Dương Nguyễn
Đối với nhiều thành phố ở Châu Âu, một trong những cách “sống xanh” được lựa chọn nhiều nhất chính là đi xe đạp để giảm thiểu phát thải gây ra. Ở Việt Nam, thói quen đạp xe cũng đang bắt đầu hình thành và nhen nhóm tại một vài nơi.
Xe đạp ở châu Âu
“Cậu có muốn đạp xe lòng vòng quanh thành phố không, Dương?”, Ivan, một người đồng nghiệp mới quen trong chuyến công tác tới Copenhagen (Đan Mạch), rủ tôi vào một buổi sáng nhàn rỗi hiếm hoi giữa bộn bề công việc. Đến thủ đô của Đan Mạch tôi cũng mới biết câu nói phổ biến: Xe đạp là bạn thân của người dân Đan Mạch.
Như một thói quen hàng ngày, người dân ở đây sử dụng xe đạp để đi làm, đi học, thậm chí đi chợ, đi mua sắm, tập thể dục dù trong bất kì điều kiện thời tiết nào.
Đồng ý với lời mời hấp dẫn từ phía Ivan, tôi ngay lập tức thuê một chiếc xe đạp để bắt đầu cuộc hành trình trên những cung đường sạch sẽ và được tổ chức ngăn nắp quanh thành phố. Dạo vòng quanh Copenhagen, thế giới xe đạp hiện ra với đầy đủ màu sắc và kiểu dáng từ những chiếc xe đạp thô sơ cho đến xe đua, và có cả những chiếc xe được trang bị thêm chỗ ngồi bên cạnh có hình như những chiếc hộp nhỏ để chở hàng hoặc đèo trẻ con.
Xe đạp cho thuê hoặc của những người muốn ghé vào quán ăn, siêu thị, trường học được đỗ ngăn nắp trên vỉa hè, góc phố hoặc khóa cẩn thận vào cột đèn hay những thân cây. Chính xác phải nói rằng xe đạp có ở mọi lúc mọi nơi quanh Copenhagen, ngay cả khi bạn đi tàu điện. Bởi người dân ở đây được cho phép mang xe đạp của mình lên tàu. Và khi xuống tàu, xe đạp lại đồng hành cùng họ để di chuyển tới các địa điểm khác nhau hoặc giữa các bến tàu điện.
Rất nhiều thành phố châu Âu khác cũng khuyến khích sử dụng xe đạp để cắt giảm chi phí cho nhiên liệu, tạo nên thói quen sống xanh, bảo vệ môi trường như Amsterdam (Hà Lan), Birmingham (Anh), Gothenburg (Thụy Điển) và Paris (Pháp).
Thay đổi thói quen di chuyển của người Việt
Với những lợi ích mang lại cho sức khỏe bản thân và cho môi trường sống, thói quen đạp xe hàng ngày đã bắt đầu “đến” Việt Nam. Nhiều người bạn, đồng nghiệp của tôi cũng đã lựa chọn xe đạp là phương tiện hàng ngày tới chỗ làm.
Anh Lê Việt Hà, nhà sáng lập của một công ty truyền thông ở Hà Nội, bắt đầu chuyển sang đi xe đạp bốn năm về trước. Hà lựa chọn đi xe đạp từ nhà đến chỗ làm, đi quanh thành phố gặp gỡ mọi người khoảng 30 – 40km/ngày không chỉ bởi lợi ích sức khỏe và môi trường mà còn bởi anh có thêm những phút giây yên tĩnh và nảy ra những ý tưởng mới. “Khi đi xe đạp, tôi cũng có thể dừng lại và tạt vào quán xá bên đường, nhìn ngắm thành phố”, anh chia sẻ.
Là người khởi xướng phong trào đạp xe ở Việt Nam với chiến dịch “Ta đi xe đạp” vào tháng 6/2019, anh Hà cho biết, để thay đổi thói quen của người Việt Nam từ đi ô tô, xe máy sang đi xe đạp, nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân là rất cần thiết. Còn về mặt kỹ thuật, cần có làn đường riêng dành cho xe đạp trong các thành phố.
Hà cùng các chuyên gia của một công ty tư vấn thiết kế đến từ Mỹ đang làm việc cùng chính quyền Hà Nội và một số thành phố ở Việt Nam về kế hoạch thiết kế và xây dựng hệ thống giao thông tự chủ, ưu tiên không gian dành cho xe đạp và người đi bộ.
Chia sẻ về ý tưởng của mình, Hà tin rằng khi hệ thống xe buýt nhanh phát triển và tàu điện trên cao đi vào hoạt động, xe đạp sẽ trở thành phương tiện đi lại phổ biến của người dân thành phố để di chuyển từ bến xe, bến tàu này sang bến khác.
Một số thành phố ở Việt Nam đã có những thay đổi đầu tiên để khuyến khích việc đi xe đạp. Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là thành phố đầu tiên trên cả nước chính thức ra mắt hệ thống xe đạp chia sẻ với mục đích khuyến khích người dân địa phương và khách du lịch đạp xe nhiều hơn. Hy vọng rằng ngày càng nhiều thành phố ở Việt Nam cũng sẽ ra mắt hệ thống này.
Xe đạp là phương tiện giao thông chuyển động với tốc độ chậm trong một xã hội đang phát triển nhanh chóng, nhưng tôi tin rằng sự hồi sinh của xe đạp không phản ánh sự tụt hậu của xã hội. Ngược lại, nó là biểu tượng của một cộng đồng văn minh, hiện đại, nơi phong cách sống xanh lên ngôi.