Trần Tấn Vịnh
Việt Nam là quốc gia biển, biển là nguồn sống, là nơi phát sinh và hình thành di sản của cư dân. Những sản phẩm của đại dương như san hô, vỏ sò, vỏ ốc, vỏ điệp từ lâu được con người sử dụng vào nhiều mục đích như làm đồ trang sức hay tiền tệ. Ốc còn là nguyên vật liệu quan trọng trong xây dựng các công trình kiến trúc, nhà ở. Vỏ ốc, vỏ sò dùng để nung vôi làm nguyên liệu sơn quét cho các công trình nhà ở và kiến trúc nghệ thuật như đình, chùa, miếu mạo.
Hàng trăm năm trước, do khó khăn về vật liệu, cư dân ven biển ngoài việc khai thác san hô để nung vôi, còn dùng san hô ép vữa thô sơ để làm tường nhà, tường chùa, tháp, bờ thành… Đó là những căn nhà có bờ tường xù xì được xây bằng san hô ép vữa ở làng chài Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) hay tường xây bằng “gạch” san hô tại ngôi nhà cổ ở Hòn Khói (xã Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Đặc biệt, chùa Từ Vân (Phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) được xây cất bằng đá san hô, vỏ sò, vỏ ốc, tạo nên vẻ đẹp có một không hai ở vùng đất Nam Trung Bộ.
Chùa Từ Vân còn được gọi là chùa Ốc là do đặc điểm của chùa có một số công trình tôn giáo, nơi đặt tượng thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, tháp Đa bảo, hang động nằm dưới mặt đất… được xây từ san hô và trang trí bằng vỏ ốc, vỏ sò. Hòa thượng trụ trì Thích Anh Tông cho biết, từ năm 1985 đến 1995, khi Nhà nước Việt Nam chưa có lệnh cấm khai thác đá san hô nên chùa đã thu nhặt đá san hô ở bãi biển Cam Bình về xây dựng. Hơn nữa, theo kinh Phật thuyết Adi đà thì san hô là vật liệu quý của biển nên các tín đồ muốn sử dụng để xây chùa tháp. Đặc sắc nhất là Bảo tháp cao gần 40m, được xây dựng từ hàng vạn tảng san hô và hàng triệu vỏ sò, vỏ ốc. Tháp hình chóp nhọn, chia thành ba tầng nhô lên cao. Bức tường chịu lực với phần cốt hoàn toàn bằng đá san hô. Lòng tháp hình tròn mở ra 8 cửa, tượng trưng cho Bát Chánh Đạo. Trong tháp có hai tầng, tầng trên thờ Phật, tầng dưới cho khách thăm viếng. Bên ngoài Bảo tháp là 49 tiểu tháp cũng có hình chóp. Trên đỉnh mỗi tiểu tháp lại có một bảo tháp nhỏ. Mặt ngoài Bảo tháp nổi lên từng thớ san hô được đẽo gọt đều nhau.
Thượng tọa Thích Thông Anh trụ trì chùa cùng các nhà sư của chùa tự tay thiết kế, xây dựng tháp theo phương pháp thủ công và phải mất 10 năm mới hoàn thành. Họ đi dọc bãi biển thu nhặt vỏ ốc, vỏ sò, đá san hô để làm nguyên vật liệu xây chùa. Những vỏ ốc, vỏ sò màu sắc xám xanh, ánh bạc xà cừ được lựa chọn theo từng loại, kích cỡ khác nhau rồi mang gắn vào cửa vòm, thân cột, trần nhà, bậc tam cấp… Tất cả được bố cục, trang trí hoàn mỹ đến từng chi tiết, chuyển tải nội dung, chủ đề về Phật giáo như Bánh xe luân hồi, hoa sen… Trong chùa Ốc, ngoài Bảo tháp còn có nhiều động, tượng được làm bằng san hô, vỏ ốc. Chùa Ốc thể hiện rõ nét yếu tố biển trong kiến trúc, trang trí dân gian.
Những vị sư mang tâm hồn và tri thức dân gian miền biển đã xây dựng nên ngôi chùa từ vỏ ốc, vỏ sò, tạo nên ngôi chùa Ốc, một không gian tâm linh có một không hai cho cư dân miền biển. Nơi đây là điểm đến của du khách thập phương muốn được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa miền biển, mang biểu tượng của đại dương.