Bài: Thái A
Ảnh: Thái A, Lê Hoàng

Rừng Cát Tiên xưa kia là địa bàn sinh sống của các loài hổ Đông Dương, báo gấm, tê giác một sừng hay còn gọi là tê giác Java, voọc, cá sấu nước ngọt, các loài chim đặc hữu.

Gấu được nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Cát Tiên

Rất khó tin vào hình ảnh những người phụ nữ Châu Mạ chuẩn bị bữa ăn cho khách lưu trú tại Nhà Dài, bởi dù cả đời sinh sống trong khu vực phụ cận của rừng Cát Tiên, song họ lại có thể làm các món súp kem, thịt nướng BBQ, khoai tây bỏ lò… không thua kém những đầu bếp chuyên nghiệp trên thành phố. Trong bóng đêm mịt mùng của rừng già, ánh lửa tỏa ra từ bếp lò, chiếc lều dài ngoài bãi cỏ che phía trên bàn ăn dài được sắp đặt chén đĩa theo tiêu chuẩn châu Âu có sức thu hút mạnh mẽ với du khách, nhất là những người đã đói ngấu sau hành trình băng rừng, khám phá vẻ đẹp nguyên sơ của cánh rừng được đánh giá là đa dạng sinh học nhất khu vực Nam Bộ tại Việt Nam.

Không phải tự nhiên mà hình thành cơ sở lưu trú đậm chất hoang sơ và thu hút khách du lịch như vậy. Khu vực xã Tà Lài cũng như các xã khác quanh vùng Cát Tiên vốn là nơi cư trú nghìn đời của đồng bào các dân tộc Châu Mạ, S’ Tiêng vốn có tập quán sống dựa vào rừng, có một số hoạt động đang dần ảnh hưởng tới quỹ gene của hệ động thực vật. Đứng trước thực trạng đó, từ lâu WWF-Việt Nam (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam) đã nỗ lực xúc tiến các chương trình bảo tồn, từ việc tuyên truyền giáo dục cho người dân cho tới hỗ trợ năng lực kiểm lâm nhằm giảm thiểu những tác động xấu tới rừng.

Voọc đặc hữu Cát Tiên

Một trong các hoạt động đó là dự án phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Tiên. WWF đã cùng công ty Caphex hỗ trợ người dân xây dựng một khu du lịch quy mô nhỏ đậm chất bản địa có tên Nhà Dài. Đây là nơi lưu trú thú vị bên cánh rừng nguyên sinh, là điểm xuất phát cho những chuyến đi rừng, chèo kayak trên sông. Được dựng bằng chất liệu tre gỗ, ngôi nhà tuy đơn giản nhưng rất sạch sẽ, đủ chỗ cho 30 khách cùng lưu trú, chủ yếu dùng năng lượng mặt trời. Dù đến từ quốc gia nào, du khách chỉ sau vài phút đã tỏ ra thích thú với bộ bàn ghế tre đặt ngoài sân, nơi mọi người vừa uống trà, vừa chuyện trò với nhân viên điều hành và dân làng Tà Lài đang làm việc cho dự án. Rất đáng ngạc nhiên khi chúng ta có thể gặp ở đây một vài cô gái S’Tiêng có thể giao tiếp bằng cả 3 ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung, cộng thêm tiếng Kinh phổ thông và tất nhiên, thêm một số ngôn ngữ bản địa. Càng thú vị hơn với những bữa tối ngon lành trên bãi cỏ và sau đó là tiết mục cồng chiêng của đội văn nghệ xã, điệu múa sạp của những người phụ nữ dân tộc Tày bên ánh lửa bập bùng.

Voọc Bạc má

Được điều hành bởi những con người thiện nguyện, Nhà Dài không chỉ đóng vai trò cơ sở lưu trú theo mô hình homestay mà còn là nơi người dân địa phương cùng tham gia khai thác du lịch, từ đó chia sẻ lợi nhuận tới cộng đồng. Quan điểm của WWF cũng như các tổ chức quốc tế khác luôn quán triệt là phải tạo sinh kế bền vững cho người dân, từ đó dần dần hướng cộng đồng tới một đời sống không xâm hại tới rừng. Một phần thu nhập từ Nhà Dài được chuyển vào Quỹ phát triển cộng đồng do xã quản lý và được dùng để hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập một cách ổn định cũng như để tuyên truyền ý thức bảo tồn động thực vật, hỗ trợ hoạt động khai thác du lịch bền vững… Các biện pháp mà WWF-Việt Nam giới thiệu và được Caphex cùng người dân địa phương thực hiện đang tạo ra một lớp bảo vệ vô hình nhưng vô cùng bền vững với Vườn quốc gia. Kinh nghiệm bảo tồn này đã thu nhận được kết quả khả quan không chỉ ở Việt Nam, theo các chuyên gia, những quốc gia như Kenya, Tanzania, Peru, Chile hay Nam Phi… đều có định hướng tương tự với cư dân bản địa, khuyến khích và hỗ trợ sinh kế bền vững thay vì đơn thuần ngăn cấm săn bắt động vật hoang dã.

Chim gõ kiến

Đến với Vườn quốc gia Cát Tiên ngày nay, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn những thảm thực vật nhiều tầng, các thân cây khổng lồ 300 năm tuổi, tìm hiểu đời sống của các loài động vật hoang dã. Ngắm nhìn lũ công về múa trên thảm cỏ ven rừng vào buổi sớm, hồi hộp theo dõi đường bơi của lũ cá sấu nước ngọt, nghe tiếng đàn vượn hú gọi nhau trên tán cây cao…, câu chuyện đó sẽ trở thành ấn tượng khó phai trong ký ức mỗi người. Để có được nhịp sống tự nhiên đó của rừng, WWF và những con người thiện nguyện đã và đang nỗ lực hết mình mà Nhà Dài và các hoạt động độc đáo diễn ra tại đó là kết quả rất đáng khích lệ dành cho cộng đồng.