UNESCO, người Indonesia đã tích cực phục chế di tích để ngày nay có thể tự hào giới thiệu cùng thế giới một ngôi đền Hindu giáo lớn nhất khu vực Đông Nam Á
Mỗi ngày, hàng trăm, hàng nghìn du khách từ khắp nơi trên thế giới tìm về đây, chiêm ngưỡng những ngọn tháp cao vút in trên nền trời xanh, ngắm các đường nét chạm khắc tuyệt đẹp trên đá. Từ các nét chạm in hằn thời gian đó, đá kể câu chuyện vô thanh, nhắc nhớ thế gian về một thời dĩ vãng xa xưa, về một vương triều Medang đã từng phát triển huy hoàng trên đảo Java.