Bài: Giang Lê
Ảnh: Giang Trịnh
Có người chọn xa Hà Nội những ngày Tết, nhưng với tôi và cũng như rất nhiều bạn trẻ khác, Hà Nội là chốn trở về để thưởng thức một đặc sản đặc biệt mang tên: Sáng mùng Một.
Buổi sáng đầu tiên của Năm mới Âm lịch ở Hà Nội không quyến rũ ngọt ngào như cảnh sắc Thu “dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai” mà chỉ giản dị và trong lành như hương thơm của một chén trà ấm đầu đông. Không chút ồn ào nhộn nhịp, không còi xe hối hả, Hà Nội khoác lên mình chiếc áo tinh khôi sau cả năm trời tấp nập; và duy nhất chỉ sáng mùng Một ngắn ngủi thôi, thế nên ai bước ra ngoài đường thời khắc này cũng đều cố gắng ngắm thật kỹ “khuôn mặt” của thủ đô và hưởng trọn vẹn cả không khí trong lành ấm áp này.
Nó trái ngược với Hà Nội 365 ngày, với những kỳ nghỉ lễ và trái ngược cả với không khí đêm giao thừa khi dòng người đổ ào về Bờ Hồ và các điểm bắn pháo hoa. Thời khắc đầu tiên của sáng mùng Một, mọi lo toan dường như biến mất, và người ta chỉ thấy một cảm giác dễ nhận thấy là sự thong dong, thanh thản.
Từ sớm tinh mơ, khi đa số mọi nhà vẫn còn đang say trong giấc ngủ thì lác đác những cô bán muối đi khắp các phố phường để làm chút “mở hàng” may mắn trong năm; tức là không cần bán nhiều mà chỉ cần một vài người mua lấy hên. Những người đi lễ sớm hay những cụ ông cụ bà rảo bước hoặc đạp xe sang nhà nhau đón Tết. Tôi, vốn dĩ một người đi “xông đất” đầu năm lại có dịp chứng kiến nhịp sống chậm rãi của người Hà Nội. Những cụ già ở Hà Nội dù mặc trang phục truyền thống hay áo vest hiện đại cũng đều rất chỉn chu gọn gàng. Họ tới nhà nhau xông đất và chúc Tết như một thói quen dễ đến chục năm vẫn không thay đổi. Đối lập với họ là những cô cậu thanh niên dậy từ rất sớm, diện những tà áo dài thướt tha và chụp một phố cổ bình yên ngày Tết. Thế nhưng, có lẽ người hoạt động xông xáo nhất vẫn là những nhiếp ảnh gia. Họ đi từ giao thừa cho đến sáng Mùng một, chộp lại mọi khoảnh khắc từ chợ hoa Nghi Tàm cho đến cầu Long Biên, từ Hồ Tây mờ sương đến Hồ Gươm giờ khắc chuyển giao. Tôi ngồi với họ, uống chén trà đầu năm do một số hiếm các quán xá mở và ngắm phố cổ, mái ngói san sát dưới sắc đỏ thắm của những lá cờ tổ quốc.
Sáng mùng Một, hầu như không có quán ăn nào và rất ít các quán café mở cửa. Những con phố vốn đặc trưng với hàng loạt quán xá nhộn nhịp tối ngày như Đinh Liệt, Tạ Hiện lại được dịp sống chậm lại hay nói đúng hơn là nghỉ ngơi hoàn toàn, trước khi hoạt động lại ngay vào tối mùng Một. Những con đường trung tâm mua sắm như Hàng Đào, Tràng Tiền, Hàng Gai, Hàng Bông cũng bỗng dưng “hiền lành” đến lạ. Hóa ra nét vắng vẻ đó ở Hà Nội lại trở nên đáng yêu chứ không chút gì cảm giác hiu quạnh.
Thế nhưng, nếu ai muốn thưởng thức nó cũng vẫn cần hối hả bởi lẽ đến 11h sáng thôi, cái không khí đó dần biến mất. Nhà nhà đi xuất hành chúc Tết, các chùa đông đúc người đến cầu bình an. Hà Nội dần trở lại khuôn mặt đô thị quen thuộc, và khi đêm buông xuống, phố xá giờ đây đã nhộn nhịp quán xá cafe cho người dân và số du khách háo hức ăn Tết Việt.
Vì ngắn ngủi trong buổi sáng từ tinh mờ đến gần trưa nên cảm giác sống trong giây phút buổi sáng đầu tiên ấy mới trở nên quý hiếm và lưu luyến hơn. Với tôi, đó là một món đặc sản khác của Tết Hà Nội – Buổi sáng đầu tiên tinh khôi.
Bài viết liên quan: