Bài: TS. Trần Đức Anh Sơn
Ảnh:  Hoàng Hải Thịnh, Lại Diễn Đàm

Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, biển đảo giữ vai trò quan trọng trong việc tạo lập không gian sinh tồn, hình thành nền văn hóa biển, thiết lập quan hệ giao thương với lân bang và xác lập chủ quyền quốc gia.

Thuyền bè trên sông Hội An vào thế kỷ XVIII. Tranh do William Alexander vẽ khi ông tham gia vào phái bộ của Macartney ghé Đàng Trong trong các năm 1792 - 1794.

Là một quốc gia có bờ biển trải dài hơn 3.260 km, với gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam có một không gian biển đảo rộng lớn, là nơi cung cấp nguồn sống cho các thế hệ người Việt, nơi hình thành các “cơ tầng văn hóa Việt” và cũng là nơi lưu giữ các “trầm tích văn hóa Việt” tự bao đời nay. Biển đảo là môi trường sống, là nhân tố hợp thành và nuôi dưỡng các nền văn hóa Việt cổ, góp phần định hình bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Có một không gian biển đảo rộng lớn, Việt Nam lại ở vào một vị trí đắc địa khi nằm cạnh các luồng hải thương quan trọng của thế giới, nên biển đảo không chỉ là môi trường sống mà còn là mạch nguồn giao lưu chính trị, kinh tế, văn hóa với các quốc gia bên ngoài. Trên khía cạnh “truyền bá văn hóa”, không gian biển đảo chính là “đường dẫn” để văn hóa Việt Nam “nối thông” với thế giới, lưu lại những dấu ấn và ảnh hưởng mạnh mẽ ở những nơi mà văn hóa Việt “cập bến”. Trống đồng Đông Sơn và đồ gốm Việt chính là những “sứ giả” xuất sắc trong hành trình “truyền bá văn hóa Việt” này.

Thuyền chiến thời Nguyễn. Tranh tư liệu của Nguyễn Thứ.

Trống đồng là biểu tượng của những thành tựu về kỹ thuật, kinh tế và văn hóa của cư dân Việt cổ sống vào thời đại kim khí, mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn. Trống đồng cũng là biểu tượng của một nhà nước được xác lập đầu tiên trên đất nước ta: nhà nước của các vua Hùng. Chính vì thế, trống đồng đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt, trở thành “linh vật của dân Giao Chỉ” như ghi nhận của sách Hậu Hán thư. Tuy nhiên, trống đồng không chỉ hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam, mà còn được phát hiện ở phía nam Trung Hoa và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Myanma, Thái Lan, Philippines, Indonesia… Những phát hiện khảo cổ học ở Đông Nam Á liên quan đến trống đồng trong những năm qua cho thấy những dòng sông và những tuyến giao thương đường bộ xuyên quốc gia chính là những lộ trình để trống đồng Việt thâm nhập vào các quốc gia Đông Nam Á lục địa, trong khi đường biển là con đường duy nhất để trống đồng Việt “cập bến” các nước trong khu vực Đông Nam Á hải đảo.

Từ thời Bắc thuộc, cư dân Champa ở Trung Bộ đã dong thuyền đi buôn bán với các quốc gia ở tận Trung Đông. Trong các thế kỷ VII – XII, cư dân Óc Eo – Phù Nam ở châu thổ sông Mékông đã giao thương với các quốc gia trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Còn Vân Đồn ở vùng biển cực bắc Việt Nam đã trở thành một thương cảng quốc tế kết nối giao thương giữa Việt Nam với các nước ở khu vực Đông Bắc Á kể từ thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV). Sau trống đồng trong thời Việt cổ chính là đồ gốm trong thời đại đại thương mại hàng hải (thế kỷ XVI – XVII) của thế giới.

Ấm hình chim phượng, gốm Chu Đậu (Hải Dương), thế kỷ XV, khai quật từ tàu đắm ở Cù Lao Chàm.

Từ thế kỷ XV, đồ gốm Việt Nam từ các trung tâm gốm ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã “vượt biển” đi đến các nước Đông Nam Á và Nhật Bản. Giáo sư người Nhật Bản Hasebe Gakuji cho biết “kỹ thuật sản xuất đồ gốm ở Nhật Bản vào thế kỷ XIV còn kém xa so với kỹ thuật Việt Nam”. Vì thế, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, người Nhật đã nhập khẩu nhiều đồ gốm sứ Việt Nam để sử dụng và để học hỏi kinh nghiệm chế tác đồ gốm. Con đường du nhập đồ gốm Việt Nam vào Nhật Bản chính là tuyến hải thương xuyên Biển Đông. Đó là lý do nhiều đồ gốm Việt Nam hiện diện trong các di chỉ khảo cổ học và trong các bảo tàng của Nhật Bản hiện nay.

Những “con đường tơ lụa”, “con đường gốm sứ”, “con đường gia vị”… trên Biển Đông cũng là những “con đường” mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và du nhập văn hóa bên ngoài vào Việt Nam. Biển không chỉ là giao lộ, là huyết mạch kinh tế mà còn là một “hành lang” trao đổi văn hóa và giao lưu chính trị giữa Việt Nam với bên ngoài. Tàu thuyền của các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Lưu Cầu, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Tây Ban Nha đến các thương cảng của Việt Nam để trao đổi, mua bán hàng hóa, để tránh bão, tiếp thêm nước ngọt… và du nhập văn hóa bên ngoài vào Việt Nam, đồng thời cũng đưa sản phẩm, văn hóa Việt Nam đi ra thế giới. 

Bầu hai eo, gốm Chu Đậu (Hải Dương), thế kỷ XV, khai quật từ tàu đắm ở Cù Lao Chàm.

Dưới thời chúa Nguyễn (thế kỷ XVI – XVIII), người Việt đã đóng tàu để cung cấp cho người Hoa và người Thái. Người Hoa đến Gia Định thuê người Việt đóng tàu cho họ, rồi dùng các con tàu ấy buôn gạo từ châu thổ sông Mékông về bán lại cho dân vùng Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến… Sau đó, họ bán lại những con tàu đó cho thương nhân người Hoa khác ở quê hương, lấy tiền mang sang Việt Nam đóng những con tàu mới. Còn người Thái thì dùng những con tàu do chúa Nguyễn cung cấp để chiến đấu với thủy binh Khmer. Nếu không có tri thức biển và kinh nghiệm đóng tàu đi biển, hẳn những người thợ đóng tàu Việt Nam thời chúa Nguyễn đã không được người Hoa, người Thái tin tưởng thuê đóng những con tàu phục vụ cho nhu cầu thương mại và chiến tranh của họ. Dấu ấn của văn hóa biển trong diễn trình lịch sử của dân tộc Việt Nam là như vậy. Những giao lưu nội vùng và ngoại vi gắn liền với biển của cư dân Việt đã khiến cho biển đảo không chỉ là không gian sinh tồn của người Việt mà còn là một hành lang để truyền bá văn hóa Việt ra bên ngoài và tiếp nhận văn hóa bên ngoài vào Việt Nam.

Trưng bày tàu thuyền đi biển của ngư dân xứ Quảng tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Vì vậy, bảo vệ biển đảo Việt Nam không chỉ là bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ không gian sinh tồn của người Việt, mà còn để bảo lưu những “trầm tích văn hóa” từ ngàn xưa. Đó chính là mạch nguồn để tiếp nối giữa quá khứ với tương lai của dân tộc Việt Nam.