Phương Nguyễn

Du khách quốc tế thường biết đến Hong Kong (Trung Quốc) như một đặc khu kinh tế sầm uất, một điểm đến tấp nập và hiện đại. Hong Kong – thường được mệnh danh là Asia’s World City – Thành phố Quốc tế của châu Á. Nhưng ở mặt khác, Hong Kong sở hữu bề dày văn hoá đầy màu sắc, và bất ngờ thay, ở đây còn có một địa điểm tôn giáo nổi tiếng là thiền viện Bửu Liên (Po Lin) trên đỉnh núi Ngang Bình (Ngong Ping).

Tượng Đại Phật trên đỉnh Ngang Bình

Hành hương lên đỉnh Ngong Ping

Ngày hôm đó là một buổi sáng đẹp trời, mùa thu ở Hong Kong tiết trời dịu mát, thích hợp cho một chuyến đi bộ theo con đường hành hương nổi tiếng. Chúng tôi cẩn thận chọn một cung đường vừa sức, không quá khó để còn ngắm cảnh và chiêm bái những kỳ quan Phật giáo xung quanh: thiền viện Bửu Liên cùng tượng Đại Phật trên đỉnh Ngang Bình, con đường Trí tuệ (Wisdom Path) và tận hưởng không khí trong lành, thiên nhiên khoáng đạt trên hòn đảo Lạn Đầu (Lantau). Chúng tôi đã mất hơn 5h để hoàn thành cung đường đi bộ 10km này. Đây cũng là một trong những thử thách nho nhỏ trong chuyến đi, nhưng bù lại chúng tôi đã thoát khỏi tạm thời sự ngột ngạt của siêu đô thị, trải nghiệm không gian thanh bình và đón những luồng gió mát từ đại dương thổi vào.

Con đường Trí Tuệ với những dòng kinh Phật được khắc trên gỗ

Điểm đầu tiên trong cung đường, cũng chính là địa điểm quan trọng nhất chính là thiền viện Bửu Liên với bức tượng Đại Phật đang ngự an nhiên trên toà sen. Là 1 trong 5 pho tượng Phật lớn nhất Trung Hoa, tượng Đại Phật ở đỉnh Ngang Bình cao 34m, nặng hơn 250 tấn. Tượng Đại Phật nằm uy nghi trên đỉnh núi cao nên để đến được chân tượng, du khách phải leo 268 bậc thang đá.

Chúng tôi đến sân trước thiền viện Bửu Liên khi trời còn nhiều mây mù, sương giăng khắp đỉnh núi Ngang Bình, mặt trời toả những tia sáng yếu ớt từ phía đông, không gian trầm lắng, thời gian như chậm lại. Tượng Đại Phật quay mặt về hướng bắc, đây là một điểm hết sức đặc biệt, vì tất cả các bức tượng Phật còn lại ở thiền viện Bửu Liên đều xoay mặt về phía nam. Theo một số kiến giải, dáng ngồi của bức tượng một phần thể hiện sự rộng lượng, lòng trắc ẩn và đức hy sinh, bởi bàn tay trái đặt bình thản trên đùi, bàn tay phải được nâng lên tượng trưng cho sự buông bỏ phiền não, tiến về giới hạn của sự vô ưu.

Hoàng hôn ở làng chài cổ Tai O

Sương tan dần, mặt trời bắt đầu soi tỏ xung quanh, thiền viện Bửu Liên nằm lặng lẽ trong thung lũng hẹp bên dưới, ánh sáng bàng bạc chiếu lên mái ngói đỏ làm bật sáng cả một vùng xanh trùng điệp. Thiền viện Bửu Liên đóng vai trò đặc biệt đối với Phật giáo ở Hong Kong suốt hơn 100 năm qua. Khởi nguồn từ đầu thế kỷ 20, ngồi chùa nhỏ này theo phái Thiền tông được thành lập bởi 3 nhà sư đến từ tỉnh Giang Tô, phía bên kia Đại lục. Suốt một thế kỷ qua, chùa được tôn tạo, xây mới và trở thành một trong những địa điểm tu tập quan trọng bậc nhất không chỉ ở Hong Kong, mà còn vang danh khắp miền nam Trung Quốc.

Làng chài Tai O – một góc yên bình

Từ thiền viện Bửu Liên, chúng tôi đón chuyến xe bus mất khoảng 20 phút thì tới làng chài cổ Tai O. Tuyến đường từ đỉnh Ngang Bình đi sang làng Tai O được thiết kế tiện lợi cho du khách để có thể kết hợp trong ngày vừa chiêm bái quần thể Bửu Liên, vừa khám phá tiếp một trong những làng chài nổi tiếng nhất xứ Cảng Thơm.

Làng Tai O đã tồn tại hơn 300 năm. Buổi ban đầu, nơi đây là quê hương của người Tanka, một cộng đồng ngư dân có tập tục dựng nhà sàn trên các bãi biển nông, nơi thuỷ triều lên xuống, để tiện cho việc đánh bắt hải sản theo chu kỳ của mặt trăng. Làng Tai O ngày nay là một trong những di sản tinh thần của Hong Kong, là minh chứng cho việc những cộng đồng dân cư thiểu số đã từng sinh sống trên hòn đảo này.

Một góc phố có tranh bích họa ở làng Tai O

Đến làng Tai O, ngoại trừ việc thăm thú các di sản, đền chùa miếu mạo, du khách còn có cơ hội thưởng thức hải sản được đánh bắt ở xung quanh đảo Lạn Đầu. Làng chài cổ này nổi tiếng với các đặc sản cá khô thơm ngon trứ danh, được bày bán khắp nơi trong các cửa hiệu tấp nập du khách. Còn gì thích thú cho bằng, sau hành trình dài, du khách được tản bộ thư thả trên những con phố xen lẫn những kênh rạch chằng chịt và các ngôi nhà sàn cũ kỹ, rồi ghé vào những hàng quán lề đường, thưởng thức đồ ăn đường phố với các món hải sản tươi ngon, nhấp chút xíu bia và ngắm nhìn ánh hoàng hôn đang trôi dần về phía khơi xa. Bao âu lo muộn phiền cũng theo đó mà tan vào cơn thuỷ triều đang đưa những con nước ra biển lớn.

Hong Kong, đô thị phồn hoa nhưng không thiếu những góc nhỏ yên tĩnh, an bình. Đây đúng là xứ sở văn hóa nhiều sắc màu!