Bài: NGUYỄN HOÀNG HƯƠNG DUYÊN
Ảnh: TƯ LIỆU, PHẠM PHÙNG
Theo thần thoại Ấn Độ, Ganesha là vị thần thông thái, mang lại sự may mắn. Thần đã bẻ gãy chiếc ngà của mình để ghi lại bản trường ca nổi tiếng Mahabharata. Thần được các tín đồ Hindu giáo yêu mến và thờ cúng rộng rãi ở Ấn Độ và nhiều nước Đông Nam Á. Người Chăm ở Việt Nam có cả một kho di sản điêu khắc đá nổi tiếng mang đậm dấu ấn Hindu giáo, trong đó có pho tượng Ganesha ở tư thế đứng, được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam vào cuối năm 2020.
Trong đợt khai quật tại Mỹ Sơn năm 1903, nhà khảo cổ học Henri Parmentier và các cộng sự đã phát hiện pho tượng này tại tháp Mỹ Sơn E5. Tượng bằng sa thạch, thể hiện thần ở dạng đầu voi mình người với chiếc bụng phệ, thân hình mập mạp và một chiếc ngà, trên trán có con mắt thứ ba. Thần đeo vòng cổ, vòng tay, dải hộ tâm và sợi dây rắn quấn ngang từ vai xuống bụng. Trang phục là một sampot ôm hai chân, vạt trước dài với nhiều nếp xếp, bên ngoài phủ một lớp da hổ quấn quanh hông có thể nhận biết qua chiếc đầu hổ nằm dưới thắt lưng. Sampot được giữ chặt ở phần hông bởi một thắt lưng to bản có khoá được trang trí hoa lá đối xứng nhau.
Từ khi đưa vào Bảo tàng Điêu khắc Chăm năm 1918, tượng chỉ còn lại một cánh tay trái bên dưới, cầm cái chén với chiếc vòi đặt vào trong. Theo ảnh chụp tại hiện trường khai quật của Charles Carpeaux và bản vẽ của Parmentier, tượng có bốn cánh tay, đứng trên một bệ yoni (hiện trưng bày trước tháp Mỹ Sơn E5). Tay phải phía trên của tượng cầm một chuỗi tràng hạt (aksamala) biểu tượng của việc tu tập khổ hạnh trong khi tay trái phía trên dường như cầm một chiếc rìu (parasu) tượng trưng cho việc xoá bỏ mọi dục vọng và ảo tưởng. Ở hai tay dưới, tay trái cầm cái chén và tay phải nắm một cây củ cải dại (mulakakanda). Chén kẹo (modaka) là vật dâng cúng được thần yêu thích, đồng thời tượng trưng cho phần thưởng của việc đi tìm giác ngộ về tinh thần. Đối với người Hindu cổ đại, Ganesha cũng là vị thần bảo vệ mùa màng. Cây củ cải là vật dâng cúng cho thần trong nghi lễ và trở thành vật cầm tay ở một số tác phẩm điêu khắc, thể hiện mối quan hệ giữa vị thần và nông nghiệp.
Hình tượng Ganesha xuất hiện trong điêu khắc Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 5 sau công nguyên. Từ đó, những câu chuyện về Ganesha xuất hiện nhiều trong các kinh văn Purana. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng hình tượng vị thần đầu voi xuất hiện sớm hơn trên các đồng tiền Ấn Độ – Hy Lạp và các tác phẩm điêu khắc của vùng Mathura. Vậy tại sao lại là vị thần đầu voi mình người? Theo một số học giả, trước khi người Aryan di cư xuống miền đất Ấn Độ, các bộ lạc bản địa sống trong rừng đã có tập tục thờ thần voi để ngăn ngừa các đàn voi phá hoại mùa màng, đe dọa cuộc sống. Các nguồn tài liệu viết giai đoạn sớm cũng mô tả một hung thần đầu voi, tên Phạn ngữ là Vighna-asura, gây trở ngại cho các vị thần cũng như con người. Tín ngưỡng thờ thần voi theo thời gian đã đi vào điêu khắc và thần thoại, được nhân cách hoá thành vị thần có đầu voi mình người, con trai của thần Shiva và nữ thần Parvati, với nhiều dị bản chuyện kể khác nhau để lí giải về sự ra đời, hình dạng cùng những vật biểu trưng của thần. Nằm trong vùng ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á cổ đại đã tiếp nhận hình tượng Ganesha từ rất sớm, như được thấy qua các tác phẩm điêu khắc thời kỳ tiền Angkor và Cham Pa có niên đại vào thế kỷ thứ 7 sau công nguyên.
Tượng Ganesha đứng của Champa được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ 7–8 qua đối sánh với chi tiết trang phục và hoa văn thể hiện trên đài thờ Mỹ Sơn E1 và tượng Vishnu tìm thấy ở Đa Nghi (Quảng Trị). Ở hang Ravana Phadi và làng Benisagar (Ấn Độ), hai pho tượng Ganesha tiêu biểu có niên đại thế kỷ 6–7 cũng được tìm thấy, thể hiện thần cầm cây củ cải ở tay phải. Trong điêu khắc Champa, vật cầm tay này cũng xuất hiện trong hai tượng Ganesha dạng ngồi, niên đại thế kỷ 7–8, phát hiện tại Cẩm Lệ (Đà Nẵng) và Trương Xá (Quảng Trị).
Sau hơn một thế kỷ từ ngày được Henri Parmentier khai quật (1903), bức tượng vẫn mang những giá trị độc đáo về mặt tiểu tượng học và là minh chứng sống động cho sự du nhập từ rất sớm của hình tượng Ganesha vào Đông Nam Á nói chung. Tượng đã được chọn trưng bày ở nhiều triển lãm quốc tế như tại Paris vào năm 2005 – 2006 và tại New York năm 2014. Hiện tại, một phiên bản của tượng đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.