Lê Thao
Ảnh: Hải Piano Nguyễn

Hà Giang luôn là một ẩn số với những người đam mê khám phá thiên nhiên hùng vĩ. Có nhiều cách để tới Hà Giang nhưng với các phượt thủ, họ luôn cố công tìm những cung đường mới lạ để tiếp cận như đi xuyên từ Bắc Hà, Lào Cai bám theo dòng sông Chảy qua Xín Mần đến với Hoàng Su Phì để thưởng thức phong cảnh của ruộng bậc thang trên lưng chừng núi, hay cưỡi trên lưng gió Đường 4 hào hùng, dọc theo biên giới từ Cao Bằng sang thẳng Mèo Vạc. Có lẽ thú vị hơn cả là đi thuyền xuyên hồ Ba Bể của Bắc Cạn, đến Thác Đầu Đẳng thì đổ bộ lên Bắc Mê, từ đó đi theo con đường Du Già lên đến Đồng Văn rồi trở về với đường đèo Mã Pì Lèng huyền thoại.

Hà Giang mùa nào cũng đẹp, đó là nhận định của hầu hết những ai đã đến nơi này. Với tôi, mùa xuân và mùa thu là lúc cảnh sắc và những nét văn hóa của Hà Giang hiện lên rõ hơn cả. Hãy bắt đầu bằng mùa xuân, thời điểm nông nhàn nhất của vùng cao. Các phiên chợ đông vui nhộn nhịp, trai gái bản xúng xính trong những bộ quần áo thổ cẩm sặc sỡ đua nhau khoe tài trong lễ hội. Bên cổng nhà sàn, hoa đào, hoa mận quyện trong sương sớm. Những chiều tháng 4, các triền núi mờ trong khói đốt nương. Các triền núi được phát quang lộ ra màu đất mới đỏ rực trong nắng. Tháng 5, nước về, người ta dẫn nước vào ruộng rất tài tình bằng những thân tre bửa đôi gác lên nhau vượt hàng trăm mét qua những khe núi. Những thửa ruộng bậc thang đầy nước lấp lánh như ngàn vạn tấm gương dát bạc lên sườn đồi. Tiếng giục trâu cày, tiếng cười rộn ràng của đám cấy vọng lên từ thung lũng. Trên đường, từng nhóm thợ ảnh vác ống kính khủng bấm liên hồi. Ở những sườn cao, các gia đình người Mông dàn hàng ngang thả từng hạt ngô vào hốc đá.

Xanh mướt tới tận mùa thu, đồi núi bắt đầu thay áo mới, những thửa ruộng bậc thang vàng rực, các nhiếp ảnh gia lại háo hức chạy tới chạy lui để tìm cho được những khoảnh ruộng bậc thang còn xanh làm điểm nhấn trong bức tranh mùa vàng. Lúa đã đầy bồ, ngô đã dăng hàng ngoài hiên, trên gác bếp. Khi cơn gió se se lạnh thổi về, cao nguyên đá xám ngắt, tĩnh lặng nín thở chờ một hơi gió nữa thôi là hàng ngàn, hàng vạn nụ hoa tam giác mạch bừng nở, những bông hoa bé xíu như những hạt thời gian chuyển dần từ màu xanh lục, trắng, tím, hồng, tím đậm. Cúi thấp một tí thôi, để những bông hoa nhỏ ngang tầm mắt, bạn sẽ thấy cánh đồng hoa như rộng ra, ngút ngàn trải dài trên nền núi xanh biếc.

Nhìn từ xa, cao nguyên như một con nhím khổng lồ với bộ lông bằng đá, lại gần chúng ta như lạc vào một đội hùng binh. Những khối đá tai mèo sắc lẹm cao từ 2 đến 3m xếp thành nhiều hàng dài, có chỗ đá mọc sát nhau chỉ còn một khe hẹp đủ cho người lách qua, nếu không đi theo lối mòn chắc bạn sẽ bị lạc trong rừng đá. Một trong những cái thú khi đến Hà Giang mà không phải ai cũng biết, đó là dừng lại bên đường, nơi có những khúc cua hoặc tốt nhất là khi lên đến đỉnh núi, nếu bạn không phải là người sợ độ cao, hãy chọn một mỏm đá chắc chắn ngồi thả chân xuống vực. Lặng ngắm không gian nơi đây, chỉ là đá thôi, nhưng với hàng triệu năm, gió và nước đã chạm khắc thành những tác phẩm muôn hình vạn trạng. Hun hút dưới chân là dòng suối mải miết luồn lách qua khe núi tìm đường đổ ra sông. Những kỳ tích của con người cũng chỉ là những con đường ngoằn ngoèo, mảnh mai như những sợi chỉ quấn quanh sườn núi. Giữa thiên nhiên hùng vĩ, ta được thấy mình như trở về cõi hồng hoang.

Điểm nhấn giữa mênh mông đá là những ngôi nhà trình tường được bao bọc bằng những bức tường đá như những ốc đảo. Trước đây, đó là những pháo đài thực sự và rất kiên cố, đừng nên đường đột thâm nhập bởi những người dân ở đó còn đang lưu giữ những phong tục tập quán có từ hàng ngàn năm. Con đường gần nhất để lọt vào một trong những ốc đảo đó là từ trên nương. Bạn sẽ ngỡ ngàng khi họ nói cho bạn biết họ sẽ thu được bao nhiêu bắp ngô mùa này mà chưa cần phải thu hoạch hết, hay chỉ cho bạn bắp ngô nào có thể để làm giống cho vụ mùa sau. Bạn sẽ muốn thử sức với chiếc gùi ngô nặng trĩu. Bên trong những hàng rào đá không hề nhỏ như ta thấy khi nhìn từ trên núi, có nơi có cả một dòng họ sinh sống. Những ngôi nhà trình tường bằng đất dày đến hàng mét thực sự là chiếc điều hòa đa năng, dẫu cho mùa hạ nắng cháy, hay mùa đông giá lạnh, thì trong nhà vẫn luôn ở nhiệt độ trung bình. Bên bếp lửa nồng nàn mùi bánh ngô hấp, những câu chuyện về kỹ năng sống nơi cao nguyên đá sẽ cho bạn thêm kiến thức về bản năng sinh tồn của con người.

Cuối cùng, có một địa danh ở Hà Giang mà ai cũng muốn được ghi dấu chân mình. Đó là cột cờ Lũng Cú – nơi địa đầu của tổ quốc. Lũng Cú được ví như chóp nón của người Việt với 3 mặt tiếp giáp biên giới. Tại đây, từ thời Lý đã có một cột cờ trên đỉnh núi Rồng khẳng định chủ quyền của tổ quốc. Đứng trên cột cờ, quay mặt về hướng nam, nhìn thế núi sông, từ con đường, ruộng lúa, nương ngô đều phảng phất hình ảnh đất nước Việt Nam cong cong hình chữ S. Trào dâng trong lòng một cảm giác thiêng liêng về đất mẹ!