Bài: WINLINH – Ảnh: BÁ NGỌC

Đến biển miền Trung một ngày đầy nắng, ấn tượng trong tôi về nơi đây không chỉ là màu trắng của mây, màu xanh của biển, màu lấp lánh của những nụ cười… mà còn là màu khỏe khoắn của những chiếc thuyền thúng đang thênh thang cưỡi sóng hay nằm thảnh thơi phơi mình trên bãi cát thong dong.

Người dân tỉnh Quảng Nam làm thuyền thúng thủ công

Thuyền thúng là phương tiện đánh bắt thô sơ gắn liền với đời sống của ngư dân nhiều vùng miền biển Việt Nam, đặc biệt là miền Trung thuần hậu, từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, tới Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, qua Bình Định, Nha Trang, Bình Thuận… đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của những chiếc thuyền thúng mộc mạc. Ngư dân các vùng biển này sử dụng thuyền thúng để đánh bắt gần bờ như câu mực, lặn sò và cả kéo lưới. Song tùy địa phương mà thuyền thúng được sử dụng theo những mục đích khác nhau. Bình Thuận thường để câu tôm và mực, Lý Sơn thì bắt sò, còn Phú Yên thì đánh bắt cá. Ngoài ra, thuyền thúng ngày chăm chỉ ra khơi, mang theo ước mơ và khst vọng còn được theo các tàu thuyền lớn ra khơi xa phục vụ nhu cầu vận chuyển con người, hàng hóa hoặc cứu sinh trong các trường hợp khẩn cấp. Trong các tour du lịch sinh thái miền sông nước bên những rặng dừa soi bóng, hay lênh đênh giữa bao la biển rộng ngắm san hô, thuyền thúng chính là phương tiện hữu hiệu giúp du khách có thể thong thả để tận hưởng trọn vẹn vùng không gian tươi đẹp ấy. Chưa kể thuyền thúng còn góp mặt trong các lễ hội đua thuyền tại các hội làng địa phương, tạo nên tinh thần hứng khởi và gắn kết, làm giàu truyền thống của người dân miền biển ngày ngày chăm chỉ ra khơi, mang theo ước mơ và khát vọng về một cuộc sống sung túc, yên bình.

Những chiếc thuyền thúng làm bằng composite ở vùng biển vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên

Ưu điểm của chiếc thuyền thúng là gọn nhẹ nên dễ dàng di chuyển xuống nước hơn so với các con thuyền thân dài. Thuyền cũng hiếm khi bị lật úp bởi có khả năng cưỡi sóng thay vì cắt ngang mặt nước như các loại thuyền khác. Thuyền có hai kích cỡ, loại lớn có đường kính 2,2m, loại nhỏ có đường kính 1,8m. Đan thuyền thúng đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, có sức làm việc bền bỉ dẻo dai với kỹ thuật và kinh nghiệm tốt. Quan trọng nữa, người thợ phải làm chúng với cả tâm huyết và sự cẩn trọng, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ, thuyền bị thấm nước hoặc bị đánh úp, sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Ngư dân sử dụng thuyền thúng để đánh bắt gần bờ

Để làm một chiếc thuyền thúng phải cần tới 5-7 cây tre loại đặc, không non quá cũng không già quá và chỉ dùng cật từ nửa thân tre trở xuống. Tre sau khi cạo sạch lớp áo xanh bên ngoài sẽ được chẻ thành những nan nhỏ theo kích thước bằng nhau đã định sẵn, sau đó vót bỏ ruột chỉ lấy cật và đem phơi chừng 4-5 ngày cho khô rồi mới bắt đầu đan. Nan vót cần đều tay để khi đan các dải tre đều đặn, kín khít, không bị dày mỏng lộ cộ. Ở khâu tạo hình thuyền, người thợ cần kiểm tra và định mẫu rồi mới cắt, gọt nan cho sát mép để đặt vành (còn gọi là lận vành). Vành được làm từ cật tre tốt sẽ giúp thuyền giữ thăng bằng tốt, dây cột vành phải là loại dây cước dai bền để chịu được nắng mưa và nước sông, nước biển. Kết thúc khâu đặt vành, thuyền sẽ được mang ra phơi nắng cho đến khi cứng cáp rồi đem đi quét phân bò. Phân đến khi cứng cáp rồi đem đi quét phân bò. Phân bò tươi sau khi đánh nhuyễn sẽ được người thợ trát vào các khe nan để lấp đầy các kẻ hở, tạo thành lớp bảo vệ chống thấm cho thuyền. Sau khi phơi khô, thuyền tiếp tục được quét lớp dầu rái hay nhựa đường hoặc dầu composite để thuyền thêm cứng cáp và duy trì tuổi thọ.   

Song cũng có nơi không tạo hình thuyền thúng trên cạn mà tạo hình dưới hố, gọi là làm thúng chai. Người thợ đào hố tương đương với kích cỡ chiếc thuyền, sau đó họ đặt mê đã đan xuống hố để tạo hình. Tạo hình đến đâu thì dùng cát xung quanh tấn xuống đến đó cho đến khi thuyền làm hoàn chỉnh. Cách làm này mất thời gian và công sức hơn nhưng lại cho ra những chiếc thuyền có kỹ thuật cao và độ bền lớn.

Du lịch trải nghiệm thuyền thúng có trong các tour tại tỉnh Quảng Nam

Tuy nhiên những năm gần đây, chiếc thuyền thúng đã có phiên bản mới hơn, đó là thuyền thúng composite. Loại thuyền này là được sản xuất bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh nên bền và nhẹ, chịu nước tốt, không bị ăn mòn, không cần bảo dưỡng. Thuyền có đường kính đáy nhỏ hơn đường kính miệng thúng giúp giảm lắc, khó lật và giảm lực cản khi di chuyển, có thể chở nhiều người hơn thuyền thúng đan bằng tre. Khi bị va đập vỡ, các mảnh của thuyền thúng composite nổi trên nước và có thể dùng làm vật cứu hộ. Nhiều nơi thuyền thúng còn được lắp cánh buồm hoặc động cơ để tiết kiệm sức người và giúp thuyền đi xa hơn. Có cả những chiếc thuyền lắp kính cường lực dưới đáy phục vụ du khách ngắm san hô và các loài động, thực vật dưới đáy biển.

Có thể nói, chiếc thuyền thúng không chỉ là phương tiện mưu sinh, mà còn là vùng ký ức ẩn chứa vui buồn, chứng kiến bao thăng trầm đời người theo dặm dài năm tháng. Chúng còn là minh chứng cho khát vọng mãnh liệt và sức sống trường tồn của người dân biển miền Trung giữa nắng gió khắc nghiệt. Và cứ thế, những chiếc thuyền thúng sắc màu tươi vui cứ dập dềnh giữa biển khơi như từng đốm nắng xôn xao thắp lên bao hy vọng về cuộc sống ấm no và hạnh phúc.