Bài: TRƯƠNG QUÝ
Ảnh: AMACHAU, NGÔ QUÝ ĐỨC, CAO KỲ NHÂN

Từ xa xưa, những làng xã chính là nơi sản sinh ra những nghệ nhân tạo tác các bảo vật nhân gian. Những ngôi đình có các mảng chạm khắc bay bổng, những pho tượng lưu dấu vẻ đẹp nơi cửa Phật… không đâu khác là nhờ bàn tay người thợ ở các làng nghề.

Nghệ nhân làm gốm ở làng Thanh Hà (Quảng Nam)

Làng nghề là một loại hình cộng đồng kinh tế đặc thù của Việt Nam, bên cạnh làng nông nghiệp truyền thống. Tiểu thủ công nghiệp từ xưa đã góp phần làm nên một trong bốn thành phần “tứ dân” – sĩ, nông, công, thương. Nhiều làng nghề đã làm nên giá trị vật chất lẫn tinh thần của văn minh làng nước, thể hiện những vẻ đẹp tạo tác của cư dân người Việt. Những vẻ đẹp ấy hôm nay đương đầu ra sao với sức ép của công nghiệp tập trung hóa, với sản phẩm của sản xuất quy mô lớn? Vẫn còn đó những làng nghề khẳng định được chỗ đứng bằng cách trở thành điểm đến văn hóa và sáng tạo, nâng tầm cho những sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Trong mỗi ngôi làng ấy, lại có những nghệ sĩ riêng của mình.

Đình làng Đồng Kỵ

Khi làng thành nhng studio nghthut

Làng Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề sơn mài, nhưng không dừng ở một làng nghề thủ công mỹ nghệ sản xuất hàng loạt, giờ đây làng có khá đông gương mặt họa sĩ chuyên nghiệp được đào tạo ở các trường đại học ngành mỹ thuật. Họ trở về làng quê, mở xưởng vẽ và nuôi sống cảm hứng nghề giữa dòng chảy truyền thống. Những cái tên như Trần Công Dũng, Tô Ngọc Trang hay Nguyễn Ngọc đã lập danh bằng những sáng tác mang dấu ấn cá nhân. Du khách đến Hạ Thái giờ đây có thể thăm những studio nghệ thuật kết hợp trưng bày gần cận nhau.

Người Chăm ở Đa Phước (An Giang) và các sản phẩm dệt truyền thống

Điều này không mới, bởi ngôi làng gốm Bát Tràng nổi tiếng đã làm được hai thập niên trước. Khi các sản phẩm thủ công khó lòng cạnh tranh với các dòng gốm sứ công nghiệp, những nghệ nhân cùng các họa sĩ gần gũi với Bát Tràng đã tìm cách tạo ra những tác phẩm gốm sứ đơn chiếc mang tính ứng dụng. Đơn cử như bộ giày gốm sứ của nghệ nhân Vũ Thắng đã được trưng bày tại Trung tâm văn hóa Ý ở Hà Nội, lấy cảm hứng từ những chiếc giày cao gót phương Tây với men và hoa văn kiểu truyền thống Việt Nam. Hiện di sản của ông được trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Hồn đất Việt trong chính khuôn viên ngôi nhà cổ của cố nghệ nhân.Trong khi đó, cũng tại Bát Tràng, Bảo tàng Nghề gốm có quy mô 6 tầng mới được khánh thành. Các không gian này không chỉ trưng bày, là nơi tham quan chụp ảnh lưu niệm trong trào lưu “sống ảo” của giới trẻ mà còn cho họ cơ hội thử nghiệm nghề làm gốm. Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy gần đây cũng gây chú ý với loạt lọ gốm có màu sắc rực rỡ, phá cách cũng là nhờ chị ăn ngủ thường trực ở xưởng gốm trong làng, bên cạnh công việc của một giảng viên đại học ngành du lịch văn hóa.

Những làng gốm có lẽ là loại hình làng nghề có khả năng tạo ra sự chú ý của du khách là nhờ tính ứng dụng cao của sản phẩm. Đồng thời những làng này cũng là môi trường kích thích các nghệ sĩ phát triển sáng tạo đồ gốm sứ lên tầm tác phẩm nghệ thuật. Các làng gốm Thanh Hà (Hội An), Măng Thít (Vĩnh Long) còn gắn với cảnh quan các đô thị di sản hay vùng văn hóa đặc trưng của miền Trung hay miền Tây Nam Bộ.

Sản xuất gốm thủ công ở làng Thanh Hà (Quảng Nam)

To nên nhng cung đưng vàng

Nhiều làng nghề quần tụ quanh một cự ly gần gũi nhau tạo ra những cung đường vàng của du lịch văn hóa. Chẳng hạn trong một bán kính chừng 15 cây số ở các huyện phía nam Hà Nội, có rất nhiều làng nghề như thêu Quất Động (Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (Phú Xuyên), áo dài Trạch Xá (Ứng Hòa), xen kẽ những di tích nổi tiếng như chùa Đậu, chùa Bối Khê hay làng Cựu, nơi bảo tồn nhiều nhà đại khoa thời trước. Các họa sĩ, các nhà nghiên cứu mỹ thuật và thiết kế thời trang đã tìm đến Trạch Xá hay Quất Động để tìm cách phục dựng những chiếc áo dài truyền thống, những mẫu thêu cổ đã có lúc tưởng như thất truyền.

Nghệ sĩ Dũng Dị ở xưởng sơn mài tại làng Hạ Thái (Hà Nội)

Những làng nghề như đúc đồng Đại Bái hay đồ gỗ Đồng Kỵ của Bắc Ninh kề cận những ngôi chùa quốc bảo như chùa Bút Tháp, chùa Dâu hay Phật Tích. Những ngôi làng làm nghề tạc tượng như Bảo Hà (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) hay chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình) lại gắn với những tuyến hành hương về các trung tâm tín ngưỡng cộng đồng.

Ở vùng núi Tây Bắc, các khu du lịch ở Mai Châu (Hòa Bình) đã khiến du khách yêu thích vì hình thức homestay rất phát triển cùng trải nghiệm không gian làng nghề dệt thổ cẩm của người Mường. Ở cực Nam Trung Bộ, làng dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm ở Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận) lại kề cận làng gốm Bàu Trúc, cũng không xa di tích Tháp Chàm Pô Klong Garai, tạo thành một hành trình trải nghiệm văn hóa độc đáo.

Tháp Chăm Pô Klong Garai (Ninh Thuận)

Những làng nghề trụ được với đời sống hiện đại bằng cách dần tìm được cách biến thành các làng nghề ít ô nhiễm, có sinh lợi và gợi ra những khả năng sáng tạo. Những làng nghề vẫn được nhắc đến nhiều trong ngày hôm nay là nhờ sản phẩm có mặt trong đời sống và đặc biệt cùng với sự kết nối các nghiên cứu chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp và kinh tế du lịch, tạo nên ba chân kiềng của sự thịnh vượng mới.