Giang Lê

Chỉ bằng một tờ giấy và không sử dụng bất cứ các dụng cụ cắt, dán nào, người nghệ sĩ có thể gấp được một chú sư tử sống động thu nhỏ với từng đường nét tinh tế mang vẻ dũng mãnh của vị chúa tể sơn lâm. Đó chỉ là một trong những màn trình diễn thị giác tuyệt vời của một nghệ sĩ gấp Origami ở Việt Nam. Hãy cùng Heritage khám phá thú chơi Origami đang phát triển ở Việt Nam qua đôi bàn
tay khéo léo của những bạn trẻ: những người đang cố gắng tạo ra những thế giới kì diệu nguyên sơ

Chú chim ruồi Nghệ sĩ Hoàng Tiến Quyết

Origami bước ra thế giới từ tình yêu
Có lịch sử tồn tại và phát triển đến hàng trăm năm nhưng Origami, môn nghệ thuật gấp giấy của Nhật Bản vẫn không ngừng thu hút các bạn trẻ trên toàn thế giới. Giống như rất nhiều trò chơi dân gian khác, Origami được biết đến thông qua truyền miệng. Chỉ đến năm 1797, cuốn sách đầu tiên hướng dẫn gấp Origami của tác giả Akisato Rito mới ra đời với tên gọi “Sembazuru orikata” nghĩa là “nghìn con hạc”. Hạc giấy cũng là tác phẩm origami được phổ biến rộng rãi nhất trên thế giới không chỉ bởi hạc là con vật mang lại sức khỏe may mắn theo quan niệm của người Nhật mà còn bởi câu chuyện nhân văn ý nghĩa đằng sau truyền thuyết về 1.000 con hạc.

Con bọ ngựa Nghệ sĩ Trần Trung Hiếu

Câu chuyện về Sadako Sasaki, một cô bé 11 tuổi bị nhiễm bệnh ung thư máu sau vụ nổ bom hạt nhân ở Hiroshima năm 1945 đã cố gấp được 1.000 con hạc giấy để cầu mong sức khỏe. Cô bé đã mất trước khi hoàn thành 1.000 chú hạc. Bạn bè cùng lớp Sadako đã cùng nhau hoàn thành 1.000 con hạc giấy cho cô. Câu chuyện lan tỏa khắp nước nhật và khắp nơi người ta gửi đến nơi cô bé sống những chú hạc giấy như một lời ước mong cho một thế giới hòa bình, nơi mà không có trẻ em nào bị ảnh hưởng bởi bom hạt nhân. Câu chuyện giản dị nhưng đầy nhân văn về tình yêu đã vô tình đưa origami đến với tất cả các bạn trẻ khắp thế giới trong đó có Việt Nam. 

Hội chơi Origami ở Việt Nam
Quay ngược thời gian, Origami đã gắn bó với trẻ em Việt Nam từ những môn học thủ công căn bản, từ những con thuyền giấy, những trò chơi mô hình 3D, những bông hoa, những con vật… Những hội gấp
Origami mọc lên và phát triển ở những thành phố lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã tụ họp những bạn trẻ thích thú, kiên nhẫn với những nếp gấp tỉ mỉ, logic và đầy sống động. trong một thế giới
của công nghệ phức tạp, người chơi Origami lại thoải mái cho phép mình ngồi nghiền ngẫm mải mê với
những nếp giấy gấp để bung ra những thế giới sống động và thăng hoa, thế giới của tâm hồn.

Chú cáo Nghệ sĩ Hoàng Tiến Quyết

Origami được biết đến và phổ biến rộng rãi hơn là một thú chơi, mà còn là một môn nghệ thuật kết
hợp sự khéo léo tài tình của đôi tay, sự logic của hình học không gian, sự bền bỉ và kiên nhẫn của người
chơi và trên tất cả là trí tưởng tượng phong phú, thứ  trí tưởng tượng thổi hồn cho mọi tờ giấy… Vì thế nên
sức hút của Origami đối với các bạn trẻ Việt Nam là rất lớn. Cứ vào chủ nhật hàng tuần, các bạn trẻ yêu
thích môn origami hà nội lại tụ tập tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô để cùng nhau sáng tạo và chia sẻ
những tác phẩm Origami tuyệt vời. Origami Việt cũng đã có những tác phẩm độc đáo trong triển lãm
origami “Surface to Structure” (từ bề mặt đến cấu trúc) diễn ra tại New York vào tháng 7/2014 như ‘Thánh Michael – tổng lãnh thiên thần’, của Trần Trung Hiếu; Gorila của Nguyễn Hùng Cường và “Sư tử” của Hoàng Tiến Quyết… 

Khi Origami Kết hợp giấy Dó Việt
Giấy gấp Origami thường rất đa dạng và được biến hóa tùy theo kỹ thuật cần có trong từng tác phẩm. Một mảnh giấy có thể được hồ đi hồ lại để tạo độ cứng, sắc nét cho những chi tiết cần tạo hình; nhưng cũng có
thể phải làm mỏng, mềm hơn đối với những tác phẩm đòi hỏi nét uốn nhẹ nhàng, mềm mại.

Nghệ sĩ Nguyễn Hùng Cường trong 1 sự kiện Origami

Giấy Dó Việt là một ví dụ cho sự ứng dụng của các nghệ nhân Origami Việt. Nếu như các nghệ nhân
nhật luôn thích những tờ giấy trắng phau có độ mềm và dai thuộc dạng tinh, các nghệ nhân pháp thiên về
xử lý giấy nhăn thì nghệ nhân Việt nam lại sử dụng các chất giấy có nét thô mộc tự nhiên, độ dai chuẩn.
Giấy Dó thuộc dòng giấy thủ công, mang những đặc tính tốt như dai hơn, cứng hơn, giữ dáng và tạo hình
tốt hơn so với giấy công nghiệp. Nét độc đáo của giấy Dó Việt không nằm ở độ trắng phau hoàn hảo như
Nhật Bản mà lại ở màu sắc thô mộc tự nhiên, khiến cho tác phẩm có độ gần gũi và tính chất thân thiện
với môi trường nhiều hơn.

Việc đưa giấy Dó Việt vào thế giới Origami đã khẳng định sự sáng tạo của những người Việt trẻ đang
cố làm sống lại thứ giấy cổ truyền của dân tộc đang dần bị mai một, và đưa thương hiệu origami Việt ra
khắp năm châu.