Giang Lê
Ảnh: Cao Hương, Minh Nguyễn, Mino
Từ đồng bằng về miền ngược, từ thành phố lên cao nguyên, cuộc sống tự tại giữa thiên nhiên trở thành trải nghiệm du lịch được ưa thích của giới trẻ. Hãy cùng ghé thăm một homestay nhỏ xinh ở Bắc Hà, một homestead yên bình giữa Đà Lạt và tìm hiểu cách sống của người xưa ở những khu vườn thuốc Nam.
Homestay ở cao nguyên trắng
Cao nguyên Bắc Hà đầu xuân ngập tràn màu trắng tinh khôi của hoa mận. Theo những con đường bụi đất, vượt qua các con dốc nhỏ và hít hà lớp sương mù đặc trưng của Bắc Hà khiến tôi nhớ lại lần đầu tới mảnh đất này khoảng chục năm trước. Từ đó đến nay, Bắc Hà vẫn khá vắng khách du lịch, nhưng dịch vụ homestay đã phát triển nhiều hơn. Hiện ở đây có khoảng hơn 20 cơ sở homestay để khách du lịch có thể lựa chọn cho chuyến trải nghiệm của mình.
Điểm nhấn của các homestay chính là chất liệu văn hóa vùng cao, từ những bạn trẻ H’mông làm việc ở đây cho đến những hoạt động trekking khám phá cao nguyên, học nhuộm chàm, vẽ sáp ong đặc trưng của người bản địa. Tôi ấn tượng nhất với trải nghiệm “bữa cơm chia sẻ” ở đây. Tất cả mọi người từ chủ nhà đến khách cùng ăn tối với nhau, chia sẻ chi phí bữa ăn, kể cho nhau nghe câu chuyện của mỗi người. Những câu chuyện có thể về ý nghĩa của các món ăn trên mâm cơm, rồi rộng hơn là chia sẻ trải nghiệm của chính mình về ẩm thực hay văn hóa của các vùng đất đã từng đi qua.
Những bạn trẻ H’mông vừa được rèn luyện tiếng Việt, tiếng Anh khi giao tiếp với du khách, vừa là “nguồn văn hóa” bản địa sống động, gần gũi. Các bạn cũng là những hướng dẫn viên đồng hành cùng khách trong các chuyến khám phá cao nguyên. Ngoài khách du lịch Việt Nam và quốc tế, còn có những bạn tình nguyện viên lặn lội từ Hà Nội lên, mở ra các lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em trong vùng và tận hưởng cuộc sống gần gũi thiên nhiên vùng cao.
Homestead – trạm dừng chân tuổi trẻ
Mô hình homestead – nông dân xây nhà, mở trang trại, phát triển cộng đồng cùng hàng xóm xung quanh, tự cung, tự cấp lương thực đang phát triển mạnh ở Việt Nam những năm gần đây. Khác với trước đây, trải nghiệm homestead phát triển theo xu hướng sống thuận tự nhiên, tạo năng lượng tinh thần tích cực cho người tham gia. Trong một chuyến đi chơi Đà Lạt, tôi vô tình bắt gặp mô hình này – một “trạm dừng chân” đáng yêu cho những tâm hồn mệt mỏi bị “trói buộc” ở thành phố.
Người chủ của homestead chia sẻ với tôi câu chuyện về cách tạo nên không gian nông nghiệp thuận tự nhiên này. Không phải cứ lên Đà Lạt là “trồng rau, rau lớn” hay “trồng hoa, hoa nở”. Đất có thể cằn trơ đá khiến cỏ không mọc nổi. Mưa và nắng nơi đây khắc nghiệt hơn tưởng tượng. Cải tạo đất và trồng trọt thuận tự nhiên là một chặng đường cần nhiều kiên nhẫn. Hơn thế, việc tạo nên một không gian để mọi người sống an yên và được làm những gì mình thích, song song với việc trân trọng tối đa thiên nhiên, cây cỏ và mảnh đất mình ở, cũng là một chặng đường lâu dài và khó khăn không kém.
Nông trang nhỏ đón mọi người như khách đến chơi nhà, tận hưởng không gian núi rừng nguyên bản nhất. Về trải nghiệm đặc biệt, chắc có lẽ đây sẽ là một trạm dừng chân, để mọi người được hòa mình với thiên nhiên, được cởi bỏ những khiên giáp để trở về với chính con người thật của mình. Họ có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống của một người nông dân, một đầu bếp, thợ mộc; hay sống cuộc sống sáng sáng đi bộ lên rừng thông, chiều tập yoga ngắm hoàng hôn, tối đến ngắm sao cùng cốc cacao nóng hổi trong tay – những điều mà trong bộn bề cuộc sống, với những kỳ vọng và đam mê, khó có thể trải nghiệm được.
Trở về ngày xưa với thảo dược Việt
Khi người trẻ háo hức với lối sống tối giản, thuận tự nhiên, họ bắt đầu tìm lại quá khứ và học theo phong cách sống xưa. Ngày xưa, các cụ dùng đũa tre, gội đầu bằng bồ kết, nhuộm vải bằng màu tự nhiên của các loại cây, củ, chải tóc bằng lược ngà, súc miệng bằng nước trầu không (cũng là một loại kháng sinh tự nhiên). Ngày nay những bạn trẻ cũng bắt đầu học sử dụng những sản phẩm tự nhiên một cách khoa học hơn.
Ở Long An, giữa không gian cánh đồng bất tận, có những khu du lịch sinh thái đặc trưng với nguồn dược liệu quý hiếm, nơi tổ chức các chuyến đi khám phá các rừng thuốc bản địa cho du khách. Ở miền Bắc, đó có thể là những vườn thuốc trong khu du lịch ở Phú Thọ hoặc trải nghiệm du lịch văn hóa cộng đồng ở thung lũng thảo dược Nặm Đăm, Hà Giang.
Du lịch homestay kết hợp với khám phá thảo dược đã xuất hiện ở Việt Nam một vài năm gần đây. Tôi vẫn nhớ như in tour nghỉ dưỡng tìm hiểu về thảo dược thuần Việt ở vùng núi phía Bắc. Cảm giác vừa được giải nhiệt bằng “chiếc điều hòa” khổng lồ là rừng cây xanh bao la, vừa “đắm mình” với các loại cỏ cây hoa lá thật khó quên. Homestay tôi ở là căn nhà sàn gỗ mang kiến trúc tộc người vùng cao rõ rệt. Bao quanh nhà là một vườn cây thuốc Nam lớn với đủ loại cây như: cúc tần, đậu biếc, bồ kết, bồ công anh, tai chua… Cách đó không xa là một khu rừng mới trồng, nơi tôi dành khoảng vài tiếng trekking, hòa mình vào thiên nhiên. Trên quãng đường, tôi được nghe giới thiệu về từng loại cây, cây nào có thể dùng để nấu ăn, cây nào có thể dùng làm thuốc và công dụng của chúng ra sao. Điều đọng lại lâu nhất là mùi tinh dầu khi vò những chiếc lá, rồi hít hà và nhận ra những hương thơm quen thuộc của tuổi thơ. Mùi hương của vỏ bưởi, sả, chanh, hương nhu, bồ kết thoang thoảng mà quyến rũ. Chúng khiến tôi nhớ lại ngày xưa bà vẫn đun nước gội đầu từ bồ kết và bưởi, thứ “dầu gội đầu” thuần tự nhiên, không một chút hóa chất. Bữa tối, chúng tôi được thưởng thức nhiều món chế biến từ rau củ thu lượm khi trekking và từ vườn rau sau nhà.
Không tivi, không điện thoại, những con người xa lạ ngồi hàn huyên với nhau dưới nhà sàn trong ánh đèn vàng, xung quanh là vườn cây, là rừng, là hương thơm của lá cỏ còn vương trên mái tóc, là thanh âm vang vọng của một thiên nhiên hoang sơ đang khẽ ngủ. Thiên nhiên tự tại mà con người luôn kiếm tìm và nâng niu.