Với những ai nghiện món hải sản sống chế biến theo kiểu sashimi của Nhật thì cũng rất nên biết đến một món “sashimi” vô cùng nổi tiếng ở Việt Nam: Gỏi cá. Một trong những món gỏi cá ngon trứ danh phải kể đến gỏi cá Nam Ô ở Đà Nẵng, một món đặc sản đậm hương vị biển. Nam Ô là làng đánh cá nhỏ nằm ở cửa sông Cu Đê, ngay dưới chân đèo Hải Vân, nay thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Cá dùng trong món gỏi cá Nam Ô thường là cá trích. Cá trích đánh bắt vào buổi sáng sớm, nên thường được gọi là cá trích mai, tươi ngon và có vị rất ngọt. Sau khi mang về, cá trích sẽ được đánh vảy, cắt đầu, lườn cá, sau đó phi lê thành từng lá mỏng. Ăn cùng gỏi cá là các loại đậu phộng và mè rang giã nhỏ, cùng với bánh tráng nướng đã được giã mịn. Bánh tráng giã mịn sẽ làm cho cá trở nên khô ráo hơn, còn mè và đậu phộng sẽ làm tăng vị béo, thơm. Gừng, tỏi, ớt hiểm giã nhỏ, chanh, giấm gạo trộn lại thành hỗn hợp rồi thả cá trích đã ráo nước vào hỗn hợp, trộn đều và ngâm cá từ 10 đến 15 phút. Vớt cá ra để ráo, trộn với hỗn hợp bánh tráng, đậu, mè. Nước ngâm cá giữ lại, hòa với nước mắm Nam Ô, đường vàng dùng để chấm gỏi cá. Trước khi ăn, bỏ thêm mè, đậu phộng giã nhỏ trộn vào nước chấm để kích thích vị ngon của gỏi. Một nguyên liệu không thể thiếu khi ăn gỏi cá Nam Ô là các loại rau rừng. Đó là lá xoài non, lá đinh lăng non, lá ổi, đọt sim, ngạch ngạch, bông trang trộn cùng với xà lách, rau thơm, diếp cá, hoa chuối, dưa leo, chuối chát.
Bê thui Cầu Mống
Bê Thui Cầu Mống được xem là một đặc sản của xứ Quảng. Bê đem thui ở Cầu Mống được thui từ bê 5 tháng và thui bởi loại cỏ dâu ở hai bên bờ sông Thu Bồn, nên miếng thịt có vị thơm ngọt đặc biệt. Thịt bê thui ngon có màu đỏ hồng nhưng không sống, da vàng rộm mà không khô, không dai và không bị ám khói. Đây là điều đặc biệt của món Bê Thui Cầu Mống. Một điểm nữa làm cho món đặc sản Bê Thui Cầu Mống tại Đà Nẵng càng trở nên ngon, đậm đà và thu hút hơn đó là những thứ ăn kèm với thịt bê: Nước chấm, bánh tráng lề và rau sống. Nước chấm phải được pha từ loại mắm cái thượng hạng làm từ cá cơm, cá nục đánh bắt ven biển miền Trung. Mắm cái sau khi gạn ép xác, lọc lấy nước mới cho thêm tỏi ớt, gừng xay, mè rang, chanh… vào cho vừa miệng. Rau sống là tổng hợp của các loại: tía tô, ngò thơm, xà lách, cải con, khế chua, chuối chát xắt mỏng, rau húng, rau quế, giá, và cả xoài xanh… Bánh tráng để cuốn bê thui phải là bánh tráng nhỏ, mỏng và dai được sản xuất từ trong các lò bánh danh tiếng ở Điện Bàn. Ngoài ra, một vài miếng bánh tráng nướng giòn điểm xuyến vào bữa ăn vốn là thói quen từ bao đời nay của người xứ Quảng. Cầm một miếng bánh tráng lề mỏng, gói ít rau sống, nhón thêm lát chuối chát, đu đủ, bỏ một miếng bê thui, sau đó bẻ một ít bánh tráng nướng… cuộn tất cả lại, chấm vào chén mắm cá, vị ngon lan tỏa từ đầu lưỡi xuống đến cuống cổ khiến không một ai có thể quên được.
Mỳ Quảng
Được biết đến như là một món ăn đặc trưng của miền Trung, mỳ Quảng nổi tiếng khắp cả ba miền với nhiều biến tấu nhưng hương vị mỳ Quảng Nam – Đà Nẵng thì khiến bất cứ ai đã đến đây thưởng thức đều khó có thể quên được. Được chế biến từ gạo nhưng mỳ Quảng lại có sắc thái và hương vị riêng đặc biệt. Gạo là loại không dẻo, hàm lượng bột cao nhưng phải đảm bảo độ kết dính, được ngâm ít nhất trong vòng 1 tiếng, sau đó cho vào cối xay mịn, tráng thành những lá mì mỏng, xếp chống lên nhau và thái sợi. Nước dùng cho mì Quảng được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau tùy theo loại mì mà thực khách muốn dùng. Mì Quảng truyền thống thì nguyên liệu chính là tôm tự nhiên và thịt heo tươi. Tôm sau khi lấy đầu, làm sạch để nguyên con thì được ướp cùng với thịt, một ít tôm được giã nát để cho vào nước tạo vị ngọt tự nhiên. Mì Quảng truyền thống hầu như rất ít khi dùng đường khi chế biến. Nguyên liệu sau khi ướp thì được tao bằng dầu phụng cho đủ độ thấm và nấu với nước dùng. Trong khi giữ nóng nước thì người chế biến chuẩn bị rau và các loại phụ liệu khác. Rau dùng cho Mì Quảng là những loại rau có mùi vị đặc biệt. Người Quảng khi làm mì thì dùng rau Trà Quế gồm cải con (tức là cải vừa nhú mầm), rau húng lủi, rau quế xanh (chứ không phải loại quế cọng đỏ dùng cho phở), xà lách, và đặc biệt là phải có hoa chuối thái mỏng. Cách trình bày mì Quảng cũng có nét riêng biệt với lớp rau sống xanh mát, tiếp đến là mì sợi và chan nước nhưng, sau đó cho hành và ngò lá xanh, đậu phụng rải đều, bánh tráng và 1 quả ớt xanh kèm với 1 lát chanh mỏng.