Bài: PGS.TS. Trịnh Sinh
Ảnh: Nhiếp ảnh gia Lê Bích

Từ xa xưa, ngôi đình đã là hồn cốt của người Việt. Đấy là một trong những hằng số của văn hóa Việt Nam: cây đa, bến nước, mái đình liêu xiêu. Những tưởng cái mái đình ấy không có ở nơi đô hội, bộn bề như phố cổ Hà Nội. Hóa ra không phải vậy. Chúng ta hãy đi dạo một vòng để chiêm ngưỡng những mái đình còn lại hiếm hoi này.

Ngôi đình Việt có từ thời Trần và nở rộ vào thời Lê Trung Hưng. Suốt hơn 700 năm, đình đã là nơi quần tụ của dân làng như một nơi hội họp bàn về “việc làng”, lấy hương ước của làng làm chuẩn mực để xử kiện, phạt vạ. Đình là nơi phân biệt ngôi thứ rõ nhất trong làng, nhất là trong dịp chè chén, “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Đình còn là nơi thờ Thành Hoàng, một vị thần có công với làng với nước. Ngôi đình còn được gắn với lễ hội, rước thần và tế thần thể hiện tâm thức ngàn đời của nền văn minh nông nghiệp của cư dân trồng lúa nước với nét tâm linh uống nước nhớ nguồn, cũng là chỗ để vui chơi trong dịp nông nhàn. Đấy cũng là sân khấu tự nhiên nhất của những chiếu chèo, hát “cửa đình” tự biên, tự diễn. Vì thế mà dường như làng nào cũng có đình và ngôi đình bước vào tâm thức của người Việt một cách tự nhiên lúc nào chẳng ai hay nữa.

Hà Nội trước kia là Kinh đô của nước Đại Việt. Bao quanh Kinh đô là làng. Rồi từ làng mọc lên phố, nhất là ở mạn giáp với sông Hồng-cái trục giao thông quan trọng bậc nhất bấy giờ, cũng là nơi cung cấp mọi loại hàng hóa và con người các tỉnh thành kéo về lập nghiệp. Nhất là vào thời Lê và thời Nguyễn, bên cạnh một Hà Nội Kinh thành còn có Kẻ Chợ mà hạt nhân chính là khu vực phố cổ hiện nay. Lần giở Đại Nam Nhất Thống Chí, ta còn thấy được bóng dáng những làng-phường nghề-phố chợ được ghi lại: phố Hà Khẩu bày bán các thứ như sách vở, dược liệu phương Bắc, có tên nữa là Hàng Buồm. Phố Hàng Mã bán đồ Mã, chữ gọi là phố Trừng Thanh. Phố Hàng Bạc buôn bán các hàng vàng bạc châu báu, phố này trước thuộc phường Đông Các, thôn Dũng Hán thuộc phường này tức là thôn Dũng Thọ… Nguyên trước có 36 phố phường, nay ở quanh phía đông nam tỉnh thành gồm 21 phố, nhà ngói như bát úp, tụ họp các mặt hàng. Các nhà khoa học đã thống kê ở khu vực này có tới 70 ngôi đình thờ tổ nghề.

Những thị dân phố cổ vốn có gốc từ làng. Vì thế mà từ làng lên phố chợ lập nghiệp, họ đã mang theo hành trang không thể thiếu được: tay nghề để sinh nhai, tâm thức về nguồn cội: chính là mái đình, nơi hội tụ ký ức cũng là nơi quần tụ người cùng làng, cùng nghề bao bọc nhau giữa phố chợ. Đình ra đời trong hoàn cảnh đó. Một thời đình làng trong phố nở rộ là vì vậy, đúng như Hải Thượng Lãn Ông khi đến thăm Kinh đô năm 1783 đã viết “Lâu quán đình đài tiếp viễn thiên” (Đình đài, lầu quán san sát nhau đến tận chân trời).

Đến nay, hơn 200 năm trôi qua, nhiều ngôi đình trong phố cổ mà Hải Thượng Lãn Ông từng đến thăm đã không còn nữa, đã bị phá hủy trong quá trình đô thị hóa. Trong một cuộc triển lãm về đình làng của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, có nghệ sĩ chụp ảnh cất công tìm về vị trí 71 cái đình xưa trong quận Hoàn Kiếm, mới biết được khách sạn, cửa hàng đã chen chỗ. Đình không còn hay đã chỉ còn nằm chơ vơ trên tầng thượng của một cơ sở kinh doanh nào đó.

May mắn thay, qua bao cơn bể dâu, vẫn còn một số ngôi đình ở phố cổ. Đó là 7 ngôi đình đã được xếp hạng di tích quốc gia mà chúng tôi xin liệt kê một số:

Đình Thanh Hà ở 10 Ngõ Gạch vốn thuộc thôn Thanh Hà, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương. Đền thờ tướng quân Trần Lựu đời Trần. Đền có hướng đông, vẫn còn nguyên dấu tích cửa đình, 3 gian Tiền Bái. Tại đây còn lưu được một tấm bia có niên đại thuộc loại cổ nhất của Hà Nội khắc từ thời Vua Lê Thái Tổ. Hàng năm, dân địa phương vẫn tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của vị Thành Hoàng.

Đình Kim Ngân ở 42 phố Hàng Bạc. Đình được người dân Châu Khê (Hải Dương) quyên góp cùng làm để thờ tổ Bách Nghệ, trong đó có nghề của làng cũ là nghề chế tác vàng bạc. Đến thăm đình hôm nay vẫn còn thấy vẻ hoành tráng với Nghi Môn, sân đình, ba gian Tiền Tế, ba gian Hậu Cung.

Đình Yên Thái ở 8 Ngõ Tạm Thương. Đây vốn thuộc về thôn Yên Thái, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương. Đền thờ Linh Nhân Thái Hậu đời Lý, người sùng đạo Phật và xây dựng nhiều ngôi chùa đẹp đến nay vẫn còn. Đây cũng là một ngôi đình có mặt bằng hình chữ công (I) với ba gian Tiền Tế và ba gian Hậu Cung.

Ngôi đình Hà Vĩ hiện ở số nhà 11 phố Hàng Hòm, nguyên là đất của thôn Cổ Vũ Thượng, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương. Đình thờ tổ nghề sơn của làng Hà Vĩ là Trần Lư. Khi người làng này ra Hà Nội làm hòm, trát, đồ gỗ có sơn thì lấy tên làng gốc ở huyện Thường Tín, xây đình thờ tổ. Hàng năm đình mở lễ hội vào đầu tháng hai, rước kiệu thờ Thần quanh phố. Dân làng Hà Vĩ gốc ở Thường Tín cũng đến dự.

Những ngôi đình ở Hà Nội còn lại quả là một di sản vô cùng quý giá. Đó chính là nơi lưu giữ ký ức của người Hà Nội xa quê. Những phút xao lòng đứng giữa đình mà nghe câu ca dao:

“Qua đình ngả nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”

Mái đình còn là nơi lưu giữ các mảng nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc cổ truyền đẹp và thuần Việt. Nơi đây những thế hệ ông bà dắt cháu con đến để giới thiệu về các vị Thành Hoàng có công với nước, có công với làng nghề và còn là nơi quần tụ những lớp cư dân xa gần về ngày hội chung dưới mái đình. Không chỉ ngày xưa, mà nay ngôi đình còn là nơi quảng bá nét đẹp của người Tràng An. Muốn hiểu lịch sử Thăng Long-Hà Nội chỉ cần thăm thú một vòng quanh phố cổ, nơi vẫn còn những mái đình nép mình đâu đó giữa một không gian đô thị đang thay đổi hàng ngày.