Trương Quý
Việt Nam là một nước có số dân trong độ tuổi thanh niên đông, chiếm ¼ dân số. Lịch sử phát triển lâu đời để lại trên dải đất ven biển Đông một di sản văn hóa phong phú có bề dày nhiều thiên niên kỷ. Bởi vậy, lẽ tự nhiên sinh ra một mối quan hệ rất tự nhiên với dân số: di sản có mặt trong đời sống văn hóa của giới trẻ như một sự tiếp nối. Đến lượt thế hệ mình, giới trẻ đã tạo ra những cộng đồng bảo tồn di sản không chỉ là người thừa kế, mà còn là những chủ thể mang căn tính văn hóa riêng biệt. Sức sống làm nên bản sắc của người Việt Nam nằm ở chính thành tố nội sinh văn hóa đó.
Di sản không chỉ là một thoáng rực rỡ
Nhóm những người trẻ đến với di sản có thể bắt đầu từ sự yêu thích, lòng đam mê với khía cạnh nghệ thuật của di sản văn hóa. Với một vài hạt nhân là những nhà nghiên cứu trẻ tuổi, sự nhiệt thành với di sản cha ông khiến họ tạo ra một sức hút với các bạn đồng lứa, rồi lan tỏa ra các thế hệ gần gũi. Đông đảo và hoạt động đều đặn trên mạng xã hội là các nhóm như Đình làng Việt và Chùa Việt, quy tụ đa dạng thành viên, điều đáng kể là độ tuổi của họ khá trẻ, tạo ra sự ảnh hưởng có tầm mức khá chất lượng, nhờ sự tương tác của những thành viên vốn là những nhà nghiên cứu, họa sĩ, kiến trúc sư hay giảng viên chuyên ngành di sản với chính các cơ quan nghiên cứu và quản lý. Từ những nhóm có vài vạn thành viên này, các nhóm nhỏ và chuyên sâu hơn ra đời đi vào bảo tồn di sản có ý thức rõ nét.
Không chỉ hình thành các chuyến du khảo điền dã về những ngôi đình làng hay chùa Việt (chủ yếu ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ), các nhóm còn tạo ra những bộ sưu tập hình ảnh chụp lại các công trình từ cấu kiện cho đến các chi tiết, hỗ trợ cho công tác bảo tồn. Một số nhóm đã tạo ra những phiên bản 3D rất hữu ích cho ứng dụng tham quan trực tuyến, đồng thời tạo ra sự “trình làng” rất hiệu quả cho việc theo đuổi nghề nghiệp chuyên môn. Không chỉ khiến người tham gia yêu thích và ngưỡng mộ vẻ đẹp hồn hậu của mái đình hay nếp chùa xưa, những công việc quan sát, theo dõi và phản hồi về hiện trạng di tích của các thành viên còn tạo ra được những sự phản biện và đòi hỏi bảo tồn nguyên trạng di tích trong tình hình các công trình bị sức ép phát triển kinh tế và đô thị hóa tác động. Một số nhóm như Đài quan sát di sản Đà Lạt (Dalat Heritage Observatory) cũng góp một tiếng nói cho cảnh báo sự biến mất của những công trình kiến trúc và sự phá vỡ cảnh quan của đô thị di sản.
Đi tìm lại dáng xưa
Một số thành viên của nhóm Đình làng Việt đã tạo ra một nhóm nhỏ mang ý nghĩa xã hội khá đậm nét là Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống. Mặc dù số thành viên chỉ 6.000 người, nhưng sức lan tỏa không hề nhỏ. Việc tìm kiếm lại hình ảnh của những chiếc áo dài cổ truyền thể hiện đúng tinh thần văn hóa cha ông không chỉ là cảm tính hồn nhiên từ sự yêu thích hay hoài cổ, mà thực sự thể hiện sự khao khát giải mã các thông điệp văn hóa của người Việt trên một trăm năm trước.
Sự xuất hiện trở lại của hình ảnh áo dài ngũ thân cùng các quy cách vấn khăn, đội nón, cách đi lại, đứng ngồi… trên các hình ảnh phương tiện truyền thông khiến cho người Việt thế kỷ 21 quan tâm trở lại đến hình ảnh dân tộc mình. Sự ảnh hưởng đã có tác dụng trở lại các cơ quan văn hóa, chẳng hạn Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có cảm hứng để tạo ra một nghi thức mặc áo dài vào thứ Hai đầu tháng tại công sở. Việc làm này dĩ nhiên gây những tranh luận nhất định, nhưng không thể phủ nhận hiệu quả truyền thông cho mảnh đất cố đô Huế, nơi mà hình ảnh chiếc áo dài gắn bó mật thiết, tạo ra một bản sắc thị giác của vùng sông Hương núi Ngự.
Cũng rất gần gũi với các nhóm di sản đình, chùa khi phục dựng các di sản kiến trúc và điêu khắc cổ bằng mô hình 3D, những nhóm như Sen Heritage đã tiến một bước dài khi tạo ra các phiên bản cỡ nhỏ tượng Phật A di đà chùa Phật Tích, đồ án tái lập chùa Một Cột thời Lý dựa trên di tích cột đá chùa Dạm, hay tham vọng dựng một phiên bản hoàn chỉnh của tượng Quán Thế Âm nghìn tay của chùa Báo Ân đã đưa về trưng bày ở bảo tàng Guimet (Paris) từ cuối thế kỷ 19.
Dòng chảy trao truyền mã văn hóa
Trên nền những dấu tích vật chất, các nhóm nghiên cứu tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đã ấp ủ tái tạo những không gian văn hóa, những sản phẩm phi vật thể vốn đã mai một nhiều do tác động của thời gian và điều kiện sống. Đó chính là phần việc khó khăn hơn nhiều.
Say mê những làn điệu ca trù hay còn gọi là ả đào, song làm sao để ả đào không chỉ là những màn biểu diễn có tính decor (trang trí) trong những buổi giao lưu văn hóa, một nhóm những nhà nghiên cứu đã quyết tâm lập ra dự án dựng lại không gian và thời gian trên nền những làn điệu mang nét đặc sắc cho đời sống giải trí Hà thành các thập niên 30-40. Họ đã tiến hành giai đoạn tiền kỳ cho bộ phim tài liệu nghệ thuật có tên Ả Đào, có sự diễn xuất của các ca nương trẻ tuổi ở các giáo phường Thái Hà, Lỗ Khê (Hà Nội) hay Đông Môn (Hải Phòng), cũng như các diễn viên không chuyên hóa thân các văn nghệ sĩ thời trước. Tiếng tơ, tiếng sênh phách mang cốt cách một thời, cũng là mã văn hóa của xã hội Việt trên tiến trình phát triển, lần đầu được tái hiện trên màn ảnh với chủ thể là âm nhạc.
Tìm kiếm sự tái hiện đan cài giữa chất liệu cổ truyền trên nền cảnh hiện đại, một dự án thú vị do nhóm các nghệ sĩ trẻ thực hiện như các màn diễn tuồng tại sân sau một khu tập thể cũ niên đại thập niên 1960 điển hình cho kiến trúc xã hội chủ nghĩa – khu Văn Chương – cũng như tại không gian tòa nhà Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm vừa được trùng tu trong Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo Hà Nội cuối năm 2021. Trong khi đó, những nỗ lực đáng kể khác như chiến dịch “Cộng đồng kể chuyện cải lương” của nhóm Yume Project hay phim dã sử diễn họa online “Việt sử kiêu hùng” gồm những bạn trẻ ở TP.Hồ Chí Minh cũng tạo ra những sự lôi cuốn đối với giới trẻ. Trải rộng trên các mục tiêu từ tái tạo các diễn ngôn về dân tộc bằng đồ họa cho đến các vở diễn kinh điển mang tính xã hội của cải lương, nỗ lực này là những trải nghiệm đa dạng về xác định mã văn hóa bản thể. Trong bối cảnh các loại hình diễn xướng dân gian gặp những khó khăn, những hình thức có tính cộng đồng này tìm kiếm sự đổi mới thay vì lặp lại các hình thức truyền thống.
Một di sản không thể bỏ qua là ẩm thực, và các nhóm trẻ cũng nhanh nhạy với mảng nổi bật này, chẳng hạn nhóm Hanoi Unbox của các sinh viên Học viện Ngoại giao cũng đã giành được giải nhất một cuộc thi truyền thông, qua đó các bạn trẻ tìm cách tạo ra những gói ẩm thực cơ bản cho sự trải nghiệm du lịch của du khách khi tới Hà Nội, bắt nguồn từ một triết lý văn hóa của cha ông: “Học ăn học nói, học gói học mở”. Mở ra những chiếc hộp văn hóa, đó là một cách nghĩ tươi mới cho tiếp cận di sản.