Đức Dumbo
Nguyễn Hoàng Sơn, quản lý dự án “Green River” cho biết, lý tưởng cao nhất và sau cùng của anh và các thành viên là tất cả dòng sông ở Việt Nam được trong sạch như vốn dĩ phải thế.
Hoàng Sơn là một trong những người khởi xướng và hiện là quản lý của Green River, dự án hướng đến mục tiêu làm sạch những dòng sông. Năm 2020, Green River gây tiếng vang với chương trình “Cái Răng Green River 1”, tặng thùng rác tái chế cho các hộ kinh doanh trên sông.
Heritage Fashion trò chuyện với Hoàng Sơn để hiểu hơn về hành trình lý tưởng của anh, một “thủ lĩnh” còn rất trẻ của dự án cộng đồng.
Green River được khởi sinh như thế nào trong anh?
Có lẽ là một quá trình lâu dài. Tôi sinh ra ở miền Tây và lớn lên trên ghe nên có những ký ức rất đẹp với sông nước miền Tây. Nhưng càng lớn, thấy những dòng sông dơ bẩn dần với rất nhiều rác thải, tôi nghĩ mình cần phải làm điều gì đó để bảo vệ dòng sông quê hương.
Rất may mắn, nhờ chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh khí hậu Việt Nam” (VCLI) do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức vào năm 2019, tôi có cơ hội được kết nối với những bạn trẻ cùng lý tưởng và Green River ra đời vào tháng 12/2019. Hiện tại, Green River là một thành viên của “Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng” (NICE) Việt Nam.
Nguyên tắc hoạt động của Green River là gì?
Trên tinh thần phi lợi nhuận vì cộng đồng, chúng tôi đặt ra 3 trụ cột chính là: “Truyền thông, cộng đồng và công nghệ”. Chúng tôi vừa thực hiện những chương trình tuyên truyền kêu gọi mọi người bảo vệ những dòng sông, vừa đồng thời áp dụng công nghệ để đạt được hiệu quả tốt nhất.
“Cái Răng Green River 1” đã gây tiếng vang vào năm 2020, đó hẳn là một thành quả tốt đẹp?
“Cái Răng Green River 1” là dự án khởi đầu của Green River. Dự án diễn ra tại Chợ nổi Cái Răng với mong muốn giải quyết vấn đề rác thải trên chợ nổi để du lịch phát triển, kinh tế ổn định và không còn tình trạng ô nhiễm, tránh ảnh hưởng đến hạ nguồn và gây ô nhiễm khi đổ ra biển.
WSCA là một sáng kiến, đồng thời cũng là trụ cột thứ ba của dự án, tức công nghệ. Cơ chế của WSCA như thế nào và độ khả quan khi nhân rộng?
WSCA (Water Surface Cleaning Autobot) là máy thu gom rác trên mặt nước điều khiển từ xa. Chiếc máy hiện tại có 2 phiên bản, WSCA 1.0 hoạt động tại Chợ nổi Cái Răng và WSCA 2.0 đang được phát triển hoạt động tại sông Thu Bồn – Phố cổ Hội An và Cù Lao Chàm. Đối với WSCA 1.0, máy được vận hành nhờ năng lượng điện từ bình ắc quy, có mạch điều khiển từ xa kết nối WiFi với điện thoại và cuốn rác bằng nguyên lý cuộn băng chuyền. Chiếc máy có thể chứa 30kg rác và có nhiều bộ phận được làm từ vật liệu tái chế.
Khi kết nối với điện thoại, chiếc máy sẽ được điều khiển vào vùng nước có rác, băng chuyền cuốn nước vào hộc chứa. Rác sau khi gom sẽ được đưa đến cơ sở xử lý rác địa phương. Rác thải hữu cơ sẽ được đem đi ủ phân và rác thải vô cơ sẽ tái chế thành các sản phẩm khác.
Còn WSCA 2.0 làm bằng chất liệu chống oxi hóa, chịu lực tốt, tích hợp năng lượng mặt trời, camera nhận diện rác và camera quan trắc dưới nước. Mục tiêu hướng đến là giải quyết 80% rác thải tại nơi hoạt động của máy. Trên thân máy còn dán những hình ảnh tuyên truyền về việc sử dụng công nghệ xử lý rác thải.
Sau Cái Răng, WSCA sẽ tiếp tục đến đâu?
Sẽ là Cù Lao Chàm vào giữa năm nay. Dự án “Cham Green Ocean” được Green River triển khai với sự đồng hành, hỗ trợ từ UNESCO và Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm với mong muốn giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên đại dương, bảo vệ khu dự trữ sinh quyển, phục vụ cho mục tiêu một thành phố không còn rác thải vào năm 2025 của chính quyền thành phố Hội An.
Sau hơn một năm vận hành, vấn đề lớn nhất mà dự án gặp phải hiện tại?
Tài chính là vấn đề lớn nhất. Dự án còn non trẻ nên dù đã bước đầu thành công, vẫn cần lan tỏa hơn nữa. Chúng tôi hiện chưa có đủ điều kiện để phát triển và đặt nhiều máy thu gom rác thải hơn.
Đội ngũ nhân sự hiện tại của Green River như thế nào?
Hiện tại chúng tôi đang có tổng cộng hơn 60 thành viên và tình nguyện viên tại TP.HCM, Cần Thơ và Hội An. Tất cả các bạn chủ yếu là sinh viên đến từ các trường đại học tại địa phương, ở Hội An còn có những bạn đang là học sinh phổ thông. Chúng tôi có 6 người trong ban điều hành.
Mong muốn lớn nhất hiện tại của anh, cũng như dự án là gì?
Mong muốn và mục tiêu lớn nhất của tôi cũng như Green River là làm sao để những dòng sông ở Việt Nam không còn rác thải. Chúng tôi cũng luôn đặt câu hỏi: “Green River cần phải làm gì hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu này?”.
Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nhiều bạn trẻ tham gia dự án để phát triển số lượng thành viên, kết nối những người có chung lý tưởng. Khi có thêm sức mạnh từ mọi người, tôi tin mong muốn đó sẽ sớm thành hiện thực.
Cảm ơn anh đã chia sẻ về dự án!
ĐÓN ĐỌC TẠP CHÍ HERITAGE SỐ 250 PHÁT HÀNH
TRÊN MỖI CHUYẾN BAY CỦA VIETNAM AIRLINES
Địa chỉ: 200 Nguyễn Sơn, Quận Long Biên – Hà Nội
Giấy phép đăng ký xuất bản số 266/GP-BTTTT do bộ Thông tin và Truyền thông nước CHXHCN Việt Nam cấp ngày 26/06/2015. Không được tái bản bất kỳ phần nào của Tạp chí này nếu chưa được Vietnam Airlines chấp thuận bằng văn bản.
Vietnam Airlines độc quyền xuất bản Tạp chí này và giữ bản quyền 2023.
Necessary cookies are absolutely essential for the website to function properly. This category only includes cookies that ensures basic functionalities and security features of the website. These cookies do not store any personal information.
Any cookies that may not be particularly necessary for the website to function and is used specifically to collect user personal data via analytics, ads, other embedded contents are termed as non-necessary cookies. It is mandatory to procure user consent prior to running these cookies on your website.