Bài: NGÔ QUANG MINH
Ảnh: NGUYỄN HẢI
Trong sự minh định của địa lý, kinh qua những thăng trầm của thời đại và chảy mãi như chứng nhân của lịch sử, Quảng Bình xin được gọi tên sông Gianh.
Dòng sông Gianh dài hơn 150km bắt nguồn từ dãy Trường Sơn và chỉ chảy qua đúng một địa phương là tỉnh Quảng Bình trước khi đổ ra biển Đông, cũng là con sông lớn nhất trong số 5 con sông của tỉnh. Người xứ này bởi thế luôn tự hào với câu ca dao về con sông gắn bó với nguồn cội họ qua bao đời:
Sông Gianh cả thảy ba nguồn
Nguồn Nan, nguồn Nậy lại còn nguồn Son
Lòng thành dạ thiết cho tròn
Mai sau dựng nghiệp cháu con hưởng nhờ.
Thực chất sông Gianh còn có thêm nguồn thứ 4 (nguồn Trổ) kiến tạo nên. Trong các nguồn trên, nổi tiếng bậc nhất phải kể đến khúc sông Son chảy qua địa phận Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Khúc sông ấy mềm mại như dải lụa xanh yên bình, và góp phần hình thành nên những hang động đá vôi tuyệt tác. Còn nếu ai từng có dịp đi chuyến tàu Bắc Nam khi tới Quảng Bình, gặp một bên là núi đá vôi kỳ vĩ, một bên là dòng sông thơ mộng và con đường thì uốn cong như thế rồng lượn thì hẳn đã tới quãng trung lưu của sông Gianh – đoạn đẹp nhất toàn tuyến. Đầu rồng tương truyền nằm ở Lệ Sơn, cũng là làng xếp đầu trong “Bát danh hương” gồm 8 làng danh trấn nhất tỉnh: Lệ Sơn – La Hà – Cảnh Dương – Thổ Ngọa – Văn La – Võ Xá – Cổ Hiền – Kim Nại; không chỉ nổi danh là những nơi kỳ sơn tú thủy, văn hóa sâu dày mà còn là đất khoa bảng rạng rỡ.
Cũng trong cuộc chiến cát cứ Trịnh Nguyễn, quân Trịnh án ngữ ở Đèo Ngang – chốn “Cỏ cây chen lá, đá chen hoa” (trích Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan) và cũng là nơi “đường quan đi trên núi” (theo Đại Nam nhất thống chí) vô cùng hiểm yếu. Các hoạt động giao thương Đàng Ngoài được thực hiện tại bờ Bắc con sông Gianh. Binh lính đồn trú trong 3 đồn (đồn Phan Long, đồn Xuân Kiều, đồn Trung Ái) cùng thân nhân và cư dân xung quanh quần tụ gặp gỡ kết nối, từ đó hình thành nên vùng chợ cổ đặt tên Ba Đồn. Đây hiện là thị trấn sầm uất của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây, qua nhiều thế kỷ đã trở thành một không gian cổ xưa quyến rũ về nét chợ phiên trong lòng phố đặc sản vùng Ô Châu. Còn dòng Gianh biến thành sợi dây kết nối con người, văn hóa, và kinh tế toàn vùng, cũng là môi trường sinh sống nuôi dưỡng bao thế hệ người dân:
Ba Đồn là chợ xưa nay
Tụ nhân, tụ hoá mười ngày một phiên
Phố phường Nam, Khách hai bên
Khi đông cũng phải vài nghìn người ta
(trích Quảng Bình địa dư tiện đọc, tác giả Trần Kinh, nguyên Đốc học tỉnh Quảng Bình, viết về chợ Ba Đồn xưa họp 3 phiên vào ngày 6, 16, và 26 âm lịch hàng tháng).
Đến thời kỳ cận và hiện đại, sông Gianh lại oằn mình bởi lửa đạn chiến tranh. Phần hạ lưu đổ ra biển có cảng Gianh là điểm xuất phát của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển nên ngày đêm bị dội bom. Bến phà Xuân Sơn trên sông Son cũng là trọng điểm bị bom mìn kẻ thù đánh phá. Những chuyến tàu không số xuôi dòng vẫn không ngừng nghỉ, những chi viện vượt sông vượt khẩu để nhập vào đường 20 Quyết Thắng tiếp tế cho chiến trường miền Nam chưa bao giờ đứt gãy. Sông Gianh lặng lẽ oai hùng ghi vào lòng những chia ly mất mát, giang tay ôm lấy bao thanh xuân đã vĩnh viễn nằm lại đất Quảng Bình. Ngày nay khi thủy bộ đã thông suốt, thời binh lửa đi qua, những cách biệt địa lý đã được cầu Gianh xóa nhòa để sang sông không phải đợi đò. Gió hòa bình thổi trên triền sông mép nước trong thanh bình, khó ai tưởng tượng được “tọa độ lửa” này năm xưa từng đau thương, kiên cường và vinh quang đến thế!
Với hàng nghìn con sông lớn nhỏ trải dài từ Bắc vào Nam, có lẽ không quá khi nói rằng “quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà” (trích lời bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ” của Hoàng Hiệp). Riêng đối với mảnh đất Quảng Bình, bên cạnh sông Nhật Lệ (hợp lưu của sông Long Đại và sông Kiến Giang – con sông chạy qua huyện Lệ Thủy nơi sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp), sông Lý Hòa, sông Loan (hay sông Roòn) và sông Dinh thì sông Gianh bao đời nay đã trở thành dòng sông biểu trưng nhất, một điểm dừng của lịch sử và cũng là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ đôi bờ dù trải bao thăng trầm thời cuộc.