Trần Tấn Vịnh
Lọ hoa Long Thạnh – bảo vật từ nghìn xưa
Trong hành trình lịch sử dân tộc có ba nền văn hóa được coi là ba cái nôi của văn minh cổ xưa trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 7 trước Công nguyên – thế kỷ 1), văn hóa Sa Huỳnh (thế kỷ 10 trước Công nguyên – cuối thế kỷ 2), văn hóa Óc Eo (thế kỷ 1 – thế kỷ 7). Ba nền văn hóa này đã tạo nên tam giác văn hóa trong buổi đầu lịch sử của dân tộc. Quảng Ngãi là cái nôi của nền văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh, được M.Vinet – nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện vào năm 1909, đến nay vừa tròn 110 năm. Sau đó, nhiều di chỉ văn hóa Sa Huỳnh khác được phát hiện ở lưu vực sông, đồng bằng ven biển, các đảo gần bờ, vùng trung du và miền núi thuộc dải đất miền Trung.
Đối với cư dân Sa Huỳnh, đồ gốm đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày cũng như sinh hoạt tâm linh. Các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật gốm thô, kích cỡ rất to, dùng để mai táng, gọi là “mộ chum Sa Huỳnh” và vô số bình gốm dùng trong đời sống hàng ngày. Tại di chỉ khảo cổ Long Thạnh, thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 18 bình gốm hình lọ hoa, có giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình và trang trí. Đây là những hiện vật tiêu biểu của nền văn hóa Sa Huỳnh, niên đại thuộc giai đoạn sơ kỳ đồng thau, cách nay khoảng trên dưới 3.000 năm. Bộ sưu tập lọ hoa Long Thạnh đã được Thủ tưởng Chính phủ công nhận là “Bảo vật quốc gia” vào năm 2018, hiện đang được lưu giữ và trưng bày ở bảo tàng Quảng Ngãi.
Trải qua hàng nghìn năm nhưng những chiếc bình gốm này vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Người Sa Huỳnh dùng kỹ thuật nặn tay kết hợp dải cuộn, nguyên liệu đất sét được lọc kỹ pha cát mịn, tạo ra những chiếc bình hoàn hảo với xương gốm mỏng nhưng chắc, áo gốm tô đỏ, kiểu dáng thanh thoát, hoa văn trang trí phong phú, tạo được phong cách riêng. Bộ sưu tập bình gốm hình lọ hoa của di tích khảo cổ Long Thạnh là những hiện vật độc đáo, duy nhất về nghệ thuật tạo dáng, trang trí đồ án hoa văn mang tính thẩm mỹ cao, kỹ thuật xử lý bề mặt gốm điêu luyện, tinh tế của người cổ Sa Huỳnh.
Bộ sưu tập 18 bình gốm Long Thanh được các nhà nghiên cứu chia thành 5 loại hình khác nhau. Loại 1 là những chiếc bình cổ cao, chân thấp, thân thấp, miệng hơi loe, chân đế cao và hơi loe, có đường gờ chay xung quanh. Trên bình có nhiều hoa văn răng sò, khắc vạch, họa tiết hình tam giác và chữ S. Loại 2 gồm những chiệc bình cổ cao, thon và miệng loe, thân dưới tròn có đường gờ chạy quanh. Hoa văn trang trí chủ yếu là các băng tam giác nằm ngang, những đường sóng lượn được tô chì trên nền hoa văn răng sò. Loại thứ 3 những chiếc bình miệng loe, vai và cổ đều nở, thân dưới thấp, có gờ chạy quanh. Phần trên bình được trang trí hoa văn hình học, sóng nước. Điều này cho thấy chủ nhân của những chiếc bình này là những người sinh sống ở vùng sông nước, biển cả và làm nghề chài lưới. Loại 4 là những chiếc bình hoa có đang thấp, miệng loe rộng, cổ rộng có eo, thân tròn, chân đế hẹp và loe. Hoa văn hình học, hình làn sóng được trang trí ở miệng, cổ, thân và đáy. Loại 5 là những chiếc bình không có chân đế, bụng nở ra ở phần đáy, miệng loe, cổ eo, có gờ chạy quanh cổ. Trên bình ẩn hiện các mô típ hoa văn tam giác, làn sóng cụt đầu trên nền hoa văn răng sò.
Màu đặc trưng của những bình gốm này là màu đỏ gạch giống như màu đỏ của thổ hoàng. Phối hợp với các đồ án hoa văn trang trí còn có các mảng tô màu đỏ và với màu đen ánh chì – đây là nghệ thuật trang trí đặc trưng nổi bật làm cho những lọ hoa của người cổ Sa Huỳnh rất đẹp mắt.
Bộ sưu tập gồm 18 bình hình lọ hoa gốm Long Thạnh có giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình và trang trí mỹ thuật phản ánh sự khéo léo tài hoa, đạt trình độ thẩm mỹ cao, sự phát triển nghề gốm thủ công của cư dân Sa Huỳnh – chủ thể sáng tạo nên nền văn hóa sơ sử nổi tiếng ở miền Trung.